Luôn có một suy nghĩ rằng, lớp chọn là môi trường tốt nhất để con em mình thi thố, cạnh tranh nhau học tập, đem về thành tích cho bản thân, gia đình, nhà trường...
> Danh sách Top 500 trường ĐH hàng đầu trên thế giới: "Không có trường nào của Việt Nam"
> Đồng Tháp đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục các cấp
Mục đích của nhà trường là để luyện “gà”, lấy thành tích
Vào đầu năm học mới, hầu hết các trường THCS, THPT ở các địa phương đều sắp xếp ra từ một đến một số lớp để làm lớp mũi nhọn, đầu khối lớp (gọi chung là lớp chọn).
Đối với học sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) thì căn cứ vào điểm học bạ, điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, điểm kiểm tra khảo sát đầu năm qua một số bộ môn chính như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để tuyển chọn.
Tất nhiên, các em có thành tích, kết quả điểm cao nhất, tốt nhất thì sẽ được sắp xếp vào lớp chọn.
Còn diện học sinh ở các lớp, khối khác sẽ sàng lọc qua từng năm học, em nào học tốt, trụ được thì tiếp tục giữ, còn những em học sa sút không chịu nổi thì cho về các lớp bình thường, tuyển những em ưu tú nhất của các lớp bình thường vào lớp chọn.
Mục đích chính của các cơ sở giáo dục khi hình thành và duy trì mô hình lớp chọn không gì khác là để “luyện gà”, để lấy thành tích cao cho nhà trường trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp, đỗ điểm cao vào các trường đại học danh tiếng.
Giáo viên dạy và chủ nhiệm rất sướng
Tâm lý chung của nhiều thầy, cô giáo rất mong muốn lãnh đạo nhà trường lựa chọn, phân công mình vào chủ nhiệm và giảng dạy các lớp chọn ấy. Bởi:
- Lớp ấy toàn học sinh học khá, giỏi, lại ngoan ngoãn nên việc quản lý, dạy học rất thoải mái, nhẹ nhàng, chỉ cần nói qua, giảng giải sơ sơ là các em đã hiểu, làm được bài ngay.
- Giáo viên đỡ áp lực về thành tích, chỉ tiêu, do có chất lượng đầu vào tốt.
- Những giáo viên được dạy ở lớp chọn cũng cảm thấy mình thật hãnh diện, đáng tự hào khiến các giáo viên khác (chưa hoặc không được dạy) phải ngưỡng mộ, trọng vọng, thậm chí ganh tị.
- Được giảng dạy ở những lớp chọn, hình ảnh, tiếng tăm của thầy cô được nhiều học sinh trong trường biết đến hơn, nhờ đó mà các lớp, các suất dạy học thêm của họ trở nên đông đảo, đắt sô hơn nhiều.
Trong trường hợp nhiều giáo viên so bì, hơn - thua, tiếng bấc, tiếng chì thì Ban giám hiệu phân công giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy theo hình thức luân phiên, hết người này đến người khác, ai cũng “hưởng” một chút cái sướng, cái đáng tự hào của lớp chọn.
Nếu gay go, căng thẳng hơn thì nhà trường tổ chức hình thức bốc thăm, hên - xui, được - mất…
Phụ huynh nghĩ đó là môi trường giáo dục tốt nhất
Cũng giống như thầy cô giáo, hầu hết phụ huynh đều cảm thấy phấn khởi, tự hào khi con em đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xếp vào các lớp chọn.
Có một số trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn, phụ huynh lại tìm mọi cách nhờ vả, chạy chọt… nhà trường, thầy cô giáo.
Có trường, có khối, con cháu cán bộ, giáo viên có nhu cầu vào lớp chọn quá đông, nhà trường bí quá nghĩ ra những lớp “lựa” (dưới lớp chọn) nhằm thỏa mãn mong mỏi của các phụ huynh ấy.
Tại sao nhiều cha mẹ lại thích con mình vào lớp chọn đến vậy?
Vì họ luôn có suy nghĩ rằng, lớp chọn là môi trường tốt nhất để con em mình thi thố, cạnh tranh nhau học tập, đem về nhiều thành tích, kết quả cao cho bản thân, gia đình, nhà trường.
Lớp chọn có nhiều học sinh tốt, học sinh giỏi sẽ giúp con em họ học tốt, học giỏi giang theo.
Không phủ nhận, nhiều em đã thích nghi và phát huy tốt khả năng học tập của mình ở môi trường lớp chọn.
Song, thực tế cũng có không ít em bị đuối sức, chịu áp lực, căng thẳng lớn trước một môi trường chỉ có học và học, thi và thi với tâm thế cạnh tranh, ganh đua nhau quyết liệt.
Do không phù hợp, sau một, hai năm học ở lớp chọn, một số phụ huynh và học sinh đã thay đổi nhận thức và quyết định xin chuyển qua các lớp bình thường.
Khi ra đời, bước vào công việc, thương trường cạnh tranh, nhiều em lớp thường còn vượt trội hơn nhiều em từng là học sinh trường chuyên, lớp chọn.
Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh tuyển sinh