Theo kế hoạch tuyển sinh của TP HCM, học sinh lớp 9 sẽ đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 công lập đến hết ngày 10/5. Học sinh được yêu cầu lựa chọn tổ hợp môn để đăng ký.
Thiếu giáo viên, nhà trường chỉ có thể đáp ứng 4-8 tổ hợp môn lựa chọn thay vì 108 nếu triển khai đúng chủ trương chương trình phổ thông lớp 10 mới.
Theo kế hoạch tuyển sinh của TP HCM, học sinh lớp 9 sẽ đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 công lập đến hết ngày 10/5. Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường công bố kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có tổ hợp môn học để các em đăng ký.
Ở chương trình mới, học sinh học tất cả 12 môn. Trong đó, bảy môn và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Năm môn lựa chọn được lấy từ ba nhóm (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Tổ hợp môn học trong chương trình giáo dục phổ thông lớp 10
Theo lý thuyết, học sinh có 108 lựa chọn tổ hợp môn nhưng phần lớn trường chỉ đưa ra 4-8 phương án. Với chỉ tiêu 340 học sinh lớp 10, THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tổ chức bốn tổ hợp. Ngoài Giáo dục kinh tế - pháp luật và Tin học, mỗi tổ hợp có các môn Lý, Hóa, Sinh/ Lý, Sử, Địa/ Hóa, Sinh, Địa/ Sinh, Sử, Địa.
Việc sắp xếp tổ hợp môn ở trường Lương Thế Vinh tương ứng với các tổ hợp xét tuyển đại học thông dụng. Trường còn tổ chức một phương án cho lớp tích hợp, gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử cùng Tin học hoặc Nghệ thuật.
Tại THPT Lê Quý Đôn, nhà trường xây dựng bốn tổ hợp nhóm Khoa học tự nhiên, ba tổ hợp Khoa học xã hội. Trường cho học sinh chọn hai nhóm theo diện ưu tiên 1 và ưu tiên 2. Sau khi tuyển sinh, trường sẽ xếp lớp theo nguyện vọng đăng ký và điểm trung bình các môn lớp 9 của học sinh theo nhóm môn đã chọn.
THPT Nguyễn Du (quận 10) cho học sinh nhiều lựa chọn hơn với tám tổ hợp môn học. Trong đó, bảy tổ hợp với các môn cụ thể, tổ hợp còn lại do học sinh và phụ huynh đề xuất.
Tương tự, THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) xây dựng tám tổ hợp, mỗi học sinh được chọn hai nguyện vọng. Nếu có tổ hợp ít học sinh đăng ký, trường sẽ tư vấn để các em đổi sang tổ hợp khác nhưng phù hợp sở thích. "Điều tôi băn khoăn nhất là sau một năm học, nhiều em cảm thấy không phù hợp và lại muốn đổi tổ hợp thì sẽ giải quyết như thế nào?", Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo nói.
Ở khối giáo dục thường xuyên, dù Bộ chưa ban hành chương trình khung, nhiều trung tâm cũng bắt tay xây dựng tổ hợp. Thầy Đỗ Minh Hoàng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An cho biết nhà trường chọn bốn môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Tin học. Hai tổ hợp môn lựa chọn gồm lớp định hướng Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Địa); Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật và Sinh). Trung tâm đã dạy thử nghiệm chương trình mới, học sinh khá hào hứng đón nhận.
Với cụm chuyên đề, các trường cũng đưa ra các gợi ý thay vì để học sinh tự chọn ba chuyên đề trong số các môn Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Có trường "chỉ định" ba cụm chuyên đề gắn với tổ hợp môn lựa chọn.
Khó khăn lớn nhất của các trường khi xây dựng tổ hợp là thiếu giáo viên, nhất là ở môn Nghệ thuật, Tin học.
THPT Thanh Đa tổ chức sáu tổ hợp môn tự chọn cho hai khối Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội nhưng không có Mỹ thuật, Âm nhạc do thiếu giáo viên. Tương tự, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An thiếu người dạy Tin học và đang đề xuất tuyển thêm nhân sự ở các môn lựa chọn.
Tại THPT Nguyễn Du, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú cho biết, sau khi rà soát, trường không đủ giáo viên Thể chất, Hướng nghiệp và Giáo dục địa phương. Với môn Nghệ thuật, trường ký hợp đồng với một giáo viên ở trường nghệ thuật.
Theo thầy Phú, vì thiếu giáo viên, phương án tổ chức dạy lớp 10 chưa đúng tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới. "Lẽ ra, học sinh phải được chọn môn mình yêu thích và nhà trường phải đáp ứng thì nay ngược lại, trường đề xuất và học sinh chọn", thầy Phú cho biết.
Thầy Phú đề xuất giao quyền tuyển dụng cho trường THPT nhằm bổ sung gấp nhân sự. Với môn Nghệ thuật, cần có cơ chế để các trường ký hợp đồng thỉnh giảng với giảng viên các trường cao đẳng, đại học hoặc giáo viên bậc THCS.
Vấn đề nhân sự thực hiện chương trình mới cũng là một trong những kiến nghị chính sách đặc thù về giáo dục của TP HCM. Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 25/4, Phó chủ tịch TP HCM Dương Anh Đức đề nghị Bộ cho Đại học Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên đặc thù như Tin học, Nghệ thuật; đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Trung, Tiếng Pháp đáp ứng chương trình mới.
Thành phố cũng đề xuất cho nhân sự có bằng cử nhân chuyên ngành Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2 nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Các trường sẽ bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng.
> Bộ GD-ĐT: 'Sắp xếp môn lịch sử trong chương trình giáo dục phù hợp xu hướng quốc tế'
> Sở GD-ĐT TP.HCM lên tiếng khi phụ huynh tăng chỉ tiêu lớp 10 tiếng Đức
Theo VnExpress