Nếu TP.HCM tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh khối 6, 7, 8 đến trường, nhiều khả năng phương án tách lớp không thể thực hiện do liên quan việc bố trí phòng học và giáo viên.
Để đảm bảo yêu cầu về giãn cách, các trường không thể tách lớp theo tỷ lệ 50-50 (một lớp học tách thành 2 phòng) mà bố trí lại sĩ số theo tỷ lệ phù hợp, đảm bảo đủ chỗ ngồi học và quy định về giãn cách học sinh. Tùy vào điều kiện thực tế, hiệu trưởng chủ động tách nhóm 3 lớp thành 4-5 phòng học.
Báo cáo của phòng GD&ĐT quận cho thấy tỷ lệ học sinh khối 9 và 12 đến trường trong các ngày đầu tiên đạt hơn 93%. Tương tự, tại quận 3, Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Đăng Khoa cho biết tỷ lệ học sinh đến trường thời điểm hiện tại đã tăng nhẹ so với 2 ngày đầu triển khai thí điểm.
Học sinh TP.HCM trở lại học trực tiếp tại trường từ 13/12 (Ảnh minh hoạ)
Tất cả trường THCS trên địa bàn đều tách đôi lớp để giảm mật độ học sinh, giáo viên phụ trách di chuyển giữa 2 phòng học được kết nối thông tin với nhau qua các công cụ trực tuyến.
Tuy nhiên, đây là phương án tạm thời trong 2 tuần thực hiện thí điểm do hiện nay mới có học sinh khối 9 đi học. Nếu TP.HCM tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh khối 6, 7, 8 đến trường, nhiều khả năng phương án tách lớp không thể thực hiện do liên quan việc bố trí phòng học và giáo viên.
Một cách làm khác, trong 2 tuần thí điểm, quận Tân Bình không triển khai tách lớp mà yêu cầu các trường đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m giữa 2 học sinh và giữa học sinh với giáo viên.
Theo đó, các trường lựa chọn phòng học có diện tích rộng, bố trí 2 dãy bàn học sát tường, chừa lối đi rộng ở giữa để đảm bảo giãn cách học sinh.
Tất cả phòng học đều công khai sơ đồ chỗ ngồi cố định theo tên học sinh. Khi có trường hợp nghi nhiễm, nhà trường sẽ tổ chức khoanh vùng và test nhanh những đối tượng có liên quan.
Ngoài ra, 100% trường công lập của quận không hoạt động căn tin, không dạy học 2 buổi/ngày trong 2 tuần thí điểm.
Hiện nay, quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm là một trong những nội dung được các trường quan tâm hàng đầu. Theo cô Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), để tránh tâm lý hoang mang cho học sinh và giáo viên, nhà trường đã ban hành Bộ công cụ nhận biết và ứng xử văn minh khi có trường hợp nghi nhiễm dành cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Theo đó, tất cả thành viên trong trường được tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết trường hợp nghi nhiễm, quy trình xử lý về y tế và cách ứng xử văn minh như không kỳ thị, tỏ thái độ tôn trọng, quan tâm, giúp đỡ người nhiễm bệnh, không lan truyền thông tin chưa chính thống...
Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm trong lớp, để tránh ảnh hưởng tâm lý giáo viên và học sinh các lớp lân cận, nhà trường sẽ linh động bố trí giáo viên phù hợp tình hình thực tế.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10), quy định phòng chống dịch bệnh hiện nay yêu cầu các trường điều chỉnh thời khóa biểu theo cấp độ dịch do UBND TP.HCM công bố hàng tuần.
Điều này là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, nhưng lại gây khó khăn trong phân bổ giáo viên và thiết kế chương trình dạy học ở các trường.
Việc thực hiện test nhanh cho học sinh và giáo viên khi phát hiện F0 trong trường vẫn chưa có quy định rõ ràng về kinh phí trang bị các bộ test cũng như nhân lực thực hiện. Đây là những vấn đề cần được sở GD&ĐT và sở Y tế hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường để dạy học trực tiếp đi vào ổn định.
> COVID-19: Lớp học đặc thù khi học sinh trở lại trường
> TP.HCM: Học sinh trở lại trường cần đảm bảo an toàn, không đặt nặng kiến thức
Theo ZING News