Sau khi mở cửa trường học trở lại, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết cần ưu tiên sự an toàn và không đặt nặng kiến thức cho các em học sinh.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) ngày đầu tiên trở lại trường
Đảm bảo 5K và giữ khoảng cách an toàn
Hôm qua ngày 13.12, học sinh (HS) lớp 9 và lớp 12 đã chính thức bước vào 2 tuần thí điểm học trực tiếp sau gần hết học kỳ 1 ngừng đến trường, thực hiện học trực tuyến. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỷ lệ HS đến trường thực tế cao hơn rất nhiều so với con số khảo sát sơ bộ mà Sở đã công bố vào ngày 8.12. Toàn TP chỉ có H.Củ Chi đề xuất lùi lại 1 tuần so với lộ trình chung.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, ngay trong ngày đầu tiên HS đến trường, Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Y tế tổ chức gần 20 đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục. Tại các nơi này, về công tác chuyên môn, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, lưu ý: “Khi HS đi học lại luôn phải đảm bảo 5K và khoảng cách. Các trường cần bố trí lớp học phù hợp để làm sao thực hiện tốt nhất 2 tiêu chí này”.
Đồng thời, người đứng đầu cơ quan y tế TP cũng nhấn mạnh: “Khi có ca F0, các trường phải bình tĩnh, không hoang mang. Bất cứ lúc nào cũng có thể liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Sở Y tế để trao đổi… Về phía phụ huynh, thời gian này cần phối hợp tốt với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để giáo dục HS ý thức phòng chống dịch, thường xuyên thông báo tình hình sức khỏe của HS và gia đình đến nhà trường để đảm bảo an toàn nhất cho các em”.
Đánh giá và rà soát lại kiến thức
Về việc thí điểm tổ chức học trực tiếp trong thời gian từ ngày 13 đến hết ngày 25.12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay các trường tập trung vào an toàn là chính, không đặt nặng vấn đề kiến thức. Giáo viên dạy trên lớp, quan sát và xử lý các tình huống, không gây hoang mang nếu có những ca nghi nhiễm.
Đề cập đến tình huống, nếu lỡ bùng phát dịch ở một trường, ông Hiếu cho hay đa số HS đã tiêm vắc xin, do vậy nhà trường cần thông tin cho HS, phụ huynh yên tâm. Khi có ca nhiễm, nhà trường thực hiện theo quy định của ngành y tế, không gây hoang mang, lớp có ca nghi nhiễm, nhà trường sẽ chuyển sang dạy và học trên internet.
Cũng theo ông Hiếu, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường tổ chức dạy học chủ yếu trên internet trong học kỳ 1, vì vậy phải rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học. Đặc biệt phải tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho HS khi bắt đầu dạy học trực tiếp.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1), cho biết nhà trường xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả đối tượng HS, đảm bảo mọi HS đều được tham gia học tập, đảm bảo tính công bằng. Cụ thể, trong thời gian này trường thực hiện song song 2 hình thức học trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, HS học trực tiếp tại trường vào 4 buổi sáng, mỗi buổi 4 tiết và tập trung cho các môn toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, tiếng Anh… Còn 4 buổi chiều, giáo viên sẽ tổ chức dạy trực tuyến, học trên các ứng dụng và một buổi chuyên đề tự chọn. Những HS không đến trường học trực tiếp sẽ tham gia học theo thời khóa biểu trực tuyến chung của lớp. Riêng các môn học theo thời khóa biểu trực tiếp, giáo viên bộ môn gửi bài trên hệ thống học trực tuyến cho HS, giáo viên hỗ trợ trong quá trình HS tiếp cận bài học.
Ngày đầu tiên có hơn 90% học sinh trở lại trườngTheo thống kê của Sở GD-ĐT, trong ngày đầu tiên đi học trực tiếp, số HS lớp 9 toàn TP đi học lại là 80.927/89.239 HS, chiếm tỷ lệ 90,69%. Lớp 12 có 60.566/ 64.695 HS (93,62%). Số HS chưa tham gia học trực tiếp đa phần thuộc diện F0, HS còn ở tỉnh, HS trong khu cách ly. Trước đó, theo khảo sát, có 80% phụ huynh đồng ý cho con đến trường. |
> TP.HCM: Huyện Củ Chi xin lùi lịch học trực tiếp dự kiến đến 20.12
> Covid-19: Quảng Ngãi dừng dạy học trực tiếp vì phát hiện ca nhiễm bệnh tại một trường học
Theo Thanh Niên