Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

nha_giao_dai_gia_cha_cua_Huynh_Bich_Phuong

Minh họa: TS Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị

Trường ĐH Kinh tế- tài chính TP. HCM, doanh nhân thành đạt.

 

Nhà giáo- nhà giàu rất ít ỏi, và sự giàu có của họ không đến từ lương nhà giáo, mà chủ yếu do may mắn và cái duyên từ nghề đi dạy mang lại. Đại đa số nhà giáo đều là...nhà nghèo và điều đó mang lại nỗi sợ hãi của tương lai: có ai dũng cảm đi theo nghề giáo?

Nhà giáo giàu

Đây đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã bắt đầu xuất hiện từ giảng viên "đại gia" hay giảng viên là "doanh nhân thành đạt".

 

Với người trong cuộc thì từ "đại gia" thật buồn cười, vì có nhiều nhà giáo giàu thật sự, nhưng chỉ giàu hơn những nhà giáo khác, chứ làm sao sánh được với "đại gia" về kinh tế.

 

Không biết cái tin "Lộ thân thế thật của người đẹp Huỳnh Bích Phương" có làm nhiều người khó chịu hay không, "chứ với riêng tôi, thật may là xã hội mình vẫn có nhà giáo giàu", một người trong nghề chia sẻ.

 

Hóa ra, bố của người đẹp Huỳnh Bích Phương là TS Huỳnh Bá Lân, nguyên giảng viên chính bộ môn Toán của Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Hiện giờ, TS Lân là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Kinh tế- tài chính TP.HCM. Trên trang web của trường còn nêu rõ, ông là "doanh nhân thành đạt".


Một giảng viên của ĐH Kinh tế của TP.HCM (xin được giấu tên) đang điều hành 5 công ty riêng, tuy nhiên, ông vẫn duy trì việc đi dạy của mình ở trường ĐH. Ông nói vui: "Tôi đi dạy bây giờ là đang đi làm từ thiện cho SV". Thậm chí, ông còn sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên khó khăn. Những kiến thức điều hành doanh nghiệp ăn nên làm ra, ông không ngần ngại truyền lại cho sinh viên một cách sống động nhất.

 

Một cựu sinh viên của trường ĐH Văn Hiến chia sẻ: Thầy trưởng khoa xã hội học Lê Minh Ngọc, cũng là người thầy dạy trực tiếp tụi em bộ môn này là một nhà giáo "đại gia". Em thấy khóa học nào, thầy cũng thương và chiều sinh viên. Thầy mời tụi em đến nhà ăn uống, được thầy dẫn đi xem xưởng sản xuất thạch dừa, hóa mỹ phẩm của gia đình thầy. Đến dịp 8/3, các bạn trai còn xin tiền thầy để mua hoa tặng các bạn gái. Có bạn không có tiền photo sách, thầy còn cho tiền nữa.

 

Đằng sau sự giàu có của thầy Lê Minh Ngọc, giờ đây là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Văn Hiến, là cả một quyết tâm. Chia sẻ trên trang web Doanh nhân đương thời, ông cho biết: Ý tưởng và kiến thức khoa học của ông và vợ (nguyên giảng viên trường ĐH kinh tế TP.HCM) dồn tụ trong 40 năm nghiên cứu và giảng dạy, được đưa vào ứng dụng sản xuất. Đầu tiên là xưởng sản xuất men bánh mì, tiếp đó là cơ sở sản xuất hoá thực phẩm làm thạch dừa và sôcôla, rồi mở xưởng hoá mỹ phẩm sản xuất chất tẩy rửa, khử mùi. Qua tìm tòi nghiên cứu, ông tìm hiểu và tận dụng rỉ đường làm bột nở và men bánh mì, tận dụng nước dừa để sản xuất thạch dừa xuất khẩu.

 

Theo ông, có những thứ dưới mắt người thường thì tưởng như bỏ đi, nhưng qua việc nghiên cứu cẩn trọng và quyết tâm thì đó là những thứ rất hữu dụng.

 

Khi đã có lợi nhuận từ sản xuất men bánh mì, làm bột nở, thạch dừa… cộng với tiền vay thêm ngân hàng, thầy Lê Minh Ngọc lên Tây Nguyên mua lại những mảnh đất hoang hoá, lập trang trại rồi cải tạo chúng thành những mảnh đất bốn màu xanh tươi với những đồi chè, cà phê xanh ngát một vùng. Dù bất cứ nơi đâu, đất có khô cằn sỏi đá đến mấy, hoang hoá thế nào ông cũng biến chúng thành bạn, thành hàng trăm hecta xanh ngát đồi chè, cà phê, tiêu, mía.

 

Có một điều cả xã hội biết, đó là nhà giáo sống bằng lương thì rất nghèo, muốn khá giả hay giàu có thì hoặc phải dạy thêm, hoặc phải làm kinh tế ở bên ngoài, hoặc là do...thừa kế. Nhiều người đi dạy không phải vì đồng lương nữa, mà họ đã cảm thấy đủ giàu và muốn chia sẻ kiến thức.

Đa số nhà giáo sống được bằng dạy thêm

Tuy nhiên, đại đa số nhà giáo hiện nay đang tự cho mình là nghèo với đồng lương "tượng trưng". Có những người sống khá giả do...thừa kế, còn lại phải mưu sinh ở bên ngoài bằng cách dạy thêm là chủ yếu. Nhà giáo doanh nhân là con số rất hiếm hoi.

 

Tôi từng chứng kiến một ông giáo già dạy môn Lý ở một trường phổ thông ở tỉnh Nam Định. Khi đứa con lớn vào đại học, đứa con thứ hai vào Nhạc viện, ông phải khăn gói đưa cả gia đình lên Hà Nội và kiếm việc luyện thi đại học ở các trung tâm. Trước đây, đồng lương đi dạy của ông chỉ là tượng trưng, còn kinh tế trong gia đình do vợ ông lo liệu nhờ hiệu sách của gia đình. Ông đùa, ở tuổi 60 tôi bắt đầu đi làm kinh tế để "trả nợ" cái ơn bà ấy đã nuôi tôi cả đời đi dạy học.

 

Với kinh nghiệm dạy môn Lý rất tốt từ cả đời dạy học, ông tới đâu là trung tâm săn đón, vì học trò rất thích học ông. Một ngày ông dạy 3 ca liền, sáng-chiều-tối, đến nỗi tối về là "thở không ra hơi". Chỉ bằng việc dạy học cật lực, không nghỉ cả thứ bảy và chủ nhật, sau khi đã nuôi cả gia đình, ông còn dư được 200 triệu mỗi năm. Số tiền nghe thì to, nhưng không biết ông đã đổ bao mồ hôi và công sức vào đó. Cách đây 6 năm, ông đã mua được căn hộ cao cấp ở quận Thanh Xuân- Hà Nội hoàn toàn từ việc đi luyện thi đại học của mình.

 

Những giáo viên có thu nhập khá chủ yếu bằng luyện thi đại học, và thu nhập của họ có thể nói là "một trời một vực" với những giáo viên dạy các cấp khác. Giáo viên ở bậc tiểu học dạy thêm tối đa thì được 5 triệu đồng/tháng, phổ biến là 2-3 triệu/tháng. Những giáo viên không có cơ hội dạy thêm vì dạy những môn không thi đại học hay không thi tốt nghiệp hoặc chuyển cấp đích thực là "nhà giáo nghèo" vì họ chỉ sống bằng đồng lương. Có nhà giáo tự trào: Làm nghề giáo không lo chết đói, nhưng mà đói đến chết!

 

Thời gian vừa qua, hàng loạt giáo viên mầm non xin nghỉ việc ở TP.HCM hay ở Thanh Hóa trước đó đã báo động phản ứng ngầm của xã hội trước đồng lương "bèo bọt" của nghề giáo, đặc biệt ở những nhà giáo không thể có cơ hội làm thêm để đảm bảo đời sống của mình. Đợt tuyển sinh vừa qua, nhiều khoa sư phạm đã phải đóng cửa, thí sinh thi đại học ít mặn mà với trường sư phạm.

 

Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Ian King, Tổng giám đốc, Trường quốc tế ACG (TP.HCM) cho biết: Tại Việt Nam, chúng tôi vẫn chọn được những giáo viên giỏi tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm. Điều đặc biệt là họ vươn lên rất nhanh, trở thành trợ giảng cho các giáo viên nước ngoài sau một thời gian ngắn chỉ là "phụ việc". Họ rất cầu tiến và học hỏi nhanh, ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình giảng dạy.

 

Rõ ràng, khi có một môi trường tạo điều kiện cho giáo viên học tập, một mức lương tốt, cũng con người ấy, có thể tiến xa hơn trong nghề nghiệp của mình. Nếu đời sống giáo viên còn bị bỏ rơi như hiện tại, thì chúng ta đang lãng phí nguồn lực của chính mình.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: vietnamnet)