Mặc dù dịch Covid-19 khiến các học sinh không thể đi học lại được nhưng việc dừng năm học 2019-2020 sớm sẽ không nằm trong kịch bản giảng dạy.
> Học tiếng Anh trực tuyến qua môn Toán và Khoa học hoàn toàn miễn phí
> Bật mí các bí kíp cho sinh viên học trực tuyến hiệu quả
Các trường cần phối hợp chặt chẽ trong công tác dạy học để các em học sinh nắm được bài học chuẩn bị bước vào học kỳ 2.
Mốc thời gian bắt đầu học kỳ 2 chính thức bắt đầu từ ngày 15-4
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, nếu tính tới mốc 15-4 thì học sinh cả nước đã không đến trường 10 tuần. Trong thời gian này, có trường vẫn triển khai được dạy học trực tuyến hoặc tổ chức ôn luyện, giải đáp kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng có trường chưa triển khai được.
Vì thế khi tính toán tinh giản nội dung dạy học học kỳ 2, Bộ GD-ĐT lấy thời điểm bắt đầu học bài mới qua Internet, truyền hình từ ngày 15-4 để tính toán thời gian còn lại thực hiện nốt chương trình năm học.
"Từ ngày 12-3, Bộ GD-ĐT đã đề nghị tăng cường việc dạy học qua Internet và truyền hình, đồng thời có hướng dẫn giảng dạy và công nhận kết quả dạy học theo các hình thức này.
Tuy nhiên, các trường cần có thời gian khoảng 3-4 tuần vừa qua để chuẩn bị, thử nghiệm, điều chỉnh kế hoạch. Vì thế, để chính thức bắt đầu có thể lấy mốc 15-4 để tính thời gian cho các nhà trường tổ chức dạy học chương trình học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình" - ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Không thể lấy những khó khăn để trì trệ, ngưng đọng việc học lại
Theo một số Sở GD-ĐT thì có những trường gặp khó khăn do không có mạng, đường truyền kém, giáo viên, học sinh không có máy tính, thậm chí nguồn điện không ổn định. Đây cũng chính là lý do khiến một số ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên kết thúc năm học ở học kỳ 1. Phần học kỳ 2 chuyển sang năm học sau để cả nước thống nhất, học sinh công bằng như nhau.
Trao đổi rõ hơn về quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng không thể vì những nơi khó khăn mà bắt những trường có đủ điều kiện dạy học tốt phải ngừng lại để chờ. Bởi đối với giáo dục phổ thông, việc ngừng dạy học kéo dài gây nên nhiều hệ lụy không lường trước được. Đây là thực tiễn đòi hỏi các địa phương, các trường cùng chung tay phải cố gắng khắc phục để chiến đấu qua mùa dịch bệnh này.
Bên cạnh đó, phía Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông để cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin tới các nhà trường. Các địa phương cũng cần chia sẻ để hỗ trợ các nhà trường, giáo viên, học sinh khắc phục khó khăn. Nơi không thể dạy trực tuyến thì học qua truyền hình.
Theo Tuổi Trẻ