Theo Bộ GD-ĐT ghi nhận thì nhiều thí sinh chưa biết cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng online nên đã xảy ra tình huống trượt đại học lần 1.
Theo đó, qua đường dây nóng trực tuyển sinh, Vụ Giáo dục đại học nhận được thông tin về việc một số thí sinh chưa đăng ký xét tuyển, đăng ký không đúng nguyện vọng, hoặc khi vào để thanh toán thì không thấy nguyện vọng,… Qua kiểm tra, các thí sinh này đều chưa thực hiện đúng, đủ, hết quy trình, nhiều thí sinh không nhập mã OTP để xác nhận, không lưu thông tin; có thí sinh lại đăng ký nguyện vọng vào thời gian thử nghiệm. Tình huống khác là các thí sinh sau khi đăng ký xong không thoát khỏi chương trình sau đó đăng nhập lại để kiểm tra. Đây là bước cuối cùng và là bước bắt buộc.
Về việc đăng ký xét tuyển, theo Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, các trường THPT, các thầy cô, các cơ sở giáo dục và các phương tiện truyền thông… đã nỗ lực hết sức để thông báo, hướng dẫn thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển tuy nhiên vẫn có một số thí sinh mắc lỗi. Vụ Giáo dục Đại học hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở đào tạo đối với các khiếu nại như trên thống nhất trả lời với thí sinh là sẽ không có bất cứ phương án nào được xem xét và giải quyết khi hệ thống đã đóng.
Lỗi đăng ký nguyện vọng nên thí sinh trượt đại học đợt 1
Về việc thu lệ phí xét tuyển, thí sinh vào chức năng thanh toán lệ phí trên hệ thống. Hệ thống chỉ thanh toán đối với các nguyện vọng có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển; các phương thức khác không thu trên hệ thống này. Thí sinh khi vào giao diện thanh toán sẽ hiện ra số tiền phải thanh toán, nếu thí sinh chỉ sử dụng phương thức khác để xét tuyển thì giao diện thông báo để trống có nghĩa là không phải nộp.
Theo kế hoạch phân luồng để thanh toán, hiện thí sinh ở một số tỉnh đã hoặc sắp hết thời gian thanh toán mà vẫn chưa thanh toán được, các đơn vị hướng dẫn thông báo để thí sinh tiếp tục vào thực hiện thanh toán. Trường hợp giao dịch bị lỗi phải chờ kiểm tra, đối soát các đơn vị thông báo để thí sinh yên tâm, hệ thống vẫn tiếp tục mở để thí sinh thực hiện xong nghĩa vụ nộp lệ phí đến khi có thông báo mới.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc thay đổi quy định đăng ký nguyện vọng sẽ có thể dẫn tới thí sinh không nắm vững quy định, thực hiện sai thao tác. TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - đã phân tích một trong số nguyên nhân có thể dẫn đến số lượng hơn 325.000 thí sinh chưa nhập nguyện vọng xét tuyển đại học là do quy định rối rắm, thay đổi và chưa hoàn chỉnh.
Ông Nghĩa cho rằng, một yếu tố tác động khác là sự rối rắm ở đây xuất phát từ việc quy chế tuyển sinh và hướng dẫn thực hiện quy chế được ban hành quá muộn sau khi hầu hết các trường đã triển khai nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển và xét tuyển theo các phương thức khác như xét theo học bạ THPT, ưu tiên xét tuyển hoặc xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Những thông tin truyền thông từ Bộ GDĐT đều nhấn mạnh, năm 2022, việc đăng ký xét tuyển sẽ thực hiện sau khi thi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, thí sinh phải thực hiện 3 lần đăng ký “bắt buộc”: Lần đầu (từ ngày 4.5 đến ngày 13.5), thí sinh phải đăng ký dự thi, đồng thời có đăng ký xét tuyển.
Lần hai (có thể trước hoặc sau lần đầu), thí sinh phải đăng ký tại trường đại học (Bộ GDĐT quy định xét tuyển là nhiệm vụ của các trường, bộ chỉ “hỗ trợ” lọc ảo chung các phương thức).
Lần ba, tất cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển tại trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng phải đăng ký lại trên hệ thống xét tuyển chung (từ 22.7 đến 20.8). Chưa kể, trên thực tế còn có lần đăng ký thử nghiệm và thông tin tuyển sinh thay đổi liên tục khiến thí sinh khó bám sát thông tin.
> Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thông báo kéo dài thời gian nộp lệ phí xét tuyển 2022
> Quá trình tuyển sinh đại học 2022 phức tạp khiến nhiều trường đại học bị động
Theo Báo Lao Động