Quá trình học online đối với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.
Liên quan công tác tổ chức dạy học dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để dạy học trực tuyến, phát sóng trên truyền hình.
Đối với lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình được thực hiện với 3 môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Bộ cũng đã bước đầu hoàn thành xây dựng, phát sóng 15 video bài giảng các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6.
Các kênh truyền hình tỉnh, thành tiếp sóng, phát lại chương trình dạy học trong khung giờ phù hợp.
Học sinh tiểu học gặp nhiều khó khăn trong việc học trực tuyến (Ảnh minh hoạ: Vietnamnet)
Bộ cũng xây dựng chuyên mục hỗ trợ dạy học trực tuyến trên cổng thông tin điện tử để liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử, thông tin hướng dẫn lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến, lịch phát sóng dạy học trên truyền hình của tất cả đài trên cả nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí, chất lượng chưa đảm bảo, đường truyền Internet nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.
Hệ thống bài giảng điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở lớp 9, lớp 12 và ở các môn chính. Bài giảng điện tử của chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu.
"Chất lượng học tập ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tình trạng học sinh học không chuyên cần, bỏ học, có nguy cơ bỏ học, tái mù chữ vẫn còn ở một số địa phương", tư lệnh ngành giáo dục đánh giá.
Ông đề nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn về hạ tầng, thiết bị kỹ thuật dạy học trực tuyến, tạo điều kiện để học sinh cấp tiểu học, học sinh vùng nông thôn, miền núi, hải đảo được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.
Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng các bài giảng trực tuyến, trên truyền hình, nhất là bài giảng theo chương trình giáo dục phổ thông mới để cung cấp cho các trường tổ chức dạy học.
> Tây Ninh: Sở GD-ĐT yêu cầu chỉ học trực tiếp khi giáo viên, học sinh đã tiêm vắc xin Covid-19
> COVID-19: Học sinh khối 9 và 12 của một huyện tại Tiền Giang trở lại trường
Theo ZING News