Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

 

Hai đơn vị không có giấy phép nhưng vẫn tổ chức chiêu sinh thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế với học phí 7.000-8.000 USD.

Dù không có chức năng liên kết đào tạo thạc sĩ nhưng Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực IMPAC (đường Bạch Đằng, Đà Nẵng) và Văn phòng đại diện Viện Quản trị và Tài chính TP.HCM - IFA (242 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng) vẫn tổ chức chiêu sinh với mức học phí từ 7.000 đến 8.000 USD/khóa/học viên.

Xé rào để đào tạo

Theo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, IMPAC và IFA được Sở KH&ĐT và Sở KH&CN Đà Nẵng cấp giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực: dịch vụ quản lý tài chính; đào tạo kỹ năng nghiệp vụ ngoại ngữ; tư vấn du học… Hai đơn vị này chỉ được liên kết với nước ngoài đào tạo ngắn hạn các ngành liên quan, không được phép đào tạo thạc sĩ theo chương trình nước ngoài. Nhưng trong năm 2011, cả hai đơn vị đã ra thông báo chiêu sinh đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế, liên kết với ĐH Paris - Pháp (IMPAC) và ĐH Ballarat - Úc (IFA). Mức học phí từ 7.000 đến 8.000 USD/khóa/học viên.

 

Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Đà Nẵng), cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, Sở đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP Đà Nẵng kiểm tra hai đơn vị trên. “Việc họ tổ chức chiêu sinh, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế là sai giấy phép, không đúng quy định. Mức học phí cũng khá cao so với mặt bằng chung. Sở đã có văn bản đề nghị UBND TP xử lý nghiêm” - ông Dũng nói.

dao_tao_thac_si_chui

Văn phòng đại diện của IFA tại số 242 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng. Ảnh: T.TÀI

lich_khai_giang

Lịch học của IFA vẫn còn chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. (Ảnh chụp ngày 19-12) Ảnh: PT

Vẫn tiếp tục chiêu sinh

Chiều 19-12, phóng viên Pháp Luật TP.HCM gọi điện thoại đến trụ sở IMPAC theo số 05113.843.636 để hỏi về chương trình cao học. Một nhân viên cho biết IMPAC đang liên kết với ĐH Paris (Pháp) thông qua ĐH Thái Nguyên để mở các lớp đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đăng ký học, nhân viên này nói: “Trung tâm đang tổ chức một lớp đào tạo thạc sĩ nên chưa thể tiếp nhận thêm học viên. Qua tết, trung tâm tiếp tục chiêu sinh khóa đào tạo thạc sĩ mới, lúc đó anh có thể đăng ký. Lớp học sẽ được tổ chức ngay tại trung tâm Đà Nẵng, học phí 7.000 USD. Nếu ở Huế thì có thể đăng ký học ngày thứ Bảy và Chủ nhật”.

 

Chúng tôi tiếp tục tìm đến Văn phòng đại diện IFA. Bà Thái Trần Quỳnh Trang, chuyên viên tư vấn của IFA, khẳng định trong năm nay đơn vị không chiêu sinh và đào tạo chương trình thạc sĩ tại Đà Nẵng mà chỉ tổ chức ở TP.HCM. Tuy nhiên, trong văn phòng IFA vẫn gắn thời khóa biểu các môn học của lớp đào tạo thạc sĩ kinh doanh.

 

Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong năm 2011 IFA đã chiêu sinh được năm học viên và gửi vào TP.HCM để đào tạo chương trình thạc sĩ nước ngoài. IMPAC cũng đã nhận 26 học viên để đào tạo thạc sĩ. “Khi đoàn thanh tra của Sở GD&ĐT cùng PA83 đến kiểm tra, các đơn vị này đã lên thời khóa biểu và cho học viên học một số môn nghiệp vụ chung, chưa đào tạo theo chương trình chính thức” - ông Dũng nói.

Bỏ ngỏ quyền lợi học viên

Theo một cán bộ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, có thể TP sẽ xử lý hai cơ sở vi phạm theo hướng xử phạt hành chính và yêu cầu đình chỉ hoạt động chiêu sinh, đào tạo chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh. Nhưng cái khó là chưa rõ quyền lợi của các học viên được giải quyết ra sao, khi họ đã đóng một số tiền khá lớn?

 

“Toàn bộ học phí các học viên đã nộp đều được hai trung tâm chuyển ra Thái Nguyên hoặc TP.HCM. Đại diện các cơ sở này cho hay họ chỉ nhận phần trăm hoa hồng khi tiến hành chiêu sinh, đào tạo. Về thực chất, hai cơ sở này cũng chỉ là môi giới” - ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, hiện Bộ GD&ĐT và UBND TP Đà Nẵng chưa có văn bản quy định rõ hướng giải quyết quyền lợi cho học viên trong các trường hợp tương tự.

 

Được biết, Bộ GD&ĐT từng khuyến cáo người học cần tham khảo tính pháp lý của các chương trình liên kết trước khi quyết định đăng ký học. Người học không nên chọn các chương trình chưa được cấp phép vì bằng cấp sẽ không được Bộ công nhận. Hiện Bộ GD&ĐT đã cấp phép cho 174 chương trình liên kết đào tạo với 58 trường ĐH, CĐ.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (phapluattp)


Bài: Học thạc sĩ chui