Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ làm khó cho trường và cả thí sinh.

Sẽ đình chỉ nghề nghiệp nếu không cập nhật văn bằng

Sẽ đình chỉ nghề nghiệp nếu không cập nhật văn bằng

Quy định về việc cập nhật văn bằng nhằm tăng cường quản lý giáo dục, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu, hạn chế tình trạng gian lận.

Theo dự thảo quy chế này, Bộ GD-ĐT nêu yêu cầu chung trong tuyển sinh trong đó nhấn mạnh: "Các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ GD-ĐT nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trong hệ thống; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyển sinh của mỗi cơ sở đào tạo và của toàn hệ thống". Tuy nhiên, đại diện các trường cho rằng nếu thực hiện theo dự thảo sẽ nảy sinh nhiều bất cập.

Dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay Bộ GD-ĐT không cho xác nhận nhập học sớm là một bước lùi và gây khó khăn cho các trường.

1. Dễ gây nhầm lẫn cho thí sinh

Nội dung mới trong dự thảo quy chế khiến nhiều trường băn khoăn là quy định đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung. 

Theo đó, thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên phiếu đăng ký (theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT): thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất); lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường); lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh (mã ngành); lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học THPT.

Về việc này, trưởng phòng đào tạo một trường đại học phía Bắc cho rằng với dự kiến của bộ sẽ xét tuyển nhiều phương thức cùng một đợt, chạy lọc ảo chung sẽ khó cho cả thí sinh và các trường. 

Ví dụ trường tuyển ngành công nghệ thông tin theo nhiều phương thức (học bạ, điểm thi THPT, điểm thi đánh giá năng lực...), nếu đặt vào cùng đợt xét, để máy tính nhận thì mỗi phương thức phải có một mã xét tuyển riêng và theo cả tên ngành. "Như vậy mỗi ngành sẽ có nhiều mã xét tuyển, khiến thí sinh dễ nhầm mã xét tuyển. 

Tôi đoán thí sinh sẽ nhầm lẫn nhiều và chọn sai mã xét tuyển dẫn đến sai lệch kết quả. Nhưng nếu không đặt ra nhiều mã xét tuyển thì lại không xét chung một đợt được. 

Quy định xét tuyển chung tất cả các phương thức xét tuyển cùng một đợt và lọc ảo chung sẽ nảy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật bất cập rất khó để đảm bảo sự thuận lợi cho thí sinh và các trường trong xét tuyển" - vị này nói.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, những năm trước các trường yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm là để chống ảo và dồn chỉ tiêu mà các em không nhập học cho các phương thức xét tuyển khác thì trường mới tuyển đủ chỉ tiêu đồng thời tăng khả năng trúng tuyển của các thí sinh ở các phương thức còn lại.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 làm khó cho trường và cả thí sinh - Ảnh 1

PGS.TS Đỗ Văn Dũng 

"Chỉ cần quy định các trường ĐH phải tải danh sách các thí sinh đã xác nhận nhập học sớm lên cổng thông tin để không xét tuyển ở các trường khác là đủ. Bộ còn cho phép các em đã trúng tuyển tạm thời tiếp tục lựa chọn nguyện vọng ở các phương thức khác càng làm tăng ảo và nguy cơ lớn là các trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu" - ông Dũng nói.

2. Những nỗi lo lắng

TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - nhận định: "Dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay về mặt lý thuyết thì tốt. Tuy nhiên, với rất nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức lại có thể có nhiều tiêu chí khác nhau. 

Đồng thời, số lượng nguyện vọng cực lớn thì không biết khả năng xử lý của công cụ lọc ảo và xác định nguyện vọng trúng tuyển duy nhất cho mỗi thí sinh sẽ thế nào. 

Đó là điều chúng tôi lo lắng. Bên cạnh đó, các trường phải ấn định tỉ lệ phần trăm thí sinh trúng tuyển cho mỗi phương thức, trong khi rất nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng vẫn không nhập học. Điều này có thể gây khó cho các trường".

Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cũng cho rằng với quy định thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT sẽ gây khó cho các trường. 

"Trường hợp thí sinh đã được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác). Điều này hơi kỳ so với quy định các trường được tự chủ tuyển sinh, do vậy nên bỏ quy định này" - ông Sơn kiến nghị.

ThS Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng quy định các trường được tổ chức đăng ký xét tuyển và xét tuyển sớm nhưng không được công nhận kết quả trúng tuyển, việc này gây khó khăn cho các trường và thí sinh. 

"Theo dự kiến, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức như học bạ, đánh giá năng lực... được các trường công bố kết quả xét tuyển sớm vẫn sẽ phải đăng ký nguyện vọng này lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và xếp thứ tự ưu tiên. Rõ ràng thí sinh phải thêm một lần đăng ký nguyện vọng xét tuyển nữa dù đã trúng tuyển" - ông Quán cho biết thêm.

> TOP 10 trường Đại học hàng đầu tại miền Bắc

> Hà Nội đề xuất lùi thời gian nghỉ hè của học sinh phổ thông

Theo Tuổi Trẻ