Tin liên quan
>> Lớp học thêm dành cho sinh viên
>> Dạy và học thêm sẽ khó kiểm soát
Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan khiến dư luận bức xúc. Bộ GD-ĐT cũng vừa có văn bản gửi các địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm
Bộ GD-ĐT quy định không được dạy thêm cho học sinh (HS) tiểu học, HS học 2 buổi/tuần. Thế nhưng, trên thực tế, nói như chị Phương Loan, một phụ huynh (PH) có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học của quận Cầu Giấy - Hà Nội, chỉ cấm trên giấy thôi, suốt cả 4 năm học, không năm nào con chị không phải đi học thêm với cô giáo viên (GV) chủ nhiệm. Chị Loan cho hay lớp con mình là lớp “chọn”, cô giáo yêu cầu HS học nhiều kiến thức nâng cao nên không đi học thêm thì rất khó hoàn thành các bài tập “hiểm”.
Học thêm cả tuần
Không chỉ riêng chị Loan, nhiều PH đều cho rằng việc dạy học ở nhà của bố mẹ đối với con là khoảng thời gian “đau đầu và rất mệt mỏi” vì toán ở bậc tiểu học khó. Chị Phan Xuân, PH có con học lớp 7 tại Trường Việt Nam - Angieria, quận Thanh Xuân - Hà Nội, chia sẻ: Vì học chậm hơn các bạn nên cậu con trai chị bị cô nhận xét “tư duy có vấn đề”. Vậy là ngoài 4 môn học thêm ở trường là toán, văn, Anh văn và lý, cậu bé còn phải học thêm tại nhà riêng của 2 cô giáo khác môn Anh văn và toán. Vậy là cả tuần phải đi học thêm!
Cũng có trường hợp tập thể PH phản ứng với việc dạy thêm. Trong đơn phản ánh gửi phòng GD-ĐT và Báo Người Lao Động, nhiều PH lớp 1/3, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Thủ Đức - TPHCM), cho biết: “… Tại buổi họp PH, cô giáo chủ nhiệm, công khai cho biết hiện nay cô có mở lớp dạy thêm tại nhà. Nếu PH nào có nhu cầu thì cho con em tới học ngoài giờ. Không hiểu với chương trình của sách giáo khoa, trên lớp cô Oanh dạy gì mà phải gợi ý cho các em đi học thêm? Học thêm cái gì?...”.
Ra đề “hiểm”
Dưới cái nhìn của người trong cuộc, hiệu trưởng một trường THPT của Hà Nội cho rằng dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thật của rất nhiều PH-HS. Nhu cầu này một phần bởi cách thi cử hiện nay, phần khác, quan trọng hơn, là do áp lực từ nội dung chương trình. GS toán học Hoàng Xuân Sính kể tình cờ một lần bà được xem bài toán thi học kỳ của cô cháu gái học lớp 7, trong đó có 2 câu đòi hỏi HS sắp xếp một đa thức 2 ẩn theo lũy thừa lùi và tính nghiệm chung của cả 2 đa thức.
Tất nhiên là học trò không làm được. GS Sính tìm hiểu và được biết đây là đề thi của phòng GD-ĐT. Đúng là học kỳ đó có học đa thức 1 ẩn, còn đa thức 2 ẩn thì học rất sơ lược, chỉ mang tính chất giới thiệu thôi. GS Hoàng Xuân Sính kết luận: “Với lối dạy và ra đề kiểu này, HS làm sao mà chẳng phải học thêm”.
Anh Phạm Hồng, sống tại quận Đống Đa - Hà Nội, tổng kết sau một quá trình dài miệt mài đưa con đi học thêm trước kỳ thi ĐH: “Trường chuyên không bằng lớp chọn. Lớp chọn không bằng học thêm”. Một chuyên gia nguyên là lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay có rất nhiều HS vất vả học thêm. Lý do là các em không lĩnh hội được kiến thức từ sách giáo khoa vốn được viết theo kiểu hàn lâm.
Hiệu trưởng một trường tiểu học thẳng thắn nói rằng tình trạng dạy thêm học thêm chỉ phát triển mạnh khi sách giáo khoa được biên soạn lại theo kiểu đổi mới. Một GV cũng chia sẻ: “Chương trình hiện nay dù giảm tới giảm lui vẫn còn nặng nề khiến HS phải học thêm mới theo được chương trình. Rất nhiều PH, đặc biệt ở các TP lớn, rất muốn con mình vào học ở các trường chuyên và nếu không học thêm thì khả năng trượt là rất lớn”. Đó cũng chính là lý do khiến số HS từ lớp 3 trở lên có mặt đông nghẹt ở các “lò luyện” vào trường chuyên.
Nhu cầu có thực
Một chuyên gia giáo dục thừa nhận đúng là có một bộ phận GV vì mục đích thu nhập đã có thái độ không đúng mực, thậm chí gây sức ép đối với HS phải học thêm. Bên cạnh đó, có những GV có năng lực, yêu nghề, dạy thêm để kiếm sống lương thiện nhưng cũng để thỏa mong muốn mang kiến thức đến cho HS.
Lãnh đạo một trường tiểu học ở TPHCM nói rằng: “Đối chiếu với quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT thì chúng tôi sai hết vì trường đã học 2 buổi nhưng có gần 30 GV tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Chúng tôi quản lý bằng cách để GV tự nguyện đăng ký địa điểm dạy học, số lượng HS, số tiền thu. Mục đích là để quản lý GV. Biết là sai nhưng đành phải lờ đi vì nếu không dạy thêm thì GV lấy gì sống”. Có nhiều ý kiến cho rằng có nhiều cách kiếm tiền mà không phải dạy thêm nhưng chẳng lẽ GV chạy xe ôm hay đi làm phục vụ nhà hàng?
GS Hoàng Tụy cho rằng chế độ lương đối với giáo viên hiện nay là một sự biểu thị không gì khác hơn là sự coi thường đối với lao động giáo dục và khoa học. Để sống được, GV phải tìm cách dạy thêm.
Trẻ mầm non cũng học thêm
Dạy thêm, học thêm còn lan sang cả bậc mầm non với nhiều chiêu, trò hết sức tinh vi: Ép trẻ học chữ, nhờ GV kèm cặp môn năng khiếu.
Trước Trường Mầm non Búp Sen Hồng (quận Thủ Đức), treo bảng thông báo: Nhận dạy kèm HS lớp 1, lớp 2 và các bé chuẩn bị vào lớp 1. Thời gian học từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút. Liên hệ cô Phương, số điện thoại: 0164…
Ngay đầu năm học mới, lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT đã lo ngại về tình trạng trẻ mẫu giáo bỏ học, ở nhà đi học chữ để chuẩn bị vào lớp 1. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3 - TPHCM, cho biết: Trong cuộc họp với PH của Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, nhiều PH đã ký vào đơn đề nghị nhà trường tổ chức dạy chữ cho trẻ nhưng nhà trường từ chối.
>> Nếu không muốn ở lại lớp phải đi học thêm
Những tin tức đang được quan tâm:
Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi
Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi
Kênh Tuyển Sinh (NLD)