Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị số 2919/CT-BGDDT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục.
> Bằng đại học tỉ lệ thuận với thu nhập cao
> NXB GDVN in gấp SGK phục vụ cho học sinh trên cả nước
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề ra 9 nhiệm vụ triển khai trong năm học mới 2018 - 2019.
1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục
Trong năm học mới 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên. Xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và viên chức quản lý giáo dục.
2. Sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên
Trong năm học này, ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.
Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Công văn số 3043/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/07/2018 của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục. Thực hiện các giải pháp bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định.
Triển khai các đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên để thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1.
3. Định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa; xây dựng nội dung và tài liệu giáo dục địa phương; hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
4. Xây dựng các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc
Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và theo kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo.
Tiếp tục xây dựng các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm khách quan, trung thực.
5. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học
Tiếp tục nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin trong giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
6. Giao mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm cho trường ĐH
Ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đẩy mạnh tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục đại học theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Chỉ đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP HCM hoàn thiện Đề án thí điểm thực hiện cơ chế không có cơ quan chủ quản.
7. Thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo
Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín để thu hút sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.
Tăng cường công tác quản lý đối với các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục, đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động tư vấn du học.
8. Giải quyết dứt điểm thiếu nhà vệ sinh và nước sạch ở trường học
Ngành Giáo dục sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án tại địa phương nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
9. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong năm học mới, ngành Giáo dục tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo đại học theo hướng tiệm cận với chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Khuyến khích các cơ sở đào tạo chủ động đổi mới phương thức đào tạo theo hướng phối hợp hiệu quả và chặt chẽ giữa đào tạo trong và ngoài nhà trường. Thúc đẩy phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo ngang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm.
Theo VOV - Kênh tuyển sinh
> Danh sách Top 500 trường ĐH hàng đầu trên thế giới: "Không có trường nào của Việt Nam"
> Đồng Tháp đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục các cấp