Có giảm tải cho học sinh?
Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng DTHT ở cấp tiểu học ngay sau khi ban hành đã nhận được sự đồng tình của dư luận, song cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự nghi ngại cho rằng, nếu không đồng thời triển khai các giải pháp một cách triệt để thì lại rơi vào bệnh hình thức. Đây không phải lần đầu tiên những quy định liên quan đến vấn đề DTHT ở tiểu học được triển khai, nhưng quá trình thực thi dường như lại bị "bỏ quên". Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ra đời năm 2012 với quy định chấm dứt DTHT đã dấy lên biết bao kỳ vọng của những phụ huynh có con lứa tuổi tiểu học khi ấy, song thực tế lại bị biến tướng khiến cho việc học của con trẻ nhiều nơi ngày càng nặng nề.
Sau 3 ngày ban hành Chỉ thị, ngày 6-11, Bộ GD-ĐT tiếp tục thể hiện sự quyết tâm trong việc giảm tải cho HS tiểu học khi ra văn bản điều chỉnh nội dung của 2 cuộc thi giải toán trên internet và Olympic tiếng Anh trên internet, yêu cầu các đơn vị không căn cứ vào số lượng HS tham gia, kết quả tham gia của HS tại các hoạt động giao lưu, "sân chơi"… để xếp loại thi đua.
Việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ảnh: Bá Hoạt
Thế nhưng, dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về việc hoc tiểu học có thực sự được giảm tải như mong muốn hay không, khi mà các nhà trường hiện nay phải "gánh" tới trên dưới chục cuộc thi rải suốt từ đầu đến cuối năm học. Phản ánh từ các nhà trường cho thấy, dù biết là gây thêm áp lực cho cả cô và trò, nhưng với quy định "đây là một trong các tiêu chí để xét thi đua" thì hầu như trường nào cũng đành phải tham gia. Mà đã tham gia là phải cố gắng có thành tích, kéo theo việc phải ôn luyện, tập huấn… Với HS, một trong những động lực cơ bản khiến các em hăng hái là vì kết quả này được coi là một trong những tiêu chí khi tham gia xét tuyển "đầu vào" ở trường THCS có chất lượng. Nhiều năm nay, các em đoạt giải tại các cuộc thi như Olympic tiếng Anh, giải toán, tiếng Anh… qua mạng internet đều được cộng điểm khi tham gia tuyển sinh lớp 6.
Loay hoay với tuyển sinh lớp 6
Trước quy định của Bộ GD-ĐT về việc không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6, ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị giao ban giáo dục vùng 7 (gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh) diễn ra ngày 7-11 đều bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có định hướng cụ thể hơn cho những trường thực hiện theo mô hình chất lượng cao, trường ngoài công lập, lớp tăng cường ngoại ngữ... Đây cũng là 5 thành phố tập trung phần lớn các trường, lớp học theo mô hình này và đang ngày càng gia tăng về quy mô. Nhiều năm nay, những trường này vẫn tổ chức thi tuyển "đầu vào" bởi số lượng HS đăng ký dự tuyển luôn cao hơn gấp nhiều lần so với khả năng đáp ứng.
Tại Hà Nội, chỉ tiêu vào lớp 6 hệ THCS Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam hằng năm chỉ khoảng 200 HS, song số lượng đăng ký dự tuyển năm nào cũng trên dưới 4.000 HS. Với chỉ tiêu là 240, nhưng năm học 2014-2015, số HS đăng ký vào Trường THCS Cầu Giấy là hơn 2.000 em; hệ THCS của Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành có gần 2.600 HS đăng ký, tăng gần 900 HS. Ngoài ra còn khá nhiều trường ngoài công lập như Đoàn Thị Điểm, Mari-Quyri… cũng tổ chức thi tuyển. Điều kiện dự tuyển của các trường này đều dựa trên tiêu chí học lực, gồm học lực giỏi, điểm tổng kết hai môn ngữ văn và toán, ngoài ra là các tiêu chí về thành tích, năng khiếu đặc biệt (bao gồm kết quả các cuộc thi, giao lưu…).
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, quy chế tuyển sinh THCS, THPT của Bộ GD-ĐT quy định phương thức tuyển sinh vào lớp 6 là xét tuyển, song với những đơn vị đặc thù thì có thể báo cáo UBND thành phố và xin phép Bộ GD-ĐT. THCS là bậc học phổ cập, mỗi phường, xã, thị trấn tại Hà Nội đều có trường công lập, bảo đảm 100% HS đều có chỗ học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh muốn cho con học ở những trường chất lượng cao, tăng cường ngoại ngữ, trường ngoài công lập có uy tín… mà những trường này đều không giới hạn khu vực tuyển sinh, nên số lượng HS đăng ký luôn cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu được giao.
Trước quy định bỏ điểm số, không có danh hiệu HS giỏi, không còn các chỉ số phụ (kết quả tham gia các cuộc thi, giao lưu, năng khiếu…), đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ phải nghiên cứu để xin ý kiến cấp quản lý để hướng dẫn các nhà trường trong công tác tuyển sinh năm học tới. Quan điểm của Sở GD-ĐT là tất cả các trường đều tổ chức xét tuyển theo đúng tuyến. Những trường hợp đặc biệt có thể xem xét điều kiện, nhu cầu thực tế, báo cáo Sở để tìm giải pháp. Theo quan điểm cá nhân, ông Phạm Hữu Hoan cho rằng, không nhất thiết phải tổ chức thi, mà có thể dựa theo học bạ ở tiểu học và xét chỉ số IQ. Bởi việc tổ chức thi tuyển dù theo hình thức nào cũng có thể nảy sinh tiêu cực hoặc gây áp lực với HS.
Theo Báo Hà Nội Mới, Tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/723658/co-giam-ap-luc-va-tieu-cuc