Việc trả lời trực tiếp câu hỏi "Bạn biết gì về công ty chúng tôi?" sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn lười biếng thay vì làm việc chăm chỉ.

Ứng viên nên làm gì để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?

Ứng viên nên làm gì để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?

Ông Phạm Thanh Hải, CEO JobsGO, chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn về xây dựng thông tin CV và kỹ thuật phỏng vấn với sinh viên.

TOP 7 câu trả lời bạn không nên dùng khi phỏng vấn tuyển dụng - Ảnh 1

Trang "Glass Door" liệt kê những câu trả lời không nên có trong cuộc phỏng vấn xin việc

1. Giới thiệu bản thân

"Hãy giới thiệu về bản thân bạn?"

Trả lời: Chi tiết về cuộc sống gia đình, tình hình sức khỏe hay sai sót trong công việc.

Tất cả vấn đề cá nhân có thể chống lại bạn trong cuộc phỏng vấn hoặc nếu bạn được thuê và nhà tuyển dụng không thực sự quan tâm đến những vấn đề mang tính cá nhân như vậy.

Ngoài ra, không nên nói về những sai sót trong công việc cũ. Nếu bạn được mời phỏng vấn, nhà tuyển dụng tin rằng bạn có khả năng đảm nhận công việc này nên hãy tự tin vào bản thân.

Câu trả lời thích hợp nhất trong trường hợp này là liệt kê hoặc kể chi tiết về kinh nghiệm làm việc của bạn từ trước đến nay. Hãy giải thích những kinh nghiệm này có liên quan gì đến vị trí bạn ứng tuyển hay bạn sẽ áp dụng kinh nghiệm này vào công việc mới như thế nào. Nếu còn thời gian, hãy chia sẻ về mối quan tâm và một vài sở thích cá nhân để nhà tuyển dụng có cái nhìn khái quát về bạn.

2. Kiến thức của ứng viên về công ty ứng tuyển

"Bạn biết gì về công ty chúng tôi?"

Trả lời: Tỏ ra lúng túng, tránh trả lời trực tiếp câu hỏi.

Với việc tránh trả lời trực tiếp, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không nghiên cứu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển. Họ có thể đánh giá bạn lười biếng, không nghiêm túc trong công việc hoặc ứng tuyển chỉ cho vui, từ đó có thể ngay lập tức loại bạn khỏi danh sách cân nhắc.

Trước khi tham gia phỏng vấn, dù chỉ bỏ ra 15 phút xem trang web giới thiệu của công ty, bạn đã có cái nhìn sơ lược hoặc ít nhất hiểu sơ qua về công ty và vị trí ứng tuyển. Nhưng hành động phù hợp nhất là nghiên cứu kỹ lưỡng và chi tiết về công ty cùng vị trị ứng tuyển.

Trong khi phỏng vấn, hãy mô tả sản phẩm, dịch vụ công ty cung cấp, thị trường mục tiêu và mô hình kinh doanh. Có rất nhiều thông tin quan trọng bạn có thể tra cứu trên Internet nhưng hãy tập trung vào đặc điểm chính như vậy để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn biết quan sát và có khả năng khái quát.

3. Điểm mạnh

"Điểm mạnh của bạn là gì?"

Trả lời: Kỹ năng làm việc nhóm.

Đây là câu trả lời quá rộng, không thể trình bày về điểm độc đáo cá nhân. Hơn nữa, kỹ năng làm việc nhóm hiện được coi như bắt buộc mà hầu như tất cả mọi người đều phải nắm rõ. Nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao câu trả lời này và bạn sẽ không thể tạo ấn tượng trước mặt họ.

Thay vào đó, nếu muốn nói về kỹ năng làm việc nhóm, hãy chia sẻ về cách bạn cộng tác với đồng nghiệp cũ hoặc kết nối với các bộ phận trong công ty để đem lại sản phẩm tốt nhất. Đừng quên giải thích tại sao bạn cho rằng việc hợp tác là quan trọng để phát triển cá nhân và cộng đồng.

4. Điểm yếu

"Điểm yếu của bạn là gì?"

Trả lời: Tôi là người đam mê công việc/Tôi là người cầu toàn.

Câu trả lời này đến từ ứng viên đang cố gắng chia sẻ điểm mạnh của bản thân dưới góc nhìn khác biệt với hy vọng tạo ấn tượng. Nhưng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên này không trung thực, không sẵn lòng thừa nhận điểm yếu và trình độ của bản thân. Nhà tuyển dụng muốn nói chuyện với những người biết họ là ai, họ còn thiếu cái gì và họ mong muốn cải thiện nó như thế nào.

Vì vậy, ứng viên nên trung thực với bản thân và nhà tuyển dụng. Hãy tìm hiểu trước vị trí ứng tuyển của bạn phải làm những công việc gì, có kỹ năng hoặc hoạt động nào bạn chưa làm tốt. Trong buổi phỏng vấn, bạn hãy sẵn sàng chia sẻ khuyết điểm và dự định cải thiện nó như thế nào trong tương lai. Câu trả lời lý tưởng thể hiện ứng viên là người học hỏi không ngừng, sẵn sàng tự nhận thức.

5. Vị trí của bạn trong tương lai

"Bạn sẽ ở đâu trong năm năm nữa"

Trả lời: Tôi vẫn sẽ làm ở vị trí này.

Nhiều người phỏng vấn trả lời như vậy vì tin rằng nó cho thấy lòng trung thành, cam kết tận tâm với công ty, nhưng nó có thể cho thấy bạn thiếu tham vọng. Khi hỏi câu hỏi này, nhà tuyển dụng không quan tâm bạn sẽ làm ở đâu sau năm năm mà muốn biết bạn sẽ làm gì để phát triển bản thân và công ty.

Những ứng viên thực sự muốn nhận việc sẽ biết tiến trình phát triển tự nhiên trong vai trò này hoặc tham khảo thêm cơ hội phát triển trong công ty ở những vị trí khác. Hãy giải thích cho người phỏng vấn mục tiêu của bạn, cách bạn sẽ cải thiện khả năng trong vị trí ứng tuyển. Cuối cùng, hãy nói đến việc bạn muốn giúp phát triển bộ phận và công ty từ vai trò của bản thân như thế nào. Với cách trả lời như vậy, bạn vừa có thể thể hiện sự trung thành, vừa thuyết phục nhà tuyển dụng tại sao nên lựa chọn bạn.

6. Vì sao bạn ứng tuyển vào vị trí này?

"Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?"

Trả lời: Tôi cần một công việc.

Đừng cho rằng câu trả lời thẳng thắn này sẽ thể hiện khiếu hài hước hay sự trung thực. Nếu bạn không đưa ra lý do xác đáng tại sao công ty nên thuê bạn, bạn đã mất điểm bởi có nhiều ứng cử viên khác với lý do hấp dẫn hơn đang chờ họ.

Để trả lời chính xác câu hỏi này, bạn phải nghiên cứu kỹ về công ty và đưa ra câu trả lời dựa trên nền tảng, sản phẩm hoặc thành tựu của công ty. Bạn có thể tham khảo một số câu trả lời dưới đây.

- Quý công ty là người đi đầu trong ngành... và tôi muốn được làm việc trong môi trường vượt trội, ưu việt như vậy.

- Yêu cầu (vị trí ứng tuyển) phù hợp với kỹ năng, kinh nghiệm và giá trị cá nhân của tôi.

- Tôi rất vui khi nghe quý công ty giới thiệu về mục tiêu phát triển/định hướng tương lai/mô hình làm việc. Các bạn đang làm những điều tuyệt vời và tôi chắc chắn bản thân sẽ học hỏi và phát triển ở đây.

7. Vì sao bạn là ứng cử viên sáng giá?

"Tại sao chúng tôi nên thuê bạn?"

Trả lời: Vì tôi có niềm đam mê với vị trí này.

Niềm đam mê không giúp bạn nổi bật hơn những ứng cử viên khác. Thay vào đó, câu trả lời phù hợp hơn sẽ dựa trên sự hòa hợp giữa điều bạn có và điều công ty cần. Nếu muốn thể hiện niềm đam mê, hãy trình bày về kết quả, thành tựu mà bạn mang về cho những công ty cũ hoặc bạn đã làm thế nào để phát triển bản thân vươn xa hơn trong công việc cũ.

Theo VnExpress