Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

dao_tao_thac_si_chui

Văn phòng đại diện Viện Quản trị và Tài chính TP.HCM - IFA (trụ sở 242 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng) từng bị đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT và PA83 kiểm tra. Ảnh: TT

 

Chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết với ĐH Ballarat - Úc (IFA) được xác định là đào tạo “chui”, còn IMPAC, theo ĐH Thái Nguyên, là có thật nhưng phối hợp với đối tác sai.

 

Ngày 22-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD&ĐT, cho biết việc Văn phòng đại diện Viện Quản trị và Tài chính TP.HCM - IFA (242 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng) chiêu sinh chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết với ĐH Ballarat - Úc (IFA), Bộ GD&ĐT xác định là đào tạo “chui”, hoàn toàn không được cấp phép.

 

 

Theo ông Nguyễn Xuân Vang, các cơ sở giáo dục Việt Nam nếu thực hiện chương trình liên kết với nước ngoài sai quy định chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người học. Theo đó, các cơ sở này phải trả lại học phí và liên hệ với các cơ sở giáo dục có giấy phép để chuyển học viên sang. Đối với những chương trình liên kết, đào tạo không phép, ông Vang cho biết Bộ GD&ĐT chỉ công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp khi văn bằng của các chương trình đó phải được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

 

Về việc chiêu sinh tại IMPAC, PGS-TS Trần Thanh Vân, Trưởng ban Đào tạo sau ĐH (ĐH Thái Nguyên), cho biết: ĐH Thái Nguyên giao cho trường thành viên là Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp tổ chức đào tạo chương trình liên kết. Tuy nhiên, Trường ĐH Quản trị Paris ủy quyền cho ông Nguyễn Nguyên Tô Hữu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và thương mại Sao Việt, là trưởng đại diện của trường tại Việt Nam. Trong đề án hợp tác thỏa thuận giữa hai bên, trường Pháp với đại diện là ông Tô Hữu và ĐH Thái Nguyên đều được thông báo quảng bá tuyển sinh. Việc thu nhận hồ sơ, ôn tập kiến thức, đề thi đầu vào… được phép thực hiện ở các địa phương để người học không mất công đi lại.

 

Sao Việt ký hợp đồng tuyển sinh và quản lý lớp học với IMPAC (Đà Nẵng) cũng chỉ là trung gian thu nhận hồ sơ, bồi dưỡng các kỹ năng tại Đà Nẵng trước khi học tại Thái Nguyên. Vì mọi hồ sơ, lệ phí tuyển sinh… IMPAC nhận phải chuyển về Sao Việt, sau đó Sao Việt gửi về Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp. Khi ĐH Thái Nguyên sơ tuyển sẽ gửi kết quả về Pháp. Trường Pháp đồng ý thì ĐH Thái Nguyên mới công nhận học viên trúng tuyển và học tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp.

 

PGS-TS Trần Thanh Vân nói: “IMPAC liên kết tuyển sinh đào tạo quốc tế tại TP Đà Nẵng mà không xin phép sai, IMPAC phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi cũng xin rút kinh nghiệm việc phối hợp với các đối tác mà chưa giám sát, kiểm tra kỹ. Thực tế chúng tôi đào tạo thật, chỉ có cách tổ chức chưa thật khoa học nên gây hiểu nhầm”.

 

Đình chỉ và xử lý hành chính hai cơ sở đào tạo thạc sĩ “chui”

Ngày 22-12, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT và cơ quan công an áp dụng hình thức xử phạt hành chính và buộc đình chỉ hoạt động chiêu sinh, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế của Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực (IMPAC) và Văn phòng đại diện Viện Quản trị và Tài chính (IFA).

 

Như đã thông tin, mặc dù không có chức năng liên kết đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế nhưng hai công ty này vẫn tiến hành mở lớp, chiêu sinh với mức học phí 7.000-8.000 USD. Qua kiểm tra, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng và Phòng An ninh chính trị nội bộ PA83 (Công an TP Đà Nẵng) phát hiện hai cơ sở này đã chiêu sinh được gần 30 học viên nhưng chưa đi vào đào tạo chính thức.

T.TÀI

Không tìm hiểu kỹ, người học phải gánh chịu rủi ro

Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác tham gia giảng dạy, mô hình thực hiện, chương trình đào tạo, văn bằng sẽ cấp… và quan trọng hơn là thông tin về văn bản phê duyệt chương trình để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân, được theo học chương trình liên kết đào tạo có chất lượng, được cấp phép và văn bằng sẽ được công nhận. Người học do không thận trọng và không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định tham dự chương trình, tham dự các chương trình liên kết đào tạo “chui” chắc chắn phải gánh chịu một phần trách nhiệm và rủi ro.

 

Ông NGUYỄN XUÂN VANG, Cục trưởng Cục Đào tạo
với nước ngoài (Bộ GD&ĐT)


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (phapluattp)


Bài: Phải trả học phí cho học viên tại TT đào tạo thạc sĩ chui