>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, học đường
Dạy thêm "chui" sẽ bị phạt 12 triệu đồng
Nghị định 138 về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục" mà Chính phủ mới ban hành đã quy định xử phạt hành vi dạy thêm "chui". Theo đó, giáo viên nào tổ chức, hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt 6 triệu đến 12 triệu đồng. Giáo viên vi phạm bị buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu.
Giáo viên cũng bị phạt 4 triệu đến 6 triệu đồng nếu dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép. Người vi phạm bị tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 tháng đến 1 năm.
Quy định về việc xử phạt dạy thêm học thêm trái phép
Trường học, cơ sở đào tạo sử dụng nhà giáo không đủ tiêu chuẩn ở cấp giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, sẽ bị phạt 2 triệu đến 6 triệu đồng. Đối với cấp giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, đại học sẽ phạt 4 triệu đến 10 triệu đồng. Phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu sử dụng nhà giáo giảng dạy chương trình có yếu tố nước ngoài mà không đúng quy định về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ.
Cơ sở giáo dục nào mua sắm, tiếp nhận sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, sẽ bị phạt 15 triệu đến 30 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định xử phạt đối với vi phạm trong đào tạo liên kết, đào tạo liên thông. Mức phạt 30 triệu đến 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt 20 triệu đến 25 triệu đồng nếu liên kết đào tạo cấp bằng chính quy. Ngoài ra, cơ sơ này phải chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoạt động giáo dục. Phạt 8 triệu đến 10 triệu đồng nếu cấp văn bằng chứng chỉ cho người học không đủ điều kiện.
Vẫn còn hiện tượng vi phạm về dạy thêm học thêm
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa có văn bản gửi các Sở GD-ĐT đề nghị chấn chỉnh một cách quyết liệt việc dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình và dạy học nâng cao đối với giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành các quy định của địa phương về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm; hướng dẫn sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông; chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm, giao bài tập nâng cao cho học sinh tiểu học ở lớp hoặc ở nhà; vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non dạy học trước chương trình lớp 1, có hiện tượng dạy trẻ mầm non, học sinh tiểu học “chương trình dạy toán tính nhẩm siêu tốc bằng bàn tính” không do Bộ GD-ĐT ban hành.
Đẩy mạnh quản lý, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về dạy thêm học thêm
Để chấm dứt hiện tượng này Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo và quản lý tốt các hoạt động: Phổ biến, quán triệt đến toàn thể giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và các nhà trường chấm dứt ngay các vi phạm nêu trên, trong đó có việc xin ý kiến của cha mẹ học sinh để dạy trước chương trình lớp 1, để giao bài tập về nhà cho học sinh.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh bằng nhiều hình thức, giúp cha mẹ học sinh hiểu tác hại của việc học thêm, học nâng cao, học trước chương trình, học ngoài chương trình. Hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh học sinh tránh chạy theo tâm lý đám đông và quá kỳ vọng vào con em mình, “ép” trẻ học sớm, “ép” trẻ làm nhiều bài tập tham khảo, bài tập nâng cao.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục tiểu học, thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi; không quảng bá, tiếp thị cho các chương trình chưa được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng. Tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng sách, tài liệu tham khảo tại các cơ sở giáo dục.
Theo: Tiền Phong, giáo dục thời đại