Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại
“Học sinh hư lại càng cần đến sự giáo dục của nhà trường. Đuổi học học sinh hư thì ai giáo dục chúng? Học sinh đã hư nay lại có dịp càng hư hỏng hơn…”
LTS: Xung quanh vụ việc 3 nữ sinh ở Thái Nguyên đánh bạn đến ngất sỉu và có thể bị nhận quyết định bị đuổi học của hiệu trưởng nhà trường, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Hồ Ngọc Đại xung quanh vấn đề này.
- Thưa GS. TS Hồ Ngọc Đại, GS có biết đến vụ việc 3 nữ sinh ở Thái Nguyên đánh bạn ngất xỉu. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc và 3 học sinh này có thể sẽ nhận quyết định bị đuổi học?
GS. TS Hồ Ngọc Đại: Qua báo chí, tôi có biết đến sự việc 3 nữ sinh đánh bạn ngất xỉu và có thể bị đuổi học ở Thái Nguyên.
- GS có đồng tình với quyết định đuổi học 3 nữ sinh này của lãnh đạo Trung tâm GDTX huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên?
GS. TS Hồ Ngọc Đại: Cá nhân tôi không tán thành quyết định này. Đứng trên lập trường một nhà giáo dục, tôi lại càng không tán thành quyết định của lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên (Trung tâm GDTX ) huyện Đồng Hỷ, Tỉnh Thái Nguyên.
- Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định đuổi học 3 nữ sinh này là một biện pháp răn đe, giáo dục mạnh với các trường hợp sai phạm và để ngăn ngừa vấn nạn bạo lực học đường hiện nay. Vậy lý do gì khiến GS không tán thành quyết định này của Trung tâm GDTX huyện Đồng Hỷ?
GS. TS Hồ Ngọc Đại: Rất đơn giản thôi. Trách nhiệm của nhà trường là giáo dục học sinh. Nhà trường có trách nhiệm giáo dục bằng cách truyền đạt kiến thức, uốn nắn nhận thức, hành vi cho học sinh và có trách nhiệm phối hợp cùng với gia đình học sinh để tìm ra phương pháp tối ưu nhất với những học sinh hư.
Nếu như học sinh hư nào cũng bị “tống cổ” ra khỏi trường học khi có suy nghĩ và hành vi lầm lạc thì xã hội còn cần đến trường học để làm gì? Đuổi học có nghĩa là trả học sinh về cho gia đình vã xã hội. Nhà trường làm như vậy vô hình chung đang “rũ bỏ” trách nhiệm thiêng liêng của mình mất rồi.
Đuổi chúng ra xã hội thì ai sẽ giáo dục chúng? Như vậy chẳng phải chúng ta đang góp phần “tạo điều kiện” và “làm hư hỏng thêm” cho học sinh sao?
Tôi nghĩ, đây là một quyết định không tối ưu và có phần vô trách nhiệm của Trung tâm GDTX huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
- Nói như vậy, thay vì quyết định đuổi học 3 nữ sinh này, Trung tâm GDTX huyện Đồng Hỷ cần có những biện pháp nào khác hơn áp dụng với 3 trường hợp học sinh này để vừa có tính trừng phạt, răn đe, vừa tiếp tục giáo dục các em, thưa GS?
GS. TS Hồ Ngọc Đại: Biện phát đầu tiên là nhà trường phải cùng phối hợp với gia đình các em để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm này của học sinh. Cần triệu tập tất cả phụ huynh cùng với nhóm học sinh sai phạm đến trường. Hiệu trưởng trường, giáo viên chủ nhiệm lớp và phụ huynh phải có sự hợp tác thực sự nghiêm túc và thiện chí để tìm hiểu nguyên nhân sai phạm của các em là gì.
Sau khi biết được nguyên nhân dẫn đến sự việc, nhà trường cần phối hợp cùng với gia đình bàn bạc những biện pháp giáo dục, răn đe với những trường hợp học sinh sai phạm này.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc với những vụ bạo lực học đường. Tuy nhiên, chỉ với những vụ thực sự nghiêm trọng mới cần đến sự truy vấn của cơ quan chức năng. Nhà trường và gia đình vẫn phải là yếu tố quan trọng nhất trong việc tìm hiểu nguyên nhân, uốn nắn nhận thức và hành vi cho học sinh và con em của mình.
Áp dụng các chế tài nghiêm khắc của pháp luật chỉ nên áp dụng với những trường hợp học sinh đặc biệt cá biệt. Tại sao lại như vây? Bởi lẽ lứa tuổi học sinh là lứa tuổi trẻ vị thành niên, dễ nhạy cảm, dễ tiếp thu, học theo những thói hư tật xấu của xã hội… và cũng rất dễ mất niềm tin vào cuộc sống nhưng cũng không quá khó để giáo dục.
Các biện pháp chế tài mạnh nếu được áp dụng (ví như: đuổi học, bắt giam…) rất có thể khiến trẻ mất niềm tin vào cuộc sống. Chúng sẽ có cảm giác “cánh cửa cuộc đời đang đóng chặt lại với chúng. Từ đó khởi đầu cho những bước trượt dài không thể kìm hãm được.”
- Từng là giáo viên trực tiếp đứng lớp, có sự hiểu biết sâu sắc với tâm lý học sinh và cũng có rất nhiều những nghiên cứu về tâm lý giáo dục. GS nhận định như thế nào về hiện tượng bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua?
GS. TS Hồ Ngọc Đại: Trẻ con, thanh thiếu niên là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất về xã hội. Xã hội này như thế nào, chúng ta đều nhìn thấy rõ mồn một ở những người trẻ. Người trẻ thích bạo lực có nghĩa là xã hội này có quá nhiều bạo lực (mà bạo lực gia đình là yếu tố tác động trực tiếp nhất), xã hội này chưa nhân văn, xã hội này chưa có tính định hướng cho giới trẻ…
Người trẻ là bộ phận bị ảnh hưởng trực tiếp nhất từ xã hội. Chúng dễ tiếp thu những tinh hoa, những tư tưởng tân tiến cũng như những thói hư tật xấu, những lối sống mới du nhập… một bộ phận không nhỏ mang tâm lý sống xốc nổi, bồng bột, dễ kích động, a dua, học đòi theo…
Nhưng thiết nghĩ, nguyên nhân sâu xa nhất khiến một bộ phận học sinh lầm lạc trong suy nghĩ và hành động, mà minh chứng là những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra và có những vụ cực kỳ nghiệm trong thời gian qua là hậu quả từ một nền giáo dục chưa tới nơi, coi trọng việc dạy chữ hơn việc giáo dục nhân cách sống cho học sinh và giáo dục gia đình hời hợt, đại khái...
- Vậy để ngăn ngừa hiện tượng bạo lực học đường, chúng ta nên có những động thái như thế nào, thưa GS?
GS. TS Hồ Ngọc Đại: Nói thì dễ nhưng làm được mới khó. Vấn đề này cần có sự chung tay, chung sức của cả xã hội. Nhà trường là yếu tố quan trọng, xã hội là yếu tố định hướng (nhưng xã hội thì chung chung quá), gia đình là yếu tố quyết định.
Các biện pháp giáp dục, răn đe từ mềm mỏng, cứng rắn đến nghiêm khắc phải được kết hợp hài hòa, không máy móc với từng đối tượng học sinh.
Xin cám ơn những chia sẻ của Giáo sư! Chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe!
Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Kenhtuyensinh (giaoduc.net.vn)
Bài: Trường rũ bỏ trách nhiệm khi đuổi học sinh hư