Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, khoa giáo
Mặc dù quy định cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học đã được ban hành được gần 1 năm, thanh tra của các Sở GD-ĐT cũng đã có những đợt kiểm tra sâu sát; nhưng nạn học thêm vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.
Bị ép phải … “tự nguyện”
Theo Thông tư 17 quy định về DTHT của Bộ GD-ĐT, nếu GV có tổ chức lớp DTHT phải đăng ký và xin phép BGH trường để phối hợp quản lý. Theo đó, nhà trường không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày và học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Sau giờ lên lớp, giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mình đang giảng dạy chính khóa (trừ khi có sự đồng ý của hiệu trưởng).
**Quy định cấm dạy thêm chỉ là hình thức
Hiệu trưởng sau khi tiếp nhận đơn của phụ huynh, phải phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học. Các lớp học thêm bồi dưỡng này phải đảm bảo học lực của học sinh tương đương nhau. Như vậy, chỉ cần có đơn tự nguyện xin học của phụ huynh là hoàn toàn có thể dạy thêm.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, dưới các hình thức “tự nguyện” này, một số trường tiểu học ở Hà Nội đang có khá nhiều kiểu dạy thêm khác nhau: Dạy thêm dưới hình thức mở các câu lạc bộ; các trung tâm của trường, những trường tan học sớm cũng tổ chức trông trẻ và dạy thêm khi phụ huynh chưa kịp đón con…
Mặc dù có nhiều quy định nhằm quản lý, nhưng việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Một phụ huynh có con đang học ở Trường tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) cho biết, tiền trông trẻ cuối giờ học thu 200.000đ/tháng, thực hiện từ 23/9/2013 nhưng trường đã thu cả 2 tháng và trở thành giờ học thêm Toán, Tiếng Việt. Phụ huynh nào muốn đón con về sớm hơn cũng không được nên gây lộn xộn, ùn tắc từ cổng trường vào đến sân.
Cùng tình trạng như vậy, một phụ huynh có con học cấp 2 quận Đống Đa cho biết: Đầu năm họp phụ huynh cô giáo thông báo nhà trường tổ chức tới 5 bộ môn học thêm, thế nhưng nhiều phụ huynh chỉ muốn đăng ký 2 môn chính là văn, toán liền bị cô giáo tỏ thái độ. Điều này khiến cho nhiều người bức xúc.
Khổ nhất là học sinh tiểu học dù đã cấm nhưng vẫn phải quay cuồng học thêm. Không đi học thì sợ cô trù, hoặc có những kiến thức cô không dạy trên lớp mà lại “để dành” dạy ở lớp học thêm. Nếu em nào không đi học thì không làm được bài kiểm tra và bị điểm kém”.
Vẫn khó kiểm soát
Trước thực trạng này, ngày 11/9, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ra quyết định thành lập 20 đoàn thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi và quản lý dạy thêm đầu năm học 2013-2014 tại 29 phòng GD-ĐT, 31 trường THPT, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên, 31 trường THCS, 31 trường tiểu học, 22 trường mầm non.
Kết quả phát hiện một số tồn tại: Một số cơ sở giáo dục triển khai việc cấp phép dạy thêm học thêm chưa kịp thời; kế hoạch của một số đơn vị chưa đúng quy định như xếp lớp không phân loại học sinh (HS) (THCS Trần Đăng Ninh), chưa kiểm tra đầy đủ và lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm, chưa có chương trình dạy thêm cho từng môn (THCS Thanh Mai - Hà Đông), tăng tiết dạy thêm học thêm chưa được giải thích cho người học và người dạy (THPT Trung Giã, Sóc sơn), thu vượt quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ%...
Ngoài ra, dự toán, kế hoạch thu, chi cho các hoạt động dạy thêm học thêm chưa rõ tại trường THCS Phụng Thượng, Phúc Thọ; Một số UBND quận, huyện chưa ban hành văn bản thực hiện quyết định về dạy thêm học thêm của UBND TP, chưa triển khai công tác kiểm tra (Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng, quận Tây Hồ…).
**Hà Nội quy định khung phí dạy thêm, học thêm
Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội, việc dạy thêm, học thêm là theo nhu cầu nên hiện tại chúng ta không thể chấm dứt tình trạng này. Các văn bản của Bộ GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra nhiều quy định “chặt” hơn như quy định mức trần về dạy thêm, học thêm để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm trái phép.
Theo quy định, giáo viên hưởng lương ngân sách không được dạy thêm; học sinh tiểu học 2 buổi không học thêm. Hà Nội đã đưa ra mức trần thu dạy thêm thống nhất trên toàn TP. Theo đó, mức thu cao nhất mà các trường được phép thu là 32.000 đồng/tiết/học sinh đối với lớp có từ 1 đến dưới 10 em ở bậc THPT và bậc THCS là 26.000 đồng. Mức thu tiền học thêm phải có thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Ngoài ra, Hà Nội cũng quy định rõ tỷ lệ chi 70% tiền thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, 15% chi cho công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường, còn lại là hỗ trợ chi điện, nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, để chấm dứt được dạy thêm, học thêm tràn lan thì việc quản lý dạy thêm, học thêm cần kiểm tra nghiêm ngặt, làm rõ trách nhiệm cá nhân và xử lý nghiêm, đồng thời tập trung làm sao để dạy thêm, học thêm bảo đảm chất lượng và theo đúng nhu cầu của phụ huynh.
Dạy thêm, học thêm thực sự là nhu cầu từ cả giáo viên và học sinh cũng như phụ huynh học sinh. Để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm đi đúng hướng, cần phải giải quyết đồng bộ công tác đổi mới cách thi cử, giảm tải chương trình học và nâng cao thu nhập cho giáo viên.
Theo tác giả Khánh An, Petrotimes