Sau một thời gian dài nghỉ học, các học sinh đã phần nào bị hổng kiến thức. Chính vì vậy, ngoài việc phải rà soát lại kết quả học tập của các em, Bộ GD-ĐT cần đưa ra phương án thi THPT quốc gia sớm để kịp thời chuẩn bị.

Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không dừng năm học ở thời điểm này

Với tính toán của Bộ, học sinh lớp 12 vẫn còn 3 tuần ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, tính từ thời điểm kết thúc năm học 15/7. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muộn công bố phương án thi THPT quốc gia thì nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch năm học và tổ chức ôn thi.

tuyển sinh lớp 10

Bộ GD-ĐT cần công bố sớm phương án thi THPT 2020 để thầy cô và học sinh có công tác chuẩn bị tốt hơn.

1. Mất nhiều thời gian để triển khai các công việc liên quan

Cho dù nhà trường đã dạy học online, học qua truyền hình, mức độ tiếp thu bài của học sinh cũng còn hạn chế vì thiếu tương tác hai chiều giữa người dạy và người học. Hơn nữa, quá trình dạy như thế còn mang tính đại trà, chưa phân hóa được từng nhóm đối tượng và thiếu kiểm tra nên mức độ tiếp thu bài của học sinh giảm đi nhiều. Ngoài ra, vẫn tồn tại một bộ phận học sinh thiếu điều kiện và phương tiện học tập (máy tính, điện thoại thông minh...) nên việc học bị gián đoạn. Vì thế khi mở trường, có thể giáo viên phải dạy lại chương trình của học kỳ hai.

2. Khối lượng kiến thức dạy và học có thể tăng lên

Theo rà soát chương trình, khối lượng kiến thức phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Cụ thể, học sinh lớp 12 sẽ thiếu khoảng 8 tuần để học hết chương trình môn Toán, Ngoại ngữ. Đây là hai môn thi trắc nghiệm nên học sinh phải học theo chiều rộng thì mới có thể làm được bài thi theo các mức độ phân hóa của đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao. Những môn bố trí nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ sau khi giảm tải nội dung thì vẫn phải kiểm tra ít nhất 2 cột điểm hệ số 1 và hệ số 2. Mất thêm một tuần để kiểm tra học kỳ II, một tuần chấm bài, vào điểm thì giáo viên không còn thời gian cho việc dạy học trên lớp.

3. Cần thêm thời gian để xây dựng bộ đề ôn luyện sát với đề thực tế

Để ôn tập hiệu quả, tổ chuyên môn cũng cần thêm thời gian xây dựng đề luyện tập sao cho sát với đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi tổ phải ra khoảng 10 đề mẫu cho 5 bài thi thì giáo viên mới có tài liệu hướng dẫn học sinh luyện đề cho quen dần.

Nhiều năm qua, kỳ thi THPT quốc gia chỉ nhằm xét tốt nghiệp phổ thông nhưng đa phần các trường Đại học vẫn dựa vào kết quả này để xét tuyển học sinh đầu vào. Nếu năm nay vì dịch bệnh kéo dài không thể tổ chức được kỳ thi thì Bộ cũng nên có những hướng dẫn chi tiết để các trường Đại học chủ động trong tuyển sinh.

Theo VnExpress