Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Một điều rất vô lý là SV trường ĐH - CĐ NCL phải chịu từ thuế đóng học cho đến thuế gửi xe, thuế ở KTX. Hỏi ra mới biết, đó là quy định... Nhà nước.

 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng - một người đã gắn bó với hệ NCL nhiều năm và rất tâm huyết với giáo dục - để hiểu rõ hơn về câu chuyện này.

 

Tin liên quan:

Các trường NCL không phải là doanh nghiệp!

Hiện nay, theo chúng tôi được biết, các trường ĐH, CĐ NCL đang phải gánh một mức thuế khá cao, thậm chí không khác một Doanh nghiệp. Vậy, các trường NCL có phải là doanh nghiệp hay không?

GS Trần Hữu Nghị: Theo quan điểm của các nhà quản lý tài chính hiện nay thì coi các cơ sở giáo dục ngoài công lập (NCL) là một doanh nghiệp (theo quy chế 61 của Chính Phủ), mà đã là một doanh nghiệp thì phải chịu mọi sắc thuế theo đúng quy định của các luật thuế hiện hành nhằm tạo sự “công bằng” của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh. Đó là một điều không hợp lý.

Theo chúng tôi, cơ sở giáo dục NCL không phải là doanh nghiệp, mà nếu coi cơ sở giáo dục NCL là một doanh nghiệp thì nó phải là một “doanh nghiệp đặc biệt”. Chính vì vậy, nhà nước phải có chính sách đặc biệt (chính sách riêng) cho nó thì mới phù hợp, và mới tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục NCL phát triển theo đúng định hướng xã hội hoá giáo dục theo tinh thần Nghị quyết TƯ2 khóa VIII.

Sinh_vien_phai_dong_ca_thue_gui_xe_-_GS_Tran_huu_nghi

GS Trần Hữu Nghị cho rằng, những sinh viên trường NCL phải chịu một lần thuế nữa là không công bằng. Ảnh Xuân Trung

 

Vậy,“Doanh nghiệp đặc biệt” này hoạt động với mục tiêu gì mà lại đòi hỏi phải có chính sách riêng?


GS Trần Hữu Nghị: Các cơ sở giáo dục NCL ĐH, CĐ được ra đời nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và phát hiện người tài để làm cho dân giàu nước mạnh.


Vì thực hiện được xã hội hóa giáo dục cho nên cơ sở giáo dục NCL -  “doanh nghiệp đặc biệt” không nhằm mục đích thương mại hóa giáo dục, không vì lợi nhuận ; Xã hội hoá giáo dục là một chủ trương đúng đắn của Đảng, mà đã là xã hội hoá thì cả xã hội cùng tham gia, hay nói cách khác là cả nhà nước và nhân dân cùng làm.

Hiện nay, trong định kiến của nhiều người, thì vẫn coi trọng trường công hơn, ông có chia sẻ gì về vấn đề nhìn nhận này?

GS Trần Hữu Nghị: Đúng vậy, hiện nay xã hội vẫn có cái nhìn phiến diện về các trường NCL. Thực tế, sản phẩm của nó cũng đặc biệt - con người được tích lũy chất xám để tham gia vào lực lượng sản xuất, quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nó không bán cho ai mà chỉ cung cấp cho xã hội. Sinh viên tốt nghiệp trường công lập và trường ngoài công lập đều được xã hội sử dụng như nhau.

Trong khi đó, về chính cơ chế, chính sách của Nhà nước giữa trường công lập và ngoài công lập rất khác nhau, trường công lập được nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản đội ngũ giáo viên và hỗ trợ kinh phí đào tạo, còn các trường ngoài công lập phải tự lo liệu toàn bộ kinh phí từ xây dựng cán bộ cho tới kinh phí đào tạo giáo viên để phát triển trường và phải chịu mọi sắc thuế như một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, rõ ràng là không hợp lý khi đánh thuế vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Như vậy, bản thân Nhà nước đã... phân biệt đối xử với các trường NCL rồi, thì làm sao dư luận lại không coi trọng trường công hơn trường tư?

Sinh viên đi học cũng bị Nhà nước bắt đóng thuế

Trở lại việc đóng thuế của các trường ĐH, CĐ NCL. Theo ông, khi các trường phải đóng những khoản thuế như trên sự bất hợp lí nằm ở chỗ nào?

GS Trần Hữu Nghị: Chúng ta hình dung thế này, nếu có tiền cho ngân hàng vay (gửi tiết kiệm) thì không phải đóng thuế cho số lãi nhận được, mà ngân hàng là một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, trong khi ấy nếu cho nhà trường vay để đầu tư xây dựng trường, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 của Đảng để thực hiện xã hội hoá giáo dục thì số lãi nhận được lại phải đóng thuế.

Như vậy người ta phải cân nhắc khi cho trường vay, và như vậy buộc nhà trường phải đi vay ngân hàng với mức lãi suất cao hơn so với vay của CBGVNV trong trường, chưa kể đến việc phải có tài sản để thế chấp và các thủ tục giấy tờ khác.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, theo quy định hiện hành của các luật thuế thì các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải thực hiện các sắc thuế sau: Thuế Môn bài: 3.000.000đ/năm. Thuế GTGT: dưới 10%, được miễn với số tiền thu là học phí và tiền ăn đối với mẫu giáo. Thuế thu nhập doanh nghiệp là dưới 10% so với chênh lệch thu chi là học phí. Dưới 20% đối với các nguồn thu chi khác. Thuế thu nhập cá nhân vẫn theo quy định của luật thuế.

Thuế đầu tư vốn là 5% số tiền thu nhập của từng lần nhận tiền (bao gồm: tiền lãi cho nhà trường vay để đầu tư xây dựng trường, lãi tiền góp vốn xây dựng trường).

Chúng tôi thực sự khó giải thích với các giảng viên thỉnh giảng sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân được về hưu, nhưng được mời giảng cho trường Đại học NCL thì cũng phải đóng thuế vào số tiền mà nhà trường đã trả. Cụ thể, nhà trường trả 1 lần 500.000đ thì phải giữ lại 50.000đ nộp cho nhà nước.

sinh_vien_truong_cong_lap

Sinh viên trường công lập và ngoài công lập khi ra trường đều đóng góp tài năng và công sức của mình cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không có lí gì bị đối xử phân biệt như hiện nay. Ảnh Xuân Trung

Chúng tôi thực sự không biết giải thích với sinh viên NCL vì sao các em phải chịu thuế GTGT khi ở trong khu ký túc xá của trường mình. Trong khi đó, sinh viên công lập thì được Nhà nước giành kinh phí đầu tư xây dựng KTX và ở không mất tiền nếu có mất tiền trọ thì rất rẻ và không phải đóng thuế giá trị gia tăng?

Vì sao sinh viên ngoài công lập thì phải chịu thuế GTGT khi gửi xe trong trường học, trong khi hoạt động gửi xe chỉ nhằm phục phụ sinh viên chứ không phải làm dịch vụ với giá gửi thấp hơn bên ngoài trong khi đó sinh viên công lập thì không phải chịu thuế?


Thầy có thể nói rõ hơn về việc sinh viên đi học mà vẫn phải gánh trên vai các khoản thuế được không ạ?


GS Trần Hữu Nghị: Tôi lấy một ví dụ cụ thể thế này, một khoản thu hợp lý nào đó là 10.000đ thì phải cộng thêm 10% thuế GTGT của 10.000đ = 1.000đ, như vậy phải thu của sinh viên là 11.000đ ; Nhà trường chỉ được ghi doanh thu là 10.000đ và nộp thuế GTGT là 1.000đ ; 10.000đ ghi thu của nhà trường khi hạch toán doanh thu chi phí nếu có lãi thì phải nộp thuế TNDN là 10% và 25%. Như vậy các khoản thu của sinh viên (trừ học phí) góp phần vào việc đóng góp thuế TNDN và phải chịu đủ thuế GTGT, nếu không chịu thuế GTGT thì sinh viên chỉ phải chịu 10.000đ.


Như vậy đúng là việc thu thuế GTGT trong các cơ sở giáo dục NCL (trừ các khoản thu có tính chất dịch vụ) là một lần nữa đánh vào đầu sinh viên.


Đối với trường ĐH DL Hải Phòng mỗi năm phải đóng bao nhiêu tiền thuế, ông có kiến nghị gì không?


GS Trần Hữu Nghị: Đối với trường ĐHDL Hải Phòng hàng năm đóng góp khoảng gần 2 tỷ đồng tiền thuế các loại (không kể thuế TNCN); Nếu được nhà nước đầu tư lại để phát triển nhà trường thì cơ ngơi của Trường Đại học dân lập Hải Phòng ngày càng được khang trang hiện đại hơn.

Với những vấn đề đã trao đổi ở trên và dựa thực tế thực hiện sắc thuế của nhà nước, chúng tôi đề nghị Nhà nước nên xem xét việc áp dụng các chính sách thuế  giữa các trường công lập và NCL để tạo nên sự công bằng giữa hai hệ thống và để khuyến khích các trường NCL thực hiện tốt nghị quyết 2 Trung ương về xã hội hóa giáo dục.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: giaoduc.net.vn)