Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 được kỳ vọng hạn chế tình trạng trúng tuyển ảo nhưng gây lo ngại về tính công bằng đối với thí sinh tốt nghiệp năm trước.
1. Đánh giá tổng thể về dự thảo
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp. Những thay đổi lớn của mùa tuyển sinh năm nay liên quan đến thời gian đăng ký xét tuyển, việc xét tuyển sớm và quy định về điểm ưu tiên khu vực.
Đánh giá tổng thể, TS Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi, ủng hộ những thay đổi trong dự thảo, hướng tới mục tiêu tăng tính tự chủ, chịu trách nhiệm của các trường; thống nhất sự kiểm soát, giám sát của Bộ; tăng tính minh bạch và công bằng cho thí sinh.
Ông Thạc lấy ví dụ điều 18 về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm bằng các phương thức khác. Năm nay, các trường không được phép yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn kế hoạch chung của Bộ; mà chỉ công bố và cập nhật thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống. Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống; và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp, Bộ sẽ xử lý nguyện vọng của thí sinh ở tất cả phương thức trên cùng một hệ thống chung.
"Đây là một điều chỉnh về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, thậm chí giúp các em có nhiều lựa chọn hơn", ông Thạc nói và lấy ví dụ về một thí sinh đã trúng tuyển ngành A tại trường B theo phương thức xét học bạ. Các năm trước, trường sẽ yêu cầu em xác nhận nhập học trước khi biết điểm chuẩn của phương thức thi tốt nghiệp. Lúc này có thể xảy ra trường hợp: thí sinh chưa thực sự hài lòng với ngành A nhưng vẫn nhập học "cho chắc suất". Nếu sau đó thí sinh trúng tuyển một ngành khác tốt hơn bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, em sẽ gặp khó khăn, thậm chí không thể thay đổi lựa chọn.
Nhưng theo quy chế năm nay, nếu thí sinh biết mình đủ điều kiện trúng tuyển ngành A và vẫn có cơ hội xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, em chỉ cần đặt nguyện vọng yêu thích theo thứ tự ưu tiên cao hơn.
Đồng quan điểm, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cho biết những năm trước, nhiều thí sinh trúng tuyển sớm, đã xác nhận nhập học và đóng một phần học phí theo yêu cầu của trường, sau đó tiếc nuối vì trúng tuyển trường và ngành khác yêu thích hơn mà không thể nhập học. Điều này ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của các em. Nếu dự thảo quy chế mới được thông qua, tình trạng này sẽ gần như không xảy ra.
Không chỉ với thí sinh, theo ông Hà, thay đổi này còn đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các trường. Trong bối cảnh đa dạng hóa phương thức xét tuyển, nhiều trường nhận hồ sơ từ rất sớm và đưa ra những ràng buộc nhất định để giữ sinh viên.
2. Vẫn còn những đề nghị xem xét lại
"Quy chế mới - đưa các trường vào một game chung, xét tuyển cùng thời gian, cùng hệ thống và dữ liệu chung - sẽ hạn chế được tình trạng này và tạo ra sự bình đẳng trong tuyển sinh, ông Hà nói.
Đại diện Học viện Ngân hàng cũng cho rằng với việc thí sinh không xác nhận nhập học sớm, tỷ lệ nhập học cuối cùng sẽ rất sát với lượng thí sinh trúng tuyển. Năm ngoái, tỷ lệ nhập học của thí sinh trúng tuyển bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ không cao, do các em sau đó trúng tuyển các trường khác bằng phương thức khác. Việc đưa mọi nguyện vọng ở mọi phương thức xét tuyển của thí sinh lên hệ thống chung sẽ giảm thiểu tỷ lệ trúng tuyển ảo.
Ngoài ra, quy định yêu cầu các Sở Giáo dục cập nhật dữ liệu học bạ của thí sinh lên cơ sở dữ liệu ngành (ở khoản 1 điều 25) cũng giúp các trường tiết kiệm thời gian, chi phí.
Ông Hà phân tích, những năm trước, trừ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường mất rất nhiều thời gian xác minh tính chính xác của hồ sơ, chẳng hạn học bạ thí sinh nộp. Với dự thảo quy chế 2022, các trường sử dụng cơ sở dữ liệu chung của Bộ, trong đó có điểm thi tốt nghiệp và học bạ nên giảm được chi phí, thời gian, nhân sự.
Bên cạnh những đánh giá tích cực, dự thảo bị đề nghị xem xét lại một số quy định. TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Đại học Nha Trang, chỉ ra hai điểm chưa hợp lý. Thứ nhất, quy định "không cộng điểm ưu tiên cho thí sinh thi tốt nghiệp năm trước" có thể gây ra bất công. Một số thí sinh vừa tốt nghiệp THPT đã phải đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự nên chưa thể xét tuyển vào đại học ngay. Nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bươn chải để có kinh phí vào đại học. Những nhóm này sẽ tự nhiên mất quyền cộng điểm ưu tiên.
Thứ hai, khoản 3, điều 18 của dự thảo quy định thí sinh đã dự tuyển vào một trường theo kế hoạch xét tuyển sớm, phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung. Điều này làm yếu đi vai trò của các phương thức xét tuyển sớm, bởi thí sinh có thể thay đổi ý muốn trong việc đặt thứ tự ưu tiên. Việc yêu cầu thí sinh đăng ký nhiều lần ở các hệ thống khác nhau còn gây bất tiện và phát sinh sai sót.
"Hiện, ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, các trường sử dụng rất đa dạng phương thức tuyển sinh. Liệu rằng có một hệ thống đủ mạnh, đáp ứng lọc ảo chung cho tất cả phương thức này không?", ông Phương đặt câu hỏi.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cũng cho rằng nên bỏ quy định thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển sớm lên hệ thống chung.
Một số lãnh đạo đại học cũng chỉ ra bất cập về mặt kỹ thuật khi yêu cầu thí sinh đăng ký lại nguyện vọng xét tuyển sớm lên hệ thống chung. Theo đó, hiện các trường đã nhận hồ sơ xét tuyển theo các phương thức như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển theo quy định riêng... Nếu áp dụng quy định của dự thảo, thí sinh phải đăng ký lại nguyện vọng này hoặc trường phải tải dữ liệu lên hệ thống. Quá trình này có thể dẫn đến tình trạng sai lệch thông tin.
> Thí sinh xác nhận nhập học tại trường này thì có xét tuyển ở trường khác?
> Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 làm khó cho trường và cả thí sinh
Theo VnExpress