Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trong năm học mới, đặc biệt với các môn mới ở cấp tiểu học.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng một số địa phương đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị đội ngũ thực hiện các môn học mới ở cấp tiểu học cũng như yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày.
Việc tuyển dụng giáo viên (GV) khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: không có biên chế để tuyển dụng; có biên chế nhưng không tuyển được do GV không đủ điều kiện về trình độ đào tạo hoặc không có cơ chế thu hút.
Việc thực hiện xã hội hóa để có nguồn kinh phí trả lương GV hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn một số khó khăn khác như: nhiều địa phương chưa thực sự nỗ lực tìm các giải pháp và linh hoạt để triển khai môn học; các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng gây khó khăn cho công tác bố trí GV dạy; một số trường 100% là HS dân tộc thiểu số trong khi GV tiếng Anh là người dân tộc Kinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập…
Thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới: Bộ GD-ĐT nói gì?
Chủ trương chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là phải đảm bảo 100% HS lớp 3 được học môn tiếng Anh và môn tin học, không để bất kỳ cơ sở giáo dục tiểu học nào vì thiếu GV mà không triển khai dạy học đủ các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về giải pháp cấp bách cho năm học này, ông Tài cho biết Bộ đã yêu cầu sở GD-ĐT các địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng GV hợp lý, hiệu quả; đồng thời có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ GV dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm giáo dục toàn diện HS; khắc phục tình trạng thiếu hoặc bố trí, sử dụng GV không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo đối với cấp tiểu học; thực hiện điều tiết GV từ nơi thừa sang nơi thiếu; ưu tiên biên chế để tuyển dụng GV cho những môn học mới.
“Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ GV theo định mức cần có các giải pháp hợp đồng theo Nghị quyết số 102 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương để đảm bảo “có HS thì phải có GV”, ông Tài nói.
Để tránh tình trạng “ăn đong”, Vụ trưởng Thái Văn Tài cho hay Bộ cũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện các giải pháp để đảm bảo đội ngũ GV tiếng Anh, tin học dạy tiểu học lớp 4 cho năm học 2023 - 2024, cụ thể: rà soát số lượng GV hiện có, xác định số lượng GV cần có; xác định lộ trình cụ thể để bố trí đủ GV (tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái); chủ động nguồn tuyển dụng GV thông qua hình thức đào tạo mới, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Ông Thái Văn Tài cũng đề nghị các địa phương phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng GV bằng các hình thức khác nhau như: GV dạy các môn học mới, đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp ĐH chuyên ngành phù hợp muốn trở thành GV để đáp ứng kịp thời nhu cầu.
> Trung bình mỗi thí sinh đã đăng ký 4,22 nguyện vọng xét tuyển đại học
> Hàng trăm thí sinh tự do gặp khó khăn trong việc xét tuyển
Theo Báo Thanh Niên