Vì vướng mắc các quy định nằm trong quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020, nên nhiều trường vẫn chưa thể thống nhất được phương án tuyển sinh riêng.
> Tuyển sinh 2020: Đề thi tốt nghiệp tập trung vào nội dung nào?
ĐH Quốc gia Hà Nội bất ngờ công bố quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng của ĐH này như thông báo trước đó mà sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển tốt nghiệp.
Ngay sau đó, Trường ĐH Ngoại thương cũng công bố dừng tổ chức kỳ thi phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển ĐH chính quy năm 2020.
Trong khi đó, nhiều trường mới đây đã công bố sử dụng kết quả thi năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để thực hiện việc xét tuyển tốt nghiệp. Do vậy, quyết định này của ĐH Quốc gia Hà Nội khiến không chỉ thí sinh, phụ huynh mà cả nhiều trường ĐH trên cả nước bối rối.
Việc ngưng triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng của ĐH quốc gia khiến nhiều trường khá bối rối và bất ngờ.
1. Còn quá nhiều xáo trộn chưa thể thống nhất
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên trường vẫn đang xem xét các phương án điều chỉnh lịch thi đánh giá năng lực cho phù hợp với tình hình thực tế. Lịch thi điều chỉnh dự kiến sẽ vào cuối tháng 6 (đợt 1) và cuối tháng 8 (đợt 2).
Theo các chuyên gia tuyển sinh, với dự thảo quy chế tuyển sinh 2020, một số điều kiện để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 khác với trước đây nên ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đang phải chờ quy chế chính thức từ Bộ GD-ĐT để đưa ra quyết định cuối cùng về kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu trường hợp kỳ thi này không được tổ chức, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tốn nhiều công sức đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi suốt thời gian qua. Việc hoàn trả số tiền phí dự thi cho thí sinh đã lên tới cả tỉ đồng sẽ rất phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, công tác tuyển sinh của tất cả những trường đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn.
2. Có thể sẽ hủy bỏ kỳ thi nếu không đủ điều kiện
Năm nay, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã lên kế hoạch tiếp tục tổ chức kỳ kiểm tra năng lực (như các năm 2017, 2018, 2019). Đây là một trong sáu phương thức tuyển sinh năm nay của trường (chiếm 20 - 40% tổng chỉ tiêu). TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Trong dự thảo quy chế có những yêu cầu như cán bộ phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi, bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi..., chúng tôi không biết đây là chứng chỉ gì, vì thực tế các thầy cô trong trường chỉ có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm".
Các trường cần mau chóng đưa ra phương án tuyển sinh Đại học 2020 để không làm ảnh hưởng đến tâm lý ôn thi của thí sinh.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trường đã tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng từ năm 2019 nhằm đa dạng hóa phương thức xét tuyển thi THPT quốc gia theo tinh thần tự chủ, thêm cơ hội cho thí sinh. Năm 2020, trường dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển riêng vào tháng 7 với 5% chỉ tiêu. Ông Nguyễn Quốc Anh cho hay nếu đáp ứng được các điều kiện quy định của quy chế tuyển sinh, trường vẫn sẽ giữ nguyên các phương thức tuyển sinh dự kiến như đã công bố. Ngược lại, trường sẽ phân bổ lại chỉ tiêu từ kỳ thi riêng cho các phương thức xét tuyển còn lại.
TS Trần Ái Cầm - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cũng cho biết trường này đã tự chủ trong tuyển sinh từ nhiều năm trước, với việc sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh. Trường dự kiến có 5 phương thức tuyển sinh, trong đó có kỳ thi tuyển do trường tổ chức với chỉ tiêu 20%. "Tuy nhiên, với dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học 2020 của Bộ GD-ĐT, có nhiều yêu cầu cụ thể về tiêu chí nhân sự hay yêu cầu về chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi. Để thực hiện được thì cần lộ trình thích hợp các trường mới có thể chuẩn bị công tác nhân sự cũng như chuyên môn... Trong trường hợp không được tổ chức thi, chúng tôi sẽ điều chỉnh tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh cho 4 phương thức còn lại" - bà Cầm nói.
Theo Tuổi Trẻ