Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh, Thông tin tuyển sinh

 

Tin liên quan:

thu_chi_khong_minh_bach

Phụ huynh học sinh Trường MN Vân Côn phản ánh về một số vi phạm của nhà trường với PV

 

Trong khi ngành giáo dục - đào tạo đang quyết tâm chỉ đạo, điều hành để đưa hoạt động thu, chi vào nền nếp, giảm áp lực cho phụ huynh học sinh (PHHS), thì Trường Mầm non Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức lại cố tình thu trái quy định một số loại quỹ, gây bức xúc cho người dân…

"Bội thu" quỹ thỏa thuận

Biết tin phóng viên Báo Hànộimới về địa phương tìm hiểu hoạt động thu, chi tài chính của Trường Mầm non Vân Côn (Trường MN), hàng chục PHHS đã có mặt tại Nhà văn hóa thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, bức xúc: Đầu năm học, nhà trường cố tình ấn định cho phụ huynh phải đóng góp rất nhiều khoản thỏa thuận. Thấy trong bản kế hoạch thu có chữ ký và dấu của ông Chủ tịch UBND xã nên nhiều người đã nộp tiền, không ngờ nhà trường đã áp đặt rất nhiều khoản thu trái với quy định của Nhà nước và chi tiêu công quỹ thiếu minh bạch…

 

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Trường MN hiện có 995 học sinh, học tại 8 điểm trường. Kinh tế phần lớn các hộ dân trong xã còn nhiều khó khăn. Ngay sau thời gian tuyển sinh, Trường MN đã xây dựng các khoản thu trên cơ sở mức chi của năm học trước rồi từ đó mới định ra kế hoạch chi. Mặc dù không có thỏa thuận đến từng PHHS về các khoản tự nguyện, nhưng ngày 24-8-2011, BGH nhà trường đã đặt ra 12 nội dung thu, trong đó các khoản cho đồ dùng học tập, đồ chơi, đồ dùng vệ sinh, khuyến học, hỗ trợ giáo dục, tiền nước uống, y tế học đường các cháu phải nộp từ 435.000 đồng đến 510.000 đồng/HS/năm (tùy theo nhóm lớp). So với năm học trước, hầu hết các khoản thu của năm học này đều tăng gấp đôi, nhưng vẫn được ông Chủ tịch UBND xã ký, đóng dấu.

Thêm một bất cập khác được PHHS đề cập là khi mua đồ dùng phục vụ hoạt động của mình, nhà trường không sử dụng hóa đơn VAT và giá các sản phẩm hàng hóa luôn cao hơn giá thị trường. Thậm chí, trước đây, nhà trường chỉ dùng gas của một đại lý ở xã An Khánh (Hoài Đức) có giá cao hơn giá của đại lý gas ở địa phương đến 150.000 đồng/bình (?). Việc lựa chọn nhà cung cấp các sản phẩm hàng hóa cũng được nhà trường "tín nhiệm" tin dùng của đại lý Hà Hảo và Hà Thành chứ không có sự tham khảo giá của các nhà cung cấp khác.

Theo quy định tại văn bản số 7666/SGD&ĐT-KHTC ngày 12-8-2011 của Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thu, chi trong trường học thì các khoản thu thỏa thuận, gồm tiền bán trú, nước uống, học phẩm… và nhà trường phải có văn bản thỏa thuận đến từng cha mẹ HS. Đối chiếu với quy định này, Trường MN đã thu thừa 3 khoản: khuyến học, hỗ trợ giáo dục và y tế học đường với tổng số tiền 80.000 đồng/cháu và không hề có bất cứ sự thỏa thuận nào đến từng PHHS. Về việc này, bà Nguyễn Thị Tài, Hiệu trưởng Trường MN lý giải: Do văn bản chỉ đạo của Sở về muộn nên trường đã không áp dụng đúng hướng dẫn; còn việc không dùng hóa đơn VAT vì phụ huynh không muốn mất thêm tiền thuế, hơn nữa Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện cũng đồng ý với cách làm đó. Tuy nhiên, cách giải thích của bà hiệu trưởng như thế rất khó chấp nhận, bởi ngày 21-8-2011, Trường MN nhận được văn bản số 7666 và 3 ngày sau đó nhà trường mới ban hành kế hoạch thu (?). Như vậy, việc áp đặt thu các quỹ của BGH nhà trường là có chủ ý, không công khai, dân chủ, thiếu tôn trọng PHHS.

"Xẻ thịt" các qu

Từ việc lạm thu đã tạo điều kiện cho Trường MN lạm chi khi Quỹ Khuyến học và Quỹ Hỗ trợ giáo dục được chi tiêu rất nhập nhèm; tên gọi của các loại quỹ tuy có khác nhau nhưng về bản chất các khoản chi lại khá giống nhau. Đặc biệt, các quỹ thu với tính chất để hỗ trợ học sinh, nhưng thực tế nhà trường lại để thưởng cho các cô; Quỹ Khuyến học đã bị biến tướng thành quỹ "khuyến dạy". Với số tiền gần 50 triệu đồng Quỹ Khuyến học của năm học 2011-2012, Trường MN chỉ dự kiến chi cho các cháu khoảng 25 triệu đồng, còn lại là để thưởng cho giáo viên có thành tích (?). Tương tự, với gần 20 triệu đồng tiền Quỹ Hỗ trợ giáo dục, nhà trường dự kiến dành hơn 13 triệu đồng để thưởng các cô giáo khi lớp học có số trẻ tăng so với định mức. Trong khi đó, nhiều PHHS còn nghi ngờ về sự "ăn chia" giữa BGH với ông Nguyễn Văn Họa, vì đã 7, 8 năm nay ông Họa không hề có con, cháu học tại Trường MN nhưng năm học nào ông cũng được BGH nhà trường cử làm Trưởng ban Đại diện cha mẹ HS mà không cần trưởng, phó ban đại diện cha mẹ HS các lớp bầu chọn (?)…

Thừa nhận đã làm sai trong các khoản thu, chi, bà Tài mong được trả lại số tiền của 3 quỹ trên cho PHHS, song bà Nguyễn Thị Xuân, Phó ban Đại diện cha mẹ HS Trường MN cương quyết: Việc trả lại tiền không thể đơn giản. 80.000 đồng/cháu tuy không lớn, nhưng nếu nhân với ngót một nghìn HS thì số tiền thu sai cũng không phải là nhỏ, đó là chưa kể số hàng hóa khi mua còn bị "đội" lên rất nhiều so với giá thị trường. Chúng tôi yêu cầu BGH phải nhận khuyết điểm trước toàn thể PHHS; UBND xã góp phần vào việc làm sai cũng phải chịu trách nhiệm liên đới… Chẳng lẽ hễ cứ thu sai, khi bị phát hiện thì trả lại là xong và còn các năm trước đã thu sai thì bây giờ xử lý thế nào?...

Trước những phức tạp tại địa phương ngày càng căng thẳng, BGH đã báo cáo UBND xã, nhưng đến nay chính quyền địa phương chưa có giải pháp gì. Ngày 16-12-2011, Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức đã tiến hành kiểm tra các mặt hoạt động của Trường MN, nhưng tiếc là mới chỉ đề cập đến việc mua sắm đồ dùng học tập, đồ chơi, vệ sinh... chứ không có kết luận gì về toàn bộ thu, chi tài chính của nhà trường nên BGH càng lúng túng, không biết "gỡ" bằng cách nào. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức khẳng định: Mọi việc thu, chi trong nhà trường đều đã có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản và việc mua bán hàng hóa phải tuân thủ đúng nguyên tắc tài chính, nếu làm sai, nhà trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đề nghị Phòng GD-ĐT, các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức nhanh chóng kiểm tra toàn diện, làm rõ mức độ sai phạm tài chính ở Trường MN để có biện pháp xử lý nghiêm minh theo các quy định hiện hành.

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Hanoimoi)

Bài: Trường thu chi không minh bạch