Năm nay, khoảng 620.000 thí sinh chính thức tham gia xét tuyển vào đại học và ngành giáo dục mầm non bậc cao đẳng. Số lượng này giảm khoảng 30% so với tổng hơn 941.000 thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển trước đó.
Khi số thí sinh (TS) và nguyện vọng đăng ký xét tuyển cùng giảm, điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT vào các trường có giảm?
1. Ngành năm trước có điểm chuẩn cao, nay vẫn cao
Đến thời điểm này, TS vẫn đang trong những ngày cuối cùng thực hiện xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển. Tuy nhiên, từ số liệu TS đăng ký nguyện vọng vào từng trường trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đại diện các trường đại học (ĐH) đã có những dự báo xu hướng điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 năm nay.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của TS cả nước giảm so với các năm trước. Điều này nhìn một cách lạc quan có nguyên nhân từ việc TS chủ động không xét tuyển và những TS còn lại khi tham gia là đăng ký phù hợp với nhu cầu và năng lực cá nhân. Điểm chuẩn vì thế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phổ điểm của các TS đã đăng ký nhưng nhìn chung sẽ giảm (ngoại trừ các ngành có xét tổ hợp chứa môn lịch sử).
Riêng về tình hình của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS-TS Bùi Hoài Thắng dự đoán: Dù trường sử dụng phương thức xét tuyển tổng hợp nhưng nếu so sánh từng thành phần thì điểm chuẩn có khả năng không tăng so với năm ngoái. Trong đó, một số ngành vẫn tiếp tục giữ mức điểm chuẩn cao như: khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật ô tô… Nhưng ngược lại, có những ngành điểm chuẩn ở mức vừa phải như: xây dựng, cơ kỹ thuật, kỹ thuật vật liệu, công nghệ dệt may, bảo dưỡng công nghiệp…
Trước hiện tượng trên, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: “Số lượng nguyện vọng nhiều hay ít chưa phải là yếu tố quan trọng quyết định điểm chuẩn. Nguyện vọng giảm không hẳn điểm chuẩn giảm mà còn phụ thuộc vào kết quả thi của TS đăng ký xét tuyển vào từng ngành cụ thể”. Về điểm chuẩn trường mình, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ dự báo: “Có khả năng điểm chuẩn các ngành năm nay giữ nguyên hoặc thay đổi so với năm ngoái tùy theo tổ hợp xét tuyển. Điểm chuẩn của tổ hợp khối C00 có khả năng bằng hoặc nhích hơn, trong khi điểm chuẩn các tổ hợp xét tuyển khối D lại có khả năng bằng hoặc giảm hơn tùy ngành. Nhưng nhìn chung, những ngành có điểm chuẩn cao các năm trước thì năm nay vẫn cao và ngược lại”.
So sánh 3 năm trở lại đây với mức điểm từ 27 và 28,5 trở lên của khối C
2. Nguyện vọng giảm nhưng điểm chuẩn có ngành vẫn tăng ?
Tổng số TS đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay vượt khoảng 400% so với chỉ tiêu cần tuyển. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết tổng số nguyện vọng của trường năm nay chỉ bằng hơn 60% so với năm ngoái. Điều này cũng hợp lý khi TS biết rõ điểm thi, điểm sàn và khả năng trúng tuyển của bản thân mới đăng ký vào. Thạc sĩ Quốc phân tích: “Tổng số nguyện vọng giảm nhưng không hẳn điểm chuẩn trúng tuyển cũng giảm. Việc giảm số lượng TS thuộc phân khúc điểm thấp, điều này chưa chắc sẽ tác động đến điểm chuẩn. TS đăng ký ít hơn nhưng điểm thi cao hơn thì vẫn có thể đẩy điểm chuẩn lên cao”.
Dự báo cụ thể hơn, thạc sĩ Quốc nói: “Điểm chuẩn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT các ngành của trường có thể không thấp hơn nhưng cũng khó tăng. Nếu có, điểm chuẩn cũng tăng không nhiều và chỉ ở nhóm các ngành có xét tuyển tổ hợp khối C00 (văn, sử, địa) do phổ điểm thi năm nay của khối này cao hơn”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết tình hình TS đăng ký vào trường năm nay nhìn chung vẫn ổn định so với những năm qua. Thông tin từ hệ thống tuyển sinh, trường có khoảng 40.000 TS đăng ký xét tuyển với sự phân bổ nguyện vọng từng ngành khác nhau.
Thí sinh xét tuyển đại học giảm, điểm chuẩn có giảm?
Về điểm chuẩn trúng tuyển, tiến sĩ Quốc Anh phân tích: “Trường đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển có điều kiện với phương thức xét tuyển học bạ trước đó. Nếu TS đăng ký đảm bảo được chỉ tiêu xét tuyển phương thức xét học bạ thì nhiều khả năng điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có chiều hướng tăng so với năm trước. Đặc biệt là những ngành thu hút TS hiện nay như: công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, marketing, quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện. Các ngành này có thể điểm chuẩn dao động trên 20”.
“Năm nay điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có xu hướng tăng tại các trường. Bởi các trường đều có những phương thức tuyển sinh sớm và số lượng TS trúng tuyển cũng đã được xác định trước đó. Nếu ổn định thì chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp sẽ không dồi dào đồng nghĩa với việc mức điểm sẽ có xu hướng tăng hơn”, ông Quốc Anh đưa ra nhận định chung.
Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, tính đến thời điểm sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng theo quy định của Bộ GD-ĐT, số nguyện vọng được đăng ký vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương năm 2021. Với khoảng 15% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, điểm chuẩn của trường bằng phương thức này có thể tăng nhẹ từ 1 - 3 điểm tùy từng ngành. Dù vậy, ông Nguyên vẫn lo lắng: “Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường tăng, TS đăng ký còn trong giai đoạn xác nhận nguyện vọng và nộp lệ phí trực tuyến rồi phải qua quá trình lọc ảo. Do vậy, kết quả cuối cùng về số lượng TS nhập học vẫn chưa thể nói trước”.
> Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học không điều chỉnh danh sách trúng tuyển 2022
> Quá trình tuyển sinh đại học 2022 phức tạp khiến nhiều trường đại học bị động
Theo báo Thanh Niên