Người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và có trình độ kỹ năng nghề xuất sắc sẽ được ưu tiên tuyển dụng, dự kiến chính sách này sẽ được đưa vào luật Việc làm sửa đổi.
Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật Việc làm (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc sử dụng người lao động đã qua đào tạo, người lao động đã có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Theo tờ trình của Bộ LĐ-TB-XH, hiện nay các quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Chương IV luật Việc làm (năm 2013) gồm 7 điều (từ Điều 29 đến Điều 35). Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, các quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia còn một số hạn chế, cụ thể là hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa gắn kết với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng.
Đặc biệt chưa có quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị luật Việc làm sửa đổi sẽ bổ sung quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Bên cạnh đó là chính sách tôn vinh người lao động có trình độ kỹ năng nghề cao xuất sắc bằng giải thưởng quốc gia kỹ năng lao động xuất sắc.
Để thực hiện được nội dung đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất bổ sung quy định cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.
Người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và có trình độ kỹ năng nghề xuất sắc sẽ được ưu tiên tuyển dụng
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, vào tháng 7.2020, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã ban hành dự thảo thông tư về danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo, với 3 danh mục ngành nghề gồm các ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người...
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhìn nhận: "Việc chuẩn hóa lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rất cần thiết và phải được thực hiện đồng bộ. Điều này không chỉ tác động tích cực tới doanh nghiệp mà còn góp phần vào việc thực hiện chính sách phân luồng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Lao động qua đào tạo có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được ưu tiên tuyển dụng và trả lương cao thì học nghề sẽ có sức hấp dẫn và thu hút người học ngay từ sau THCS".
Theo ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng vụ Pháp chế-Thanh Tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay có quy định 8 ngành nghề và vị trí công việc bắt buộc người lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nếu muốn được doanh nghiệp tuyển dụng và sắp tới tổng cục này sẽ trình thêm 22 nghề.
Cũng theo ông Hùng, mục tiêu là đến năm 2030, bắt buộc 100% ngành nghề người lao động phải được đào tạo các bậc từ sơ cấp đến CĐ, trong đó nhiều nghề phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới được tuyển dụng.
> Bộ GD-ĐT đã thông báo kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 sẽ được giữ ổn định
> Chỉ có một trường CĐ được kiểm định quốc tế tại TPHCM
Theo báo Thanh Niên