Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học.

Hơn 17 triệu học sinh cả nước trở lại học trực tiếp kể sau Tết Nguyên Đán

Hơn 17 triệu học sinh cả nước trở lại học trực tiếp kể sau Tết Nguyên Đán

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 17,1 triệu trong số hơn 22,6 triệu học sinh cả nước được học trực tiếp trong tuần này, tăng khoảng 1,4 triệu so với...

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây chỉ đạo đưa toàn bộ học sinh, sinh viên trở lại trường sau dịp Tết Nguyên đán. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về các vấn đề xung quanh quyết định này.

- Đâu là lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn mở cửa trường trên cả nước vào thời điểm này, thưa ông?

- Mở cửa trường học sau thời gian dài tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình là chủ trương chung của Chính phủ. Trong các cuộc họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh chủ trương này bên cạnh các giải pháp hồi phục kinh tế, an sinh xã hội, và giáo dục và đào tạo.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ Y tế, chuyên gia giáo dục, chuyên gia y tế và nhận thấy rằng: Thời điểm này, dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người lớn và lứa tuổi 12-18 tuổi cũng rất cao. Ngành y tế đã có thuốc điều trị và kinh nghiệm thực tế trong phòng chống dịch, cũng như gia tăng khả năng điều trị Covid-19. Ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn.

Bộ Giáo dục đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Đây là tài liệu để các địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng phương án ứng phó cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi nơi.

Việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học từ mầm non đến đại học, đặc biệt là cấp học mầm non và phổ thông tại các địa phương. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

'Việc đưa học sinh trở lại học trực tiếp phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời' - Ảnh 1

Hà Nội tổ chức học trực tiếp cho học sinh sau Tết Nguyên Đán (Ảnh: VnExpress)

- Chủ trương "đưa học sinh trở lại trường sớm nhất có thể" được sự ủng hộ của Bộ Y tế, các chuyên gia giáo dục và y tế, nhưng một số phụ huynh vẫn lo lắng. Ông muốn nhắn gửi gì để nhận được sự đồng lòng phối hợp của cha mẹ học sinh?

- Dịch bệnh còn phức tạp và việc phụ huynh lo lắng về an toàn cho con, em mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế là dù học sinh không đi học, người lớn vẫn đi làm bởi các hoạt động xã hội đã được khôi phục. Nếu trẻ ở nhà, ngoài việc phải chịu tác động tiêu cực của việc học ở nhà, thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Hiện tại, không có phương án nào là tuyệt đối đáp ứng tất cả yêu cầu đặt ra. Giữa các phương án hiện có, chúng ta buộc phải chọn phương án tối ưu để khi đến trường, học sinh vừa được đảm bảo chất lượng dạy và học tốt nhất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

- Học sinh cả nước đồng loạt trở lại trường sau Tết trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ vaccine cao, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Bộ tính toán các phương án như thế nào nếu xuất hiện dịch trong trường học?

- Trước khi quyết định cho học sinh quay lại, chúng tôi đã trao đổi, làm việc với Bộ Y tế, lấy ý kiến của các chuyên gia y tế, chuyên gia giáo dục và lắng nghe dư luận, báo chí, truyền thông.

Để hạn chế bớt rủi ro và đảm bảo sự an toàn nhất có thể đối học sinh khi quay trở lại trường, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng các địa phương cần thực hiện là có kế hoạch tổng thể mở cửa trường học với sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế chỉ đạo công tác chuẩn bị trường lớp, các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh phòng dịch, các phương án, kịch bản dự phòng để xử lý tình huống phát sinh cũng như chuẩn bị theo yêu cầu của ngành y tế. Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe cho học sinh là những yếu tố hết sức quan trọng để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho các em.

Các địa phương chủ động lên các phương án xử lý trong trường hợp phát sinh ca mắc Covid-19 trong trường học theo hướng dẫn. Giải pháp đóng cửa trường học khi chỉ có vài ca nhiễm đến nay không còn phù hợp. Vì vậy, định hướng chung của liên Bộ Giáo dục và Bộ Y tế là bình tĩnh đối phó, khoanh vùng hẹp nhất để hoạt động dạy và học của nhà trường vẫn diễn ra bình thường.

- Trong năm qua, phần lớn học sinh cả nước phải học online thời gian dài và đối mặt với nhiều tác động tiêu cực, vậy mục tiêu về chất lượng giáo dục được Bộ đặt ra như thế nào?

- Việc dạy và học trực tuyến, truyền hình không phải là phương pháp mới mà đã được thực hiện từ lâu. Cách dạy này có nhiều ưu điểm nếu như có sự chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng, sự sẵn sàng của người dạy và người học. Nhưng đối với học sinh nhỏ tuổi, dạy trực tuyến hay truyền hình trên phạm vi rộng, trong điều kiện chưa sẵn sàng về cơ sở vật chất cũng dẫn đến những tác động không nhỏ. Vì vậy, áp lực không của riêng giáo viên, mà của toàn ngành giáo dục là kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trong đại dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiên trì và đảm bảo tốt nhất có thể thể mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục. Tùy vào mỗi điều kiện, thời điểm, hoàn cảnh, Bộ sẽ có những giải pháp phù hợp để đạt mục tiêu này. Khi bắt buộc học tập tại nhà, giải pháp là dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến, và khi quay trở lại trường, giáo viên sẽ tập trung củng cố, tăng cường bồi đắp kiến thức cho học sinh.

- Hai năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 tạo thách thức lớn cho ngành giáo dục nhưng cũng là cơ hội để ngành tái thiết. Bộ sẽ ưu tiên đổi mới những vấn đề gì trong năm 2022, thưa Bộ trưởng?

- Năm 2022, khối lượng công việc mà ngành giáo dục cần giải quyết rất lớn. Chúng tôi vừa phải làm nhiệm vụ theo kế hoạch, vừa giải quyết những vấn đề tác động của Covid-19, vừa sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp có thể phát sinh của dịch bệnh. Tuy nhiên, Bộ xác định nhiệm vụ trọng tâm năm nay là phục hồi, tái thiết để xác lập lại hoạt động bình thường trong trường học.

Ngay khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần có phương án đánh giá lại kiến thức, kỹ năng của các em một cách phù hợp mà không gây sự căng thẳng cho học sinh. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với gia đình để củng cố, bồi đắp thiếu hụt do tác động tiêu cực của hoạt động học gián tiếp. Việc này không chỉ diễn ra vài tháng mà có thể kéo dài trong cả năm học. Nhà trường cũng tổ chức tư vấn cho những học sinh bị ảnh hưởng tâm sinh lý để các em phát triển về thể chất và tinh thần bình thường.

Bên cạnh đó, việc đổi mới sách giáo khoa, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình vẫn diễn ra bình thường. Trong năm 2022, ngành giáo dục sẽ dạy sách giáo khoa mới cho học sinh ba lớp 3, 7, 10 nên phải chuẩn bị cơ sở vật chất, các điều kiện theo yêu cầu của chương trình, tập huấn giáo viên... Chúng tôi cũng tiếp tục biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cho ba lớp tiếp theo là 4, 8 và 11.

Hai năm ứng phó Covid-19, Bộ đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Covid-19 có thể coi là cú hích cho phương pháp dạy và học trên internet và truyền hình. Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, học sinh đã đến trường học trực tiếp thì hình thức giảng dạy này vẫn cần làm tiếp và phải làm tốt hơn. Các bài giảng của giáo viên giỏi trên internet, trên truyền hình hỗ trợ rất tốt cho giảng dạy trực tiếp, giảm thiểu dạy thêm, học thêm. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục công cuộc chuyển đổi số, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đạt hiệu quả tốt như hạ tầng, phần mềm, dữ liệu, phương pháp...

Theo tổng hợp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố sẽ cho học sinh trung học đi học từ 7/l đến 14/2. 60 tỉnh, thành phố đã có lịch học trực tiếp với học sinh tiểu học, mầm non; còn Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã lên kế hoạch nhưng phải chờ lấy ý kiến phụ huynh để ấn định ngày cụ thể.

TP.HCM: Thêm nhiều cấp học trở lại trường từ 14/2

Đưa học sinh trở lại trường học, không ràng buộc điều kiện tiêm vắc xin với trẻ 5- 11 tuổi

Theo VnExpress