Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Tình hình dạy thêm, học thêm đã có một thời gian diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Trước vấn đề này, ngành GD&ĐT có nhiều chủ trương cùng những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh. Đến nay các địa phương đều đã ban hành các quy định và vào cuộc một cách quyết liệt để việc dạy thêm, học thêm không còn là bức xúc…
Sự vào cuộc kịp thời
Trước đây văn bản mới nhất của Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT đề nghị chấn chỉnh một cách quyết liệt việc dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình và dạy học nâng cao đối với GD mầm non và GD tiểu học (số 7679 ngày 22/10/2013), ngành GD cũng đã có nhiều văn bản nhằm đôn đốc các địa phương thực hiện, quản lý tốt vấn đề dạy thêm học thêm.
Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm
Tuy nhiên ở một số nơi vẫn còn hiện tượng vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm như giao bài tập nâng cao cho HS tiểu học ở lớp hoặc ở nhà. Vẫn còn nhiều cơ sở GD mầm non dạy học trước chương trình lớp 1; có hiện tượng dạy trẻ mầm non và HS “chương trình dạy Toán tính nhẩm siêu tốc bằng bàn tính” không do Bộ GD&ĐT ban hành…
**Quy định về việc xử phạt dạy thêm học thêm trái phép
Trao đổi về vấn đề này, nhiều GV cho biết, việc dạy thêm học thêm là một nhu cầu và thực tế là việc này đã được duy trì từ nhiều năm qua. Nhiều người tổ chức dạy thêm, học thêm cho HS mà không hề lấy tiền công; có người chỉ thu vài ngàn đồng để góp vào số tiền mua phấn viết bảng hay tiền điện thắp sáng cho HS học vào buổi tối…
Họ chủ yếu dạy phụ đạo cho cho HS và bồi dưỡng HS khá giỏi. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp lợi dụng việc học thêm của HS để thu lợi, đôi khi là ép buộc học sinh học thêm. Và chính những “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm dấy lên làn sóng dư luận bức xúc trước tình trạng dạy thêm học thêm.
Quyết liệt chấn chỉnh dạy thêm, học thêm
Từ đầu tháng 11 này, toàn tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện nghiêm và chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm theo Quyết định số 17/2013 của UBND tỉnh. Đây được xem là động thái tích cực của địa phương để tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn đi vào nề nếp và ổn định.
Theo tinh thần Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT và Quyết định 17 của tỉnh sẽ giảm áp lực về vấn đề học của các em HS, đặc biệt là HS tiểu học. Việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm cũng nhằm mục đích giảm tiêu cực, tránh tình trạng GV ưu ái cho những HS có học thêm, dạy trước chương trình, phân biệt đối xử trong thi cử, kiểm tra…
Nhiều GV cũng tâm sự, họ rất mong muốn phụ huynh HS là những người giúp cho nhà trường cũng như thầy cô giáo thực hiện tốt việc dạy thêm, học thêm. Trước đây không ít phụ huynh tìm mọi cách để con em được học thêm ở bất kỳ môn học nào. Và chuyện lo cho con học thêm cũng trở thành “mốt” của nhiều phụ huynh, đây được xem như “đẳng cấp” của họ…
“Ở đâu có cầu thì sẽ có cung, ban đầu chỉ một vài người dạy thêm với tinh thần nâng kém, dạy kèm cho học trò. Dần về sau tình hình dạy thêm trở nên phổ biến và có nhiều GV tham gia vào việc này”, một GV cho biết.
Hiện nay UBND tỉnh, thành và ngành GD các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Ngoài UBND tỉnh và Sở GD&ĐT còn có sự vào cuộc của các ban, ngành, UNBD cấp huyện, xã và các phòng GD&ĐT… Trường hợp vi phạm dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại TP Cần Thơ có Quyết định số 06/QĐ-UBND (ngày 25/2/2013) của UBND TP Cần Thơ, nhà trường, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định…
Bên cạnh các giải pháp quyết liệt thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ HS cũng được các địa phương chú trọng. Bằng nhiều hình thức giúp cha mẹ HS hiểu tác hại của việc học thêm, học nâng cao, học trước chương trình, học ngoài chương trình...
Từ đó có sự hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh HS tránh chạy theo tâm lý đám đông và quá kỳ vọng vào con em mình, nhất là ép trẻ học sớm, ép trẻ làm quá nhiều bài tập tham khảo, bài tập nâng cao…
Theo tác giả Quốc Ngữ, Báo GDTĐ