Từ ngày 22/7 - 20/8 là khoảng thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình mỗi thí sinh đã đăng ký 4,22 nguyện vọng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều đến từ việc học phí tăng, điều này trở thành áp lực với các tân sinh viên.

Trung bình mỗi thí sinh đã đăng ký 4,22 nguyện vọng xét tuyển đại học - Ảnh 1

Lí do này khiến các học sinh lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng?

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, tính đến 12h ngày 10/8, cả nước có trên 939.000 thí sinh đăng ký xét tuyển. Trong đó, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là gần 472.000, tổng số lượng nguyện vọng là gần 2 triệu. Trung bình mỗi thí sinh có 4,22 nguyện vọng.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thông tin, năm 2022, quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT lần đầu tiên quy định với tất cả phương thức xét tuyển, dù vào ngành nào, trường nào, thí sinh đều phải đăng ký nguyện vọng của mình lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, bất kể theo phương thức nào.

PGS Thủy lưu ý, tuy các phương thức xét tuyển rất đa dạng nhưng nếu thí sinh sắp xếp theo đúng logic, trật tự nhất định, mọi việc sẽ rất đơn giản. Theo đó, ở mỗi ngành học, ngôi trường thí sinh yêu thích sẽ có một số phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu cảm thấy phương thức này chưa có nhiều cơ hội trúng tuyển, các em có thể chọn phương thức khác vẫn của ngành đó. Hiện các trường đã phân bổ số chỉ tiêu nhất định cho từng phương thức.

Khi đã trúng tuyển đợt xét tuyển sớm của một trường đại học (trúng tuyển có điều kiện), nếu như thực sự mong muốn vào ngành đó, trường đó, thí sinh có thể yên tâm đặt lên nguyện vọng 1 (NV1) và chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Tuy nhiên, nếu các em vẫn thích một ngành khác, trường khác thì đừng lo lắng mà hãy đặt nguyện vọng yêu thích lên làm NV1 để tăng cơ hội trúng tuyển vào môi trường mong muốn. Những nguyện vọng phía sau cũng nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nói trên.

"Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng, như vậy cơ hội của các em rất cao. Chỉ có điều khi các em đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn, rõ ràng những nguyện vọng khác không còn giá trị nữa. Lúc đó không thể kiện cáo ai rằng tại sao không thể trúng tuyển NV5 mà lại trúng NV3, đó là do thứ tự ưu tiên nguyện vọng các em lựa chọn", PGS Thủy nói.

Khi lựa chọn nguyện vọng, thí sinh cần đăng nhập vào tài khoản mình đã được cung cấp từ khi dự thi tốt nghiệp THPT. Sau này, duy nhất một nguyện vọng trúng tuyển sẽ được công bố trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Đối với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT những năm trước), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, các em cần liên hệ với điểm tiếp nhận tại các địa phương để có được tài khoản giống như thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay. Khi đăng nhập vào hệ thống, các em sẽ lập tức thấy phần hướng dẫn đăng ký nguyện vọng và phải thực hiện đầy đủ quy trình theo hướng dẫn.

Năm nay, mọi đăng ký tuyển sinh đều được thực hiện trực tuyến, do vậy các em không còn cách nào khác là phải có tài khoản này. Nếu khó khăn vướng mắc, thí sinh có thể liên hệ với đường dây nóng của Bộ GD&ĐT để được giải đáp.

PGS Thủy cũng lưu ý thêm, nếu chưa trúng tuyển những nguyện vọng cao và trúng tuyển ở nguyện vọng xếp vị trí sau, thí sinh không mất đi quyền lợi nào so với các bạn khác đăng ký vào cùng ngành đó, trường đó nhưng xếp nguyện vọng cao hơn.

Tuy nhiên, các em đã trúng nguyện vọng phía trên sẽ không được xét đến nguyện vọng dưới. Bởi vậy, thí sinh phải nghiên cứu rất kỹ, từ tổ hợp xét tuyển đến mã ngành, mã trường; việc đăng ký phải chính xác, không có sai sót. "Một khi đã xếp đúng, các em yên tâm sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng tốt nhất có thể", PGS Thủy nói.

Nhiều trường tăng học phí, thí sinh chuyển hướng, điều chỉnh nguyện vọng

Với các sinh viên đại học, còn khoảng 10 ngày nữa là thời hạn đăng ký nguyện vọng, các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển. Thế nhưng, sau khi các trường công bố mức học phí, mức tăng khá cao ở một số trường là lý do khiến nhiều thí sinh phải chuyển hướng, điều chỉnh nguyện vọng. Học phí trở thành gánh nặng đối với những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và những sinh viên ở các tỉnh lên thành phố ở trọ.

Em Hồ Ngọc Đăng Khoa là sinh viên năm nhất trường ĐH Sài Gòn. Học giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không vào học được trường mình yêu thích vì học phí cao. Thay vào đó, em quyết định chọn ngành có mức học phí khoảng 20 triệu/năm. Năm nay, dự kiến trường sẽ điều chỉnh tăng học phí, em và gia đình không tránh khỏi lo lắng.

"Năm nay trường em tăng 10-20%, gây ít khó khăn cho tụi em vì thu nhập tụi em thấp, không có, nên tăng học phí tụi xem không xoay xở được", em Đăng Khoa chia sẻ.

Với học sinh vừa tốt nghiệp THPT, đây là lúc phải lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng vào trường phù hợp thay vì ngành và trường mơ ước.

Em Lê Thị Thùy, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bố mẹ em buôn bán nhỏ lẻ, không có khả năng chi trả học phí cho em. Em mong nhận được hỗ trợ từ ngân hàng, nhà trường, hoàn thành học tập tốt và sau này ra trường em có thể trả lại".

Một số trường điều chỉnh tăng học phí năm học này từ 5-40%. Thậm chí có những khoa chất lượng cao, mức học phí có thể lên đến vài trăm triệu/năm. Trong khi đó, thủ tục vay vốn ngân hàng còn là rào cản với nhiều sinh viên vì điều kiện áp dụng chỉ dành cho hộ nghèo và cận nghèo. Đồng thời, mức vay cũng không đủ chi phí cho sinh hoạt của sinh viên.

Em Võ Tiến Hiệp, sinh viên khoa Điện - Điện tử - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nếu vay hàng tháng 3-4 triệu không thể đáp ứng đủ trang trải chi phí học tập và trang trải cuộc sống hàng ngày ở đây"

Theo Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập: "Sinh viên phải được vay số tiền đi học đủ cho 4-5 năm học đại học, sau đó trả dần trong thời hạn 5-10 năm hoặc 20 năm tiếp. Số tiền vay phải bằng học phí, trang trải chi phí sinh hoạt".

Theo các chuyên gia, các trường tự chủ tài chính cần có cơ chế minh bạch tài chính, bao nhiêu % học phí trích ra trong quỹ học bổng cho sinh viên để xã hội có thể giám sát. Đồng thời nên tạo quỹ học bổng mở để thu hút tài trợ giúp sinh viên thêm cơ hội vào đại học. Cần mở rộng đối tượng gói hỗ trợ vay theo nhu cầu, mức phí vay đáp ứng đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt thực tế ở thành phố lớn.

Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục hoàn thành mục tiêu kép

Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành.

Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

"Để ứng phó với dịch COVID-19 bùng phát trở lại, ngành Giáo dục đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục. Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những 'nút thắt', tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Tiếp tục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển; tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ giáo dục nói chung", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ GD&ĐT sẽ trình bày báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022, phương hướng nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Hội nghị cũng sẽ lắng nghe tham luận, trao đổi từ các đại biểu trung ương, địa phương, qua đó cùng thống nhất các giải pháp triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học mới, cũng như các năm tiếp theo.

Học sinh TP.HCM tựu trường ngày 22-8, riêng mầm non ngày 31-8

Tổ hợp môn học trong chương trình giáo dục phổ thông lớp 10

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp