Nhiều THPT dự kiến sẽ tổ chức lớp học theo kiểu học tín chỉ ở cấp đại học để đáp ứng nhu cầu của học sinh và đảm bảo chất lượng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
1. Tương tự như học tín chỉ ở đại học
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 áp dụng vào bậc THPT. Đây cũng là năm học mà học sinh (HS) lớp 10, tùy theo năng lực, định hướng nghề nghiệp tương lai, lựa chọn môn học theo hình thức tổ hợp môn. Do đó, ngoài những môn học bắt buộc mà mọi HS phải hoàn tất thì các trường tổ chức những lớp học theo tổ hợp với hình thức được sắp xếp tương tự như học theo tín chỉ ở đại học (ĐH). Đến giờ học môn tự chọn theo tổ hợp nào thì HS vào lớp học môn đó chứ không còn lớp học truyền thống, cùng một thời khóa biểu.
Từ việc lựa chọn tổ hợp môn của HS 22 lớp 10, tính ra Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có đến gần 40 lớp học tổ hợp. Vì vậy ông Tô Lâm Viễn Khoa, Phó hiệu trưởng trường này, cho hay để thực hiện tốt nhất mục tiêu định hướng nghề nghiệp của CTGDPT 2018, nhà trường tổ chức việc học tổ hợp môn tự chọn của HS tương tự như hình thức tín chỉ ở bậc ĐH.
Cụ thể, ở 8 môn học bắt buộc và môn chuyên, HS sẽ học tại lớp học cố định, còn các môn tự chọn sẽ biên chế theo lớp ghép. “Trong đó lớp ghép được nhà trường chia theo 3 nhóm xã hội, nhóm chuyên tự nhiên, nhóm tự nhiên tích hợp. Trong cùng 1 nhóm lớp, thời khóa biểu của HS sẽ hoàn toàn giống nhau, tới giờ ghép, HS sẽ “chạy môn”. Lớp học cố định ở các môn bắt buộc sẽ thực hiện vào buổi sáng, các tiết học buổi chiều sẽ học theo kiểu ĐH”, ông Khoa cho biết.
Người phụ trách chuyên môn của Trường THPT Gia Định cũng cho hay việc tổ chức lớp học theo hình thức nói trên tùy thuộc vào điều kiện cơ sơ vật chất, đội ngũ nhân sự của từng trường cũng như định hướng nghề nghiệp và lựa chọn tổ hợp của HS. Thêm vào đó, các trường còn tăng cường công tác quản lý HS, giúp phụ huynh, HS an tâm khi “nhảy” lớp.
Tương tự, mô hình “học lớp 10 như học ĐH” ở một số môn học lựa chọn cũng là cách thức được Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) triển khai cho năm học đầu tiên thực hiện CTGDPT mới. Với cơ cấu 17 lớp 10 cố định và căn cứ vào nguyện vọng HS đăng ký, trường thiết kế 14 lớp hóa học, 14 lớp vật lý, 8 lớp sinh học, 5 lớp công nghệ... Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng nhà trường, nói rằng cách thức này nằm trong khả năng tổ chức của trường về đội ngũ, cơ sở vật chất, giúp giải quyết được đa dạng nhu cầu, định hướng của HS.
Tổ chức học lớp 10 như học tín chỉ đại học
2. Tạo điều kiện để HS tham gia lớp mỹ thuật hoặc âm nhạc
Còn bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), cho hay HS đã tham gia các lớp lựa chọn theo tổ hợp môn vẫn có cơ hội lựa chọn tham gia lớp mỹ thuật hoặc âm nhạc. Theo đó, chẳng hạn khi đã chọn lớp tổ hợp lý, hóa, sinh, giáo dục kinh tế - pháp luật, tin học nhưng các em lại có đam mê, năng khiếu và mong muốn được học môn mỹ thuật thay cho môn sinh học thì cũng sẽ được sắp xếp vào các lớp thuộc môn nghệ thuật tổ chức theo hình thức động. Đến giờ môn sinh học thì những HS này sẽ đến phòng học môn nghệ thuật để tham gia.
Theo bà Tâm, việc tổ chức những lớp cố định và lớp động giúp đáp ứng nhu cầu thực sự và tạo điều kiện cho HS cơ hội phát triển đam mê, năng khiếu nghệ thuật theo mục tiêu của chương trình giáo dục trên nền tảng nhà trường đáp ứng về yêu cầu phòng học, trang thiết bị và giáo viên. Tuy nhiên, để tổ chức hiệu quả cũng như tránh trường hợp HS đăng ký vì tâm lý “học cho nhẹ nhàng” thì nhà trường sẽ có khảo sát về năng khiếu cụ thể.
3. Có phương án cho HS thay đổi môn tự chọn
Trước tình huống dự báo có thể HS muốn thay đổi môn tự chọn sau một thời gian học nhận thấy tổ hợp môn mình đã chọn đầu năm học chưa phù hợp, ông Nguyễn Hùng Khương cho hay nhà trường tổ chức lớp bổ sung kiến thức. Ví dụ HS chọn tổ hợp có môn vật lý nhưng không có môn hóa học và vẫn còn phân vân thì có thể đăng ký lớp bổ sung môn hóa học hoặc các môn khác ngay đầu năm, để nếu có thay đổi thì đến giữa học kỳ 1 HS sẽ có thể đăng ký lựa chọn lại.
Hiệu phó Trường THPT Gia Định cũng cho hay nhà trường xây dựng phương án mở để hỗ trợ tối đa mong muốn của HS. “Trước hết, từ nay đến giữa học kỳ 1, từ đăng ký tổ hợp môn của mình, các em sẽ học, cảm nhận và thể hiện năng lực bản thân với lựa chọn của mình. Nếu cảm thấy không phù hợp, các em có thể thay đổi. Tuy nhiên những thay đổi của các em phải nằm trong khả năng đáp ứng của nhà trường”, ông Viễn Khoa cho biết.
Còn nếu hết năm học lớp 10, HS muốn thay đổi lựa chọn của mình thì có được cho phép? Về vấn đề này, lãnh đạo các trường THPT chia sẻ đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ cũng như của Sở GD-ĐT TP.HCM; nhưng đương nhiên HS phải có phương án học bổ sung và thực hiện các bài kiểm tra theo quy định. Lãnh đạo một trường THPT cho biết điều này chắc chắn HS sẽ có những vất vả vì những môn này học nguyên năm nhưng giờ phải hoàn tất trong 3 tháng hè. Chính vì thế, cả nhà trường và giáo viên cũng như HS phải tính toán kỹ lưỡng nếu xảy ra tình huống này.
4. Các môn học bắt buộc và lựa chọn
CTGDPT 2018 bắt đầu triển khai từ lớp 10 năm học 2022 - 2023 có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; lịch sử; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn lựa chọn gồm: địa lý; giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ; tin học; âm nhạc; mỹ thuật.
> Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thông báo kéo dài thời gian nộp lệ phí xét tuyển 2022
> Quá trình tuyển sinh đại học 2022 phức tạp khiến nhiều trường đại học bị động
Theo Báo Thanh Niên