Do năm nay thay đổi quy định xét tuyển, nhiều thí sinh tự do vì không cập nhật, theo dõi thông tin nên đã bỏ lỡ việc đăng ký tài khoản, dẫn đến không có tài khoản để đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
1. Nhờ trường ĐH tư vấn, hỗ trợ
Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trong những ngày qua có hơn 200 lượt thí sinh (TS) tự do liên hệ nhờ cán bộ tuyển sinh của trường hỗ trợ về việc không có tài khoản để đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, do không nắm được sự thay đổi của quy chế năm 2022. "Trong đó có nhiều TS không biết phải tìm nơi nào để được hỗ trợ, có những trường hợp TS đang ở TP.HCM phải đi về quê tận miền Trung, miền Bắc... theo địa chỉ thường trú để làm thủ tục. Nhóm TS này thường là những em đang là sinh viên các trường ĐH khác, muốn đổi ngành, đổi trường trong năm nay. Các em căn cứ theo cách thức xét tuyển của năm ngoái mà không lường trước được sự thay đổi trong năm nay", ông Nhơn nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng thông tin thời gian qua có nhiều TS tự do gọi đến trường nhờ hỗ trợ do chưa có tài khoản để đăng ký xét tuyển.
"Những năm trước TS tự do không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp thì không cần phải đăng ký nguyện vọng lên cổng thông tin của Bộ. Các em xét học bạ nếu đủ điểm đậu là nhập học. Năm nay các em tham gia các phương thức xét tuyển sớm, trúng tuyển có điều kiện rồi vẫn phải có tài khoản để đăng ký nguyện vọng. Tuy nhiên việc cấp tài khoản lại chỉ trong một thời gian nhất định. Không có kênh thông tin để cập nhật sự thay đổi quy chế, các em cũng không biết mình cần đến đâu để đăng ký tài khoản nên nhiều TS gặp rắc rối", thạc sĩ Khang nói.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cũng cho hay có một số TS không biết sự thay đổi quy định nên không đăng ký tài khoản dù thời gian xét tuyển đã diễn ra.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nhìn nhận: "Thực sự năm nay TS tự do gặp nhiều khó khăn vì không có thông báo, chỉ đạo và hướng dẫn gì cả. Các em muốn tìm hiểu thì phải tìm đọc trên báo. Thời gian qua trung tâm chúng tôi phải lập một nhóm zalo cho các TS tự do để hỗ trợ trong thẩm quyền khi các em cần. Nhiều em đến giờ chưa có tài khoản do không để ý thời gian, đã nhắn vào group và chúng tôi cùng các em phải canh khi nào Bộ mở hệ thống là nhanh chóng thao tác để mở tài khoản cho các em".
Hàng trăm thí sinh tự do gặp khó khăn trong việc xét tuyển
2. Thí sinh cần chủ động hơn?
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tại TP.HCM TS tự do có thể đến tất cả các trung tâm giáo dục thường xuyên để được cung cấp thông tin mở tài khoản. Đến nay Sở GD-ĐT đã cấp tài khoản cho hơn 6.000 TS tự do. Tuy nhiên, theo ông Minh, thời điểm hiện tại nếu em nào chưa có tài khoản thì đến trung tâm Q.10 để được hỗ trợ, các trung tâm khác đã hết tiếp nhận.
"Khi các em đăng ký xét tuyển bằng học bạ hoặc các phương thức xét tuyển sớm tại các trường ĐH, các em đều đã đọc quy định xét tuyển là phải có tài khoản để đăng ký lên hệ thống chung của Bộ. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã dán thông báo hướng dẫn. Đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi xét tuyển, các em cũng nên chủ động tìm hiểu kỹ để tránh mất quyền lợi", ông Minh chia sẻ.
Theo ông Võ Ngọc Nhơn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã liên lạc nhiều nguồn, nếu biết nơi nào vẫn còn hỗ trợ cấp tài khoản cho TS tự do thì hướng dẫn TS đến những nơi đó, đồng thời nhắc các em chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để tránh mất công đi lại nhiều lần. Các giấy tờ cần thiết bao gồm mẫu phiếu đăng ký thông tin cá nhân, CMND/CCCD bản sao công chứng, học bạ THPT bản sao công chứng và bằng tốt nghiệp THPT bản sao công chứng để đối chiếu khi cần.
"Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên cho phép cấp tài khoản liên tục cho TS tự do, không quy định khoảng thời gian cụ thể như vừa rồi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em. Nhiều TS không cư trú tại địa phương, đa số lại không nắm được thông tin vì quá gấp, chưa kể không có hướng dẫn nào cụ thể cho đối tượng này", ông Võ Ngọc Nhơn cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang nêu thêm vướng mắc mà các TS tự do gặp phải là mỗi tỉnh lại quy định điểm tiếp nhận đăng ký tài khoản khác nhau. Có nơi là ở trung tâm giáo dục thường xuyên, nơi ở trường THPT, nơi ở Sở GD-ĐT, nơi lại ở trung tâm ngoại ngữ tin học và bồi dưỡng cán bộ quản lý...
"Vì thế, đúng ra trên trang web của Bộ nên có mục thông báo hướng dẫn dành cho TS tự do, đồng thời đăng tải toàn bộ danh sách các địa điểm tiếp nhận đăng ký tài khoản để các em có một kênh thông tin chính thức, tránh tình trạng khi cần thì không biết hỏi ở đâu", thạc sĩ Khang đề xuất.
> Đăng ký nguyện vọng xét tuyển: Tưởng trúng tuyển nhưng coi chừng lại… rớt
> Thí sinh bị điểm 0 vì ngủ quên trong giờ thi: Giám thị nghiêm túc hay vô cảm?
Theo Báo Thanh Niên