Thông tin từ Bộ GD-ĐT, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 50% thí sinh thực hiện nhập nguyện vọng xét tuyển, trong khi đã qua 2/3 thời gian để đăng ký. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này rất đáng lo ngại.
1. Đừng để đến những ngày cuối mới đăng ký
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết chỉ còn 9 ngày nữa để đăng ký nguyện vọng nhưng đến thời điểm này, mới có khoảng 50% thí sinh thực hiện nhập nguyện vọng xét tuyển. Ông Hải gọi đây là điều rất đáng lo.
Theo tiến sĩ Hải, điểm khác trong lộ trình xét tuyển vào đại học của năm nay là Bộ GD-ĐT đã tách việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào 2 thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, năm nay thay đổi về mặt kỹ thuật xét tuyển nên kéo dài thời gian đăng ký xét tuyển từ 22.7-20.8.
“Thời gian để các em đăng ký là quá dài (1 tháng) nên các em nghiên cứu nhiều hơn, tham khảo nhiều nguồn thông tin hơn, cũng vì thế mà các em còn chậm trong việc đăng ký, nhưng trong tuần này tôi tin các em sẽ tập trung đăng ký rất nhiều. Nhưng không nên để đến những ngày cuối mới đăng ký, vì nhiều em cùng đăng ký thì dễ có nguy cơ rủi ro về mặt kỹ thuật, sẽ ảnh hưởng đến việc đăng ký, như đăng ký xong nhưng không lưu được… Tôi khuyên các em nên bắt đầu rà soát và đăng ký nguyện vọng từ đây đến 17.8, không nên để quá trễ”, tiến sĩ Hải khuyên và lưu ý thí sinh sau ngày 20.8, tức từ 21.8 - 28.8, tất cả thí sinh đã đăng ký nguyện vọng trên hệ thống thì phải sắp xếp lại các nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển, nếu không nộp lệ phí thì coi như không tham gia xét tuyển trong kỳ tuyển sinh này.
Đến thời điểm này vẫn chưa đăng ký nguyện vọng thì có đáng lo ngại?
Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng bày tỏ lo ngại khi mới có khoảng 50% thí sinh thực hiện nhập nguyện vọng xét tuyển. "Một là các bạn đang chờ đợi, cân nhắc và suy xét lại sau khi các trường công bố điểm sàn. Hai là thí sinh quên. Đáng lo ngại là nhiều bạn trúng tuyển bằng các phương thức sớm không biết mình phải lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT để đăng ký", ông Nhơn nói.
Theo ông Nhơn, từ bây giờ đến 20.8, còn vài ngày để quyết định, nên đối với những bạn đã trúng tuyển sớm bằng những phương thức khác ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT thì phải lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT để đăng ký; nên đăng ký trên máy tính để dễ thao tác hơn, chuẩn bị đường truyền internet tốt và ghi ra đầy đủ trên giấy trước sau đó mới nên nhập vào hệ thống.
“Có 4 mã mà các bạn lưu ý là mã trường, mã ngành, mã phương thức và mã tổ hợp, các bạn phải ghi tuyệt đối chính xác 4 mã này. Sau khi liệt kê ra một danh sách tối ưu hóa nhất thì các bạn đăng ký vào hệ thống. Đăng ký xong cứ tưởng là xong, nhưng không phải như vậy, các bạn phải thực hiện lưu thông tin, rồi xác nhận đăng ký (thực hiện tin nhắn trên điện thoại để nhận mã OTP) và sau đó thử thoát ra đăng nhập lại để xem nguyện vọng đăng ký đã được lưu chưa. Thí sinh có quyền thay đổi, xóa bớt nguyện vọng… đến 17 giờ ngày 20.8. Đến ngày 21.8 trở đi thì bắt đầu sắp xếp nguyện vọng và nộp lệ phí”, thầy Nhơn lưu ý.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng đặc biệt nhắc lại thí sinh: “Không nên đăng ký nhiều ngành khác nhau ở nhiều nguyện vọng khác nhau. Phải chọn ngành nào mong muốn nhất ở nguyện vọng đầu tiên vì hệ thống sẽ xét nguyện vọng 1 trước rồi mới đến các nguyện vọng tiếp theo. Và một điều đặc biệt lưu ý là phải lưu lại hồ sơ mình đăng ký ở phiên bản cuối cùng, để xác nhận nhập học. Đừng bao giờ để đến ngày cuối cùng vì khả năng rủi ro rất cao”.
2. Đăng ký nguyện vọng như thế nào để thông minh?
Trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH cũng nhìn thấy được dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường mình, nên tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, có một số lưu ý: “Thứ nhất, chúng tôi thấy hơi hoang mang một chút, các em chọn nhiều ngành có sự chênh lệch nhau quá lớn. Thứ hai là các em xếp thứ tự nguyện vọng, có thể bị nhầm lẫn mã phương thức tuyển sinh, hoặc bước 1 đăng ký các ngành lên trước mà chưa sắp xếp. Có em bị nhầm mã phương thức tuyển sinh. Chúng tôi cũng có một chút lo lắng, các em nên kiểm tra lại, kẻo quên mất. Thứ ba là, với khối ngành sức khỏe, các em để nguyện vọng 1 nhưng điểm lại dưới điểm sàn, như thế là các em không trúng tuyển rồi. Các em nên xem điểm sàn đã được công bố, để tránh đăng ký nguyện vọng khi điểm của mình dưới điểm sàn”.
Hiện nay, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, với khoảng 50% thí sinh đã nhập nguyện vọng thì trung bình mỗi thí sinh đăng ký trên 4 nguyện vọng. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng con số này khá là đẹp, khá ổn định. Trên phần mềm tuyển sinh, thấy có em đăng ký dàn trải, trên 10 nguyện vọng, ở nhiều ngành học khác nhau. Thạc sĩ Tư vẫn đánh giá những em chọn 4-5 nguyện vọng là phù hợp và cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng. "Các em chọn 1-2 nguyện vọng thì lại chủ quan. Cuộc chơi tuyển sinh năm nay có rất nhiều bất ngờ, nên các em cũng cần cẩn thận. Hãy tự tính toán, nên có những phương án dự phòng, cho điểm lùi của mình, để không rơi vào “thế kẹt”, không được đậu ngành muốn học", ông Tư chia sẻ.
“Có em bảo “sao em đăng ký rồi mà không thấy có”, có thể là các em không thống nhất số điện thoại, thẻ căn cước ở trên tài khoản đăng ký và số điện thoại nhận OTP. Sợ nhất những bạn đăng ký quá nhanh, từ lúc mở ra đã đăng ký rồi thôi. Nhưng cũng sợ không kém là những bạn để quá gấp gáp rồi mới đăng ký, ví dụ 17 giờ hết hạn mà 16 giờ mới vào đăng ký, rồi mạng lại bị chập chờn thì cuống cuồng, hoảng loạn tâm lý”, thạc sĩ Tư lưu ý.
Trước câu hỏi nên chọn ngành hay ưu tiên chọn trường trước, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng phải chọn ngành mình mong muốn học, rồi đến chọn trường. Ngành chọn trước vì nó là nghề mình đi theo sau này.
“Đừng suy nghĩ là chọn ngành A để được học vào trường đó rồi sau đó sẽ chuyển qua ngành mình yêu thích, không nên như thế vì việc chuyển ngành rất khó khăn. Nên lời khuyên là các em nên chọn ngành rồi chọn trường thì thứ tự sắp xếp các nguyện vọng sẽ dễ hơn. Các em cũng có thể chọn các ngành gần với ngành đó mà tỷ lệ chọi thấp hơn, rồi trong quá trình học có thể học thêm một ngành nữa”, tiến sĩ Hải khuyên.
Nhiều thí sinh bây giờ còn hoang mang chưa biết chọn ngành gì và yêu thích ngành nào, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho rằng thà băn khoăn còn hơn không lo lắng gì.
“Có những cái bạn lựa chọn bây giờ là đúng, nhưng vài năm sau lại thấy không đúng nữa, đó là bình thường. Đừng chọn hên xui, chọn công việc theo cách bốc thăm chơi xổ số, thời điểm bây giờ rất quan trọng”, thạc sĩ Tư chia sẻ và cho biết nếu thời điểm này bạn hoang mang thì cũng là bình thường, vì bây giờ bạn đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời. Trên giảng đường ĐH cũng có người bị bỏ lại phía sau thì cũng là điều bình thường, nếu bạn không hòa nhập được, bạn cần phải xây dựng hành trình nghề nghiệp tương lai của mình thế nào, bạn cũng cần xây dựng.
“Bạn phải làm chủ trong việc quyết định tương lai, đừng để chiều nay 16 giờ uống trà sữa xong với bạn thì quay về đổi ý định nguyện vọng. Có những bạn lên giảng đường ĐH vẫn hát bài “Hoang mang” hay sau 4 năm vẫn hát bài “Không lối thoát”. Làm sao để tiến cũng là tiến chủ động, lùi cũng là lùi chủ động, hãy chuẩn bị cho mình những phương án dự phòng. Đừng trông chờ vào xét tuyển nguyện vọng bổ sung, vì xét tuyển năm nay trễ và nó không nhiều”, thạc sĩ Cao Quảng Tư nhấn mạnh.
Trước câu hỏi đăng ký nguyện vọng như thế nào là thông minh, ông Nhơn cho rằng: “Theo tôi sự thông minh ở đây là phù hợp nhất với mình. Đó là sự phù hợp về năng lực của bản thân, sau đó mới đến yếu tố sở thích, đam mê và một tiêu chí nữa là tiềm lực của gia đình (truyền thống gia đình, tiềm lực về tài chính), cuối cùng là dựa trên nhu cầu của xã hội”.
> Học sinh TP.HCM tựu trường ngày 22-8, riêng mầm non ngày 31-8
> Tổ hợp môn học trong chương trình giáo dục phổ thông lớp 10
Theo Báo Thanh Niên