Sau một loạt sai phạm điểm thi tại các tỉnh, lãnh đạo một số trường đại học lo lắng về tính công bằng giữa các thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 và chất lượng đầu vào đại học năm nay.
> Điểm chuẩn nhiều trường sẽ giảm sau khi kết thúc điều chỉnh nguyện vọng
> Kết thúc thay đổi nguyện vọng nhiều thí sinh lựa chọn được trường mình mong muốn
Khó thẩm định bài thi trắc nghiệm
Sau một thời gian ngắn rà soát, xác minh điểm thi cao bất thường tại Sơn La, ngày 26/07 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ luật Hình sự. Trước đó, ngày 23/07, tổ công tác của Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng đã có thông báo về kết quả xác minh, rà soát điểm thi tại Sơn La trong đó, có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh...
Bước đầu tổ công tác chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cũng đã chấm lại và công bố điểm mới của 42 bài thi môn Ngữ văn tại Hội đồng thi THPT Quốc gia ở Sơn La. Riêng bài thi trắc nghiệm của các thí sinh điểm cao thì chưa có.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Bộ GD&ĐT đã hoàn thành công đoạn rà soát, phát hiện ra một số vi phạm trong quy chế thi. Tuy nhiên, khi quét lại bài thi trắc nghiệm thì đều ra kết quả giống như ảnh chụp nên đã nằm ngoài khả năng xử lý của tổ công tác. Do đó, những công việc còn lại đã được giao cho các cơ quan chức năng của Bộ Công an”.
Như vậy, với tính chất vi phạm ở Sơn La là khá nghiêm trọng, bởi không giống như tại Hà Giang là cán bộ Phòng khảo thí trực tiếp sửa trên máy tính, còn tại Sơn la cơ quan chức năng chưa xác định được bao nhiêu phiếu trả lời trắc nghiệm bị sửa, bởi file ảnh quét lưu lại kết quả chấm đang phù hợp phiếu trả lời trắc nghiệm như Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả.
Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại sẽ rất khó phân biệt được bài thi nào đã được sửa chữa, can thiệp bởi máy quét không thể xác định. Công đoạn điều tra, xác minh sẽ gặp nhiều vất vả để rà soát lại từng bài thi.
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng, tờ phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của một thí sinh cụ thể.
Quy trình môn trắc nghiệm chưa hoặc không phù hợp khi tổ chức ở địa phương, nhất là khâu chấm, kiểm dò. “Theo tôi, lỗi không phải ở phần mềm chấm thi mà lỗi do người có thẩm quyền có thể tự sửa các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trước vào phần mềm chấm thi. Hoặc cũng có thể sửa phiếu trắc nghiệm đó cho phù hợp mới đưa vào phần mềm quét chấm thi”, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc cho hay.
Trường đại học lo chất lượng “đầu vào”
Trong khi chờ đợi kết quả kiểm tra, rà soát ở một số địa phương sai phạm và có dấu hiệu điểm thi THPT Quốc gia 2018 cao bất thường, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại chất lượng nguồn tuyển đại học năm nay. Băn khoăn, lo lắng nhất vẫn là các trường đại học (tốp trên), những trường vốn luôn tuyển thí sinh điểm cao để đáp ứng yêu cầu đào tạo và xây dựng thương hiệu từ nhiều năm nay. Vậy nên, điểm số của những thí sinh cao “chót vót” nhưng chấm lại chưa đủ để tốt nghiệp THPT cũng là lý do nhiều trường đại học mong muốn có sự công bằng giữa các thí sinh năm nay.
Thông tin từ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, dù thí sinh điểm cao nộp đơn xét tuyển vào trường, nếu chưa được Bộ GD&ĐT thẩm định lại, nhà trường vẫn phải tuyển vì không có lý do để từ chối. Nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ với nhà trường trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): “Bộ cũng nên rà soát lại hết các quy trình tổ chức kỳ thi, chỗ nào hổng thì khắc phục cho các kỳ thi sau. Nếu giao cho địa phương tự tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT và lấy làm căn cứ vào đại học thì không ổn, vì nhiều nơi vẫn còn mắc “bệnh thành tích”, can thiệp vào điểm thi của thí sinh như năm nay là một ví dụ. Khi chất lượng giáo dục kém, không thực chất, các trường đại học khó có thể đào tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Theo 24 Giờ - Kênh Tuyển Sinh
> Nên để ai chủ trì kỳ thi THPT quốc gia để hạn chế tối đa phát sinh tiêu cực?