TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | ĐIỂM THI ĐẠI HỌC | ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC
Điểm mới trong tuyển sinh
14 giờ ngày hôm qua 20.1, buổi khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại Trường THPT Marie Curie, TP.HCM, được truyền hình trực tiếp trên VTV9. Tại đây, đại diện Bộ đã cung cấp những thông tin mới và quan trọng về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013.
Sẽ sửa đổi về thời gian xét tuyển
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Còn 2 ngày nữa hội nghị tuyển sinh toàn quốc mới diễn ra, tuy nhiên dự kiến từ nay đến năm 2015 kỳ thi này không có nhiều thay đổi. Bộ chỉ quản lý khâu đề thi và xác định điểm sàn, các khâu còn lại sẽ do các trường tự làm. Thực hiện luật Giáo dục ĐH, Bộ khuyến khích các trường tự chủ tuyển sinh theo quy chế. Muốn làm được việc này, các trường phải có đề án khả thi gửi Bộ, với nguyên tắc không làm phát sinh hiện tượng tiêu cực, đảm bảo tính công bằng và không gây khó khăn cho thí sinh và xã hội.
Phụ huynh đặt câu hỏi với đại diện các trường ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Sau 2 năm chuẩn bị, năm nay 10 trường khối văn hóa nghệ thuật sẽ được tuyển sinh riêng. Các em thi năng khiếu do trường tự ra đề, môn văn được xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp và học bạ. Đặc biệt, những quy định đã bổ sung trong năm 2012 như tuyển thẳng, tăng cường giám sát của xã hội với kỳ thi... sẽ được đưa vào quy chế tuyển sinh trong năm nay. Những quy định chưa phù hợp như kéo dài thời gian xét tuyển Bộ sẽ bàn bạc để sửa đổi cho phù hợp”.`
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: “Thi ĐH là một khâu rất nhỏ trong suốt quá trình đào tạo, thí sinh nên bình tĩnh, tự tin thể hiện năng lực của mình, không quá căng thẳng mà hãy xem kỳ thi này nhẹ nhàng như kỳ thi học kỳ. Trong số hơn một triệu thí sinh dự thi mỗi năm, chỉ có khoảng phân nửa thí sinh có thể trúng tuyển. Do vậy, ngay từ đầu thí sinh cũng nên cân nhắc có nên thi vào ĐH, CĐ hay chỉ nên học các bậc học thấp để liên thông sau”.
Giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế; tăng kỹ thuật, nông lâm...
Trong năm nay, thông tin về việc cân đối chỉ tiêu ngành nghề được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Đặt câu hỏi qua đường dây nóng của chương trình, một phụ huynh từ Đồng Nai thắc mắc: “Tôi đọc thông tin trên báo có nói sẽ cắt giảm chỉ tiêu ngành kinh tế vậy năm nay có áp dụng ngay không? Học phí sinh viên ngành kinh tế có cao hơn các ngành khác không?”.
Theo PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu năm nay về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2012. Tuy nhiên, Bộ khuyến khích trường điều chỉnh cơ cấu tuyển sinh hợp lý theo hướng dành nhiều chỉ tiêu hơn cho các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực như: kỹ thuật, y dược, nông lâm, thủy sản... Việc tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu sẽ do hiệu trưởng các trường xem xét quyết định.
PGS-TS Nguyễn Thuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng chia sẻ: “Theo số liệu chung các bậc học tổng quát được công bố ngày 1.10.2012, có một điều khá lạ nhưng không làm bất ngờ. Đó là trong khi các em tốt nghiệp bậc CĐ, TC có tỷ lệ thất nghiệp chỉ 7% thì bậc ĐH lại lên tới 11%. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhu cầu xã hội trước mắt của khối ngành kinh tế bị giảm đi. Tuy nhiên, trong nền kinh tế phát triển, khi ngành này tăng thì ngành khác giảm. Điều này mang tính chất chu kỳ. Vì vậy, nếu có sở thích nghề nghiệp, mong muốn theo đuổi ngành kinh tế cạnh tranh cao, nhiều năm tới có thể thay đổi cơ cấu đó”. Theo các trường tại buổi tư vấn, đa số đều đã có kế hoạch riêng về việc cân đối chỉ tiêu này.
Hướng dẫn cho thí sinh đăng ký dự thi ngành nghề phù hợp, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Các em nên chọn đúng ngành nghề yêu thích. Theo các thầy cô tư vấn, cần chọn nghề, sau đó đến ngành và trường. Tôi bổ sung thêm là các em nên chọn cả cấp học nữa. Nhiều em sai lầm khi chọn ngành theo xu thế chung giống như bạn bè và bằng mọi giá cứ chọn trường ĐH bất kỳ dù ngành nghề không thích hợp. Theo thống kê, tỷ lệ bỏ học của các em này rất lớn. Thậm chí nhiều em học xong rồi nhưng làm công việc không thích hợp, không có đam mê cũng bỏ ngang. Vì vậy, chọn được nghề đam mê thì nếu sức học không giỏi để học ĐH, CĐ thì có thể chấp nhận học TC. Khi tìm việc làm, dù trong môi trường cạnh tranh cao, các em có đam mê nghiên cứu, phát triển tay nghề thì chắc chắn sẽ có việc làm và thu nhập cao”.
Phát biểu mở đầu chương trình, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói: “Bộ hoan nghênh Báo Thanh Niên tổ chức chương trình này, với lần tổ chức thứ 14, diễn ra trong gần 20 tỉnh thành và có tới gần 50 trường ĐH, CĐ trong cả nước tham gia.
Đây là chương trình lớn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, tạo được thương hiệu, uy tín và luôn là sự chờ đợi của thí sinh trong cả nước. Bộ đánh giá rất cao chương trình thiết thực này, chuyển tải kịp thời thông tin của Bộ trong việc tư vấn chọn ngành nghề, định hướng phân luồng cho thí sinh. Bên cạnh đó, báo cũng luôn dành chuyên trang giáo dục, phân tích sâu sắc các vấn đề lý luận và thực tiễn, hỗ trợ cho công việc đổi mới không ngừng của ngành”.
Các bước lưu ý khi làm hồ sơ dự thi
Cho thí sinh lời khuyên về cách thức nộp hồ sơ, PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, nói: “Để tránh sai sót và lãng phí, thí sinh cần lưu ý chọn đúng ngành thi phù hợp với năng lực thực tế của bản thân mình: học lực khá giỏi thi ĐH, học lực trung bình khá thi CĐ, yếu hơn học TCCN sau đó học tiếp lên trình độ cao hơn qua con đường liên thông. Học sinh nên lưu ý, vào ĐH không phải con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Bên cạnh đó, việc chọn ngành thi phải phù hợp năng khiếu, sở trường của mình, đồng thời căn cứ vào điều kiện kinh tế của gia đình. Cuối cùng, phải xem xét khả năng kiếm việc làm ổn định với thu nhập và cơ hội thăng tiến sau khi ra trường như thế nào. Thí sinh cần cân nhắc thận trọng, đặc biệt là tham khảo ý kiến thầy cô cha mẹ để khai hồ sơ chính xác”.
Về mặt kỹ thuật, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý các điểm: Cần xem trường có tổ chức thi hay không. Chú ý mã ngành mới vì bắt đầu từ năm 2012, mã ngành dự thi có đổi mới gồm 7 ký tự bắt đầu bằng chữ D hoặc C chứ không phải mã ngành 3 ký tự như những năm trước đó. Trong quy chế tuyển sinh có những ưu tiên về đối tượng và khu vực, thí sinh nên đánh dấu phần ưu tiên của bản thân cho đúng, nếu sót thì mất cơ hội, nếu đánh dấu sai thì khi trường kiểm tra lại thì có gian dối, có thể xóa tên trong dánh sách khi trúng tuyển. Cuối cùng, thí sinh phải ghi địa chỉ liên lạc của bản thân cho chính xác, đặc biệt là số điện thoại khi cần thiết có thể liên lạc nhanh nhất. Thí sinh không nên ghi địa chỉ và điện thoại liên lạc của trường THPT nơi thí sinh học.
Tưng bừng ngày khai hội
Từ sáng sớm ngày 20.1, hàng ngàn phụ huynh và học sinh đã đến tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức.
Trông chờ nhiều ngày qua
Hàng chục gian hàng của các trường ĐH-CĐ cũng đã hoạt động từ sáng sớm, chuyển tải thông tin ngành nghề đào tạo, chương trình tới phụ huynh. Trao đổi với chúng tôi, nhiều phụ huynh và học sinh (HS) cho biết, họ háo hức chờ đợi trong nhiều ngày nay để mong có được những thông tin bổ ích trước kỳ thi ĐH-CĐ sắp tới.
Trần Xuân Huệ, HS lớp 12A2 Trường THPT Marie Curie, cho biết: “Thật tình đây là lần đầu tiên em mới có dịp tham gia chương trình tư vấn quy mô và hoành tráng như thế này. Mặt khác, tại đây em biết thêm được rất nhiều ngành nghề mới lạ. Em tính thi vào ngành sư phạm, nhưng trước nhiều nguồn thông tin mà em có được, em sẽ cân nhắc kỹ hơn trong việc chọn ngành chọn nghề”.
Học sinh tự cho điểm trắc nghiệm để chọn ngành nghề phù hợp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Chương trình tư vấn trực tiếp kéo dài trong gần 2 giờ, chuyển tải hàng loạt các câu hỏi liên quan tới quy chế tuyển sinh, khối ngành nghề: y dược, nông lâm, kỹ thuật; nhu cầu nhân lực trong tương lai... Sau đó đông đảo HS tiếp tục đến với chương trình tư vấn lớp của khoảng 15 trường ĐH-CĐ đại diện cho nhiều khối ngành nghề khác nhau.
Giải đáp trọn vẹn những băn khoăn
Nguyễn Anh Duy, HS lớp 12B6, băn khoăn: “Em muốn thi vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhưng không biết chọn ngành nào để dễ kiếm việc làm, mà không phải đi về vùng sâu vùng xa?”. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, giải đáp: “Hiện nay nhu cầu xã hội đang rất nóng về các ngành khối nông, lâm, ngư. Dù em học ngành chế biến lâm sản, chế biến thủy sản... nhưng không nhất thiết các em phải lên rừng hoặc xuống biển để làm việc, mà thực tế có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP.HCM hoặc các tỉnh lân cận. Tốt nghiệp các em có thể xin việc tại đó. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh với các em rằng, khi chọn ngành điều đầu tiên các em nên quan tâm là sở thích, năng lực. Khi có đam mê và yêu thích ngành nghề nào đó các em sẽ có đủ tự tin để đeo đuổi dù nó ở đâu”.
Nguyễn Phúc Hoàng Ngọc, HS lớp 12B12, hỏi: “Em thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì học xong có đi dạy được không? Trường có thực hiện ưu tiên học phí hay không?”. PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giải đáp: “Trường có 2 hướng đào tạo là công nghệ và sư phạm. Sinh viên học ngành công nghệ 4 năm, nhận bằng kỹ sư. Ngành sư phạm học 4 năm rưỡi ra trường nhận bằng kỹ sư và chứng chỉ sư phạm. Tuy nhiên, học công nghệ 4 năm vẫn có thể học thêm chứng chỉ sư phạm để đi dạy. Tuy nhiên những thí sinh trúng tuyển khối sư phạm không phải đóng học phí trong suốt quá trình học”.
Nhiều phụ huynh, HS cũng rất quan tâm đến khối ngành y dược. Một phụ huynh hỏi ngành xét nghiệm có thể học lên bác sĩ, dược sĩ được không? PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Hiện nay cử nhân ngành xét nghiệm vẫn chưa được học lên dược sĩ và bác sĩ. Điều này đã được trường đề xuất nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Muốn học bác sĩ chỉ có thể học lên từ y sĩ, học dược sĩ thì học lên từ dược sĩ trung học văn bằng 2”.
Chính học sinh quyết định
Có một điều thú vị mà chúng tôi ghi nhận được trong ngày khai mạc là càng ngày phụ huynh càng có khuynh hướng không can thiệp sâu vào việc chọn ngành nghề của con em mình. Thay vào đó, học sinh có nhiều quyền quyết định nghề nghiệp cho tương lai.
Nhiều phụ huynh cho biết, họ chỉ làm cầu nối, phân tích thông tin, còn quyền chọn lựa thuộc về các con. Chị Huỳnh Thị Kim Loan, phụ huynh em Trần Kim Đĩnh, HS lớp 12D3, cho biết: “Mình là giáo viên nên thật lòng cũng muốn hướng cho con nối nghiệp. Nhưng cháu cho rằng, mình không thích vào sư phạm mà chọn thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Thôi thì con thích thi vào ngành gì, trường gì thì để cho cháu tự quyết định. Nếu bắt ép con thi vào những trường theo ý thích của mình, lỡ sau này khi cháu học, thấy không phù hợp, quay lưng bỏ ngang, hoặc trách cớ mình thì cũng khổ”.
Học sinh hào hứng tìm hiểu thông tin từ gian hàng của các trường ĐH-CĐ tại ngày khai mạc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Anh Lê Văn Lợi (ngụ Q.10), phụ huynh của HS Lê Kiến Phong lớp 12B3, cho biết: “Mình từng học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nên cũng muốn con thi vào trường này. Nhưng cháu lại không thích mà lại chọn thi vào ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM. Do vậy, mình cũng chiều theo ý con. Nói chung, con cái thích ngành gì, trường gì thì mình cho thi vào trường đó, không ép buộc hoặc áp đặt”.
Có những gia đình hoạt động ở lĩnh vực truyền thống nhiều đời, muốn con hướng theo nghề, nhưng luôn ủng hộ quyết định của con, dù ngành đó không thuộc truyền thống gia đình. Chị Vũ Thị Thu Hương, phụ huynh của HS Võ Thị Hương Trang, lớp 12B15, nói: “Cả gia đình tôi đều làm trong ngành luật nên rất muốn con thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM. Nhưng hiện tại không biết ý kiến của cháu thế nào. Nếu chẳng may, cháu quyết định thi vào một trường khác, ngoài định hướng của gia đình thì mình vẫn tôn trọng chọn lựa của con”.
Một HS của Trường THPT Marie Curie nêu thắc mắc mà phần lớn HS cũng như phụ huynh quan tâm. HS này hỏi: “Trong 4 đến 5 năm nữa thì ngành nào dễ xin việc làm và thu nhập cao?”. Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết: “Trước hết việc chọn ngành nghề các em phải dựa vào năng lực sở trường của bản thân và xu thế phát triển của thị trường. Trong cơ cấu nhân lực của một đất nước, một thành phố thường gồm 30% trình độ ĐH, 20% trình độ CĐ và còn lại là các trình độ thấp hơn. Dù ở trình độ học vấn nào cũng có những ngành nghề dễ kiếm việc làm với mức thu nhập cao. Xu hướng nhân lực các ngành kinh tế chủ lực của TP.HCM giai đoạn 2013-2015 và đến 2020 có 4 nhóm ngành: cơ khí chế tạo chính xác - tự động hóa, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược - mỹ phẩm...”.
Đề thi không quá khó
Về đề thi, PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Năm nay kỳ thi tuyển sinh vẫn có 4 môn trắc nghiệm, gồm: ngoại ngữ, lý, hóa và sinh với thời gian thi 90 phút. Các môn tự luận còn lại với thời gian 180 phút. Nội dung các môn thi nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Đề thi sẽ kiểm tra kỹ năng lực thực hành, vận dụng kiến thức, không quá khó và không đánh đố nhưng phải có khả năng phân loại cao để chọn lọc thí sinh. Khi làm bài, các em phải đọc kỹ đề thi, chọn câu dễ làm trước câu khó làm sau, phân phối thời gian hợp lý cho từng câu hỏi, kiểm tra lại bài làm trước khi nộp để đảm bảo tránh sai sót. Thực hiện được các bước trên, bài thi của các em sẽ đạt kết quả cao nhất”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Thanh niên
tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, ti le choi, tỉ lệ chọi 2013, tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn trường,tuyển sinh khối a1, diem thi, diem thi dai hoc, diem chuan, diem chuan dai hoc, diem thi tot nghiep, dap an de thi tot nghiep, dap an de thi dai hoc