Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 17,1 triệu trong số hơn 22,6 triệu học sinh cả nước được học trực tiếp trong tuần này, tăng khoảng 1,4 triệu so với trước Tết Nguyên đán.
Ngày 8/2, học sinh cấp THCS và THPT ở Hà Nội (trừ lớp 6) đến trường sau gần 10 tháng học trực tuyến ở nhà. Với phần lớn trong số này, hôm nay là ngày đầu tiên các em được gặp lại thầy cô, bạn bè kể từ tháng 5/2021, khi làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát.
Sau nhiều tháng chỉ dạy và học qua màn hình, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh vui mừng trước quyết định của Thành phố, dù vẫn có bộn bề nỗi lo liên quan đến dịch bệnh. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, các trường thực hiện đồng loạt biện pháp 5K, phân luồng, kiểm tra thân nhiệt từ cổng. Một số trường tổ chức tập huấn các tình huống có thể gặp phải như xuất hiện F0, F1...
Học sinh Trường THCS và THPT Lômônôxốp (Hà Nội) trở lại học trực tiếp (Ảnh: VnExpress)
Cùng Hà Nội, 62 tỉnh, thành còn lại cho toàn bộ học sinh THPT đến trường học trực tiếp ngay sau kỳ nghỉ Tết. Với khối THCS, 57 trong số 63 địa phương cho 100% học sinh trở lại trường từ hôm nay.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 17,1 triệu trong số hơn 22,6 triệu học sinh cả nước được học trực tiếp trong tuần này, tăng khoảng 1,4 triệu so với trước Tết Nguyên đán. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi các tỉnh, thành đã có kế hoạch đưa toàn bộ học sinh trở lại trường trong tháng 2.
Hà Nội là địa phương cho học sinh dừng đến trường thời gian dài và với quy mô lớn nhất cả nước. Sau nhóm học sinh khối 7 đến 12 đến trường hôm nay, Hà Nội vẫn còn nhóm học sinh tiểu học và lớp 6 (dự kiến học trực tiếp trong tháng 2) và khối mầm non (chưa có kế hoạch trở lại trường).
Tại Việt Nam, hầu hết học sinh từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Bộ Y tế đang khẩn trương mua, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế cho biết không bắt buộc mọi trẻ trong độ tuổi này phải tiêm song khuyến cáo nên tiêm chủng. Đây cũng là một trong những cơ sở để các địa phương mạnh dạn mở cửa toàn bộ trường học.
Do ở nhiều tỉnh, thành, học sinh đã có nhiều tháng chỉ học online và qua truyền hình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm.
"Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học", Bộ trưởng nói.
> TP.HCM: Thêm nhiều cấp học trở lại trường từ 14/2
> Đưa học sinh trở lại trường học, không ràng buộc điều kiện tiêm vắc xin với trẻ 5- 11 tuổi
Theo VnExpress