Sự kiện: Tiếng anh, Ngoại ngữ, Trung tâm anh ngữ

Tin liên quan:

 

Trước đây, tiếng Anh là môn học chưa được xem trọng. Ngày nay, tiếng Anh như chìa khóa vạn năng để mở kho tàng tri thức nhân loại. Là những người gắn bó với việc giảng dạy tiếng Anh, dù là người đi trước hay đến sau họ đều mang trong mình những “dấu ấn” riêng về thứ ngôn ngữ này.

Người từng sợ học trò nhỏ

Thất bại lớn nhất trong 18 năm đi dạy của cô đó là không dạy được tiếng Anh cho các em học sinh tiểu học. Điều đó như một mâu thuẫn bởi không ít người cho rằng tiếng Anh tiểu học có khó gì đâu mà không dạy được. Song ở cô, sự thất bại không phải do trình độ chuyên môn kém hay giỏi mà ở cái duyên dẫn dắt của người thầy. Việc giúp các em ổn định chỗ ngồi là hết sức khó khăn, khiến cô khó mang đến những tiết học hiệu quả. Đó là sự thất bại. Cô là Vũ Mỹ Lan, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường THPT chuyên Lê  Hồng Phong (Q.5).

giohoctienganhtaitrungtamIlavietnam

Minh họa: Tiếng anh trong trường học

 

Cô chia sẻ: “Học tiếng Anh không cần thông minh, chỉ cần hứng thú. Điều này tạo ra động lực yêu thích và đam mê để vượt qua mọi trở ngại”. Trước đây, cô Lan đến với tiếng Anh vì một lẽ đơn giản. Chẳng là những đầu sách tiếng Anh của bố cô viết về các ngành nghề khoa học, hay các nhà toán học, vật lí học nổi tiếng trên thế giới như: Isaac Newton, Pitago… , đã thôi thúc sự tò mò trong cô gái chuyên về khoa học tự nhiên.

 

Không cách nào khác, muốn đọc được thì phải học tiếng Anh. Vì thế, vừa học tiếng Anh trên trường, cô còn làm quen với những mẩu truyện ngắn, kết hợp với cuốn từ điển trên tay. Sự đối chiếu, tìm nghĩa giúp cô có vốn từ vựng nhiều. Mặt khác, cô học từ vựng bằng cách đoán nghĩa dựa trên ngữ cảnh mà không dùng từ điển. “Bằng cách này tôi nhớ từ lâu hơn, đọc đến đâu nhớ kỹ đến đó” – cô chia sẻ. Cứ như thế, vốn từ cô ngày một giàu lên, “tài sản” lớn nhất khi cô tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP.HCM vào năm 1993 là cô đọc được hơn 10 cuốn sách trên kệ của bố.

 

Giờ đây nhắc đến “tài sản” không phải là số sách mà là tri thức cô đang truyền đạt cho học trò của mình. Trong quá trình giảng dạy, cô không quên nhắc nhở học trò nên rèn thói quen đọc sách bằng tiếng Anh, dù là những mẩu chuyện vui nho nhỏ. Bởi cô thấy rằng, niềm đam mê đọc hỗ trợ cho việc học từ vựng, qua đó tư duy logic còn được rèn luyện thêm, tăng khả năng nhạy bén trong quá trình học. Điều mà cô đã tự học được cho bản thân mình.

 

Trong giây phút hạnh phúc, cô tâm sự: “Hiện nay, điều kiện học tiếng Anh của học sinh rất  tốt. Có internet, phương tiện nghe nhìn hỗ trợ, hơn hẳn so với chúng tôi về trước - chỉ phấn trắng bảng đen và máy cassette. Tuy nhiên, vì phương pháp học còn khá nặng về đọc viết, khiến các em không phát huy được khả năng nghe tối đa, điều này lí giải vì sao các em học mà không sử dụng tiếng Anh hiệu quả. Vì thế, bước đầu thực hiện đề án tiếng Anh trên toàn quốc, đòi hỏi chúng ta nên có cả sự thay đổi mạnh mẽ trong chương trình giảng dạy hiện tại. Hơn hết, nó sẽ tạo ra cái guồng để các em học tốt hơn”.

Người đi sau học người đi trước

Cùng ngành với “đàn anh, đàn chị”, cô Đinh Hoàng Lan , giáo viên Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4) ra trường năm 2009 đã từng tham gia công tác tại một vài công ty nước ngoài, với mức lương khá cao, song vì tình yêu dành cho trẻ lớn hơn nên cô quyết định theo nghiệp gõ đầu trẻ.

 

Hạnh phúc không chỉ nằm ở tiếng gọi thân thương của đám trò nhỏ mà hạnh phúc còn nằm ở đâu đó trong cả sự nghiệp của cô. Bởi lẽ, “Tôi may mắn đang đón nhận lớp học trò nhỏ năng động, thông minh, phản xạ nhanh. Việc phối hợp các hoạt cảnh tiếng Anh trong tiết học rất ăn ý, sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy như bảng tương tác rất nhanh nhẹn đã phần nào tạo thành công trong sự hợp tác thầy trò. Hơn nữa, khi chương trình thí điểm tiếng Anh đã và đang được triển khai vào ngay cấp tiểu học, điều này khiến chúng tôi thấy hạnh phúc và càng yêu nghề vì tiếng Anh đang ngày một được giáo dục quan tâm sâu sát hơn” Cô Hoàng Lan chia sẻ.

 

Nhắc đến cô Hoàng Lan, đồng nghiệp ai cũng yêu quý. Lợi thế là một giáo viên trẻ năng động, tràn đầy nhiệt huyết, song cô luôn biết cách học hỏi kinh nghiệm giảng dạy cũng như kinh nghiệm quản lí lớp học của những thầy cô lớn tuổi đi trước để làm kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, việc tự bản thân trau dồi, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ luôn là việc làm song hành cùng quá trình giảng dạy hàng ngày. Cô Hoàng Lan cho rằng: “Nếu không tự nâng cao năng lực thì vốn ngoại ngữ của bạn cũng không phát triển lên được. Điều này phí phạm cho nghề nghiệp mà chúng ta theo đuổi…”.

Sự đơn giản tạo ra hiệu quả cao

“Con đường” tìm đến tiếng Anh của thầy Bùi Công Khánh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn) vốn dĩ chỉ bởi thầy thích sự đơn giản. Thời điểm năm 1979, thầy thi vào ngành tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thì bấy giờ ngôn ngữ này chưa được xem trọng như tiếng Nga, thế nhưng nhận thấy tiếng Anh là một thứ tiếng dễ học, không phức tạp như những thứ tiếng khác, lại đúng mong muốn theo nghiệp “gõ đầu trẻ” nên thầy quyết định đặt bút chọn. Nhớ lại, thầy cười: “Tôi quyết định học, ai cũng bảo, học tiếng Anh rồi cũng xếp xó, mất công tốn của. Bạn bè tôi học tiếng Nga là chính, song có lẽ điều gì mình thích và nắm bắt thì sẽ thành công”.

 

Ở lứa tuổi các em học sinh bây giờ, những năm trước 1975, phương tiện học tập nghèo nàn, việc học trong nhà trường của thầy chỉ dựa trên giáo trình English for today (sách giáo khoa của Mỹ cung cấp) và trao đổi bằng tiếng Việt là chính. Điều may mắn là giáo trình English for today chứa đựng nội dung gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Mỗi một chủ đề lớn có nhiều chủ đề nhỏ liên quan, theo trình tự logic từ dễ đến khó, gắn kết chặt chẽ. Vì thế khi nắm được nội dung, từ vựng trong bài 1 người học dễ bắt nhịp, nắm từ vựng nội dung bài 2. Đặc biệt, thời gian học nhiều gấp đôi bây giờ là điều kiện để các thầy ngồi lại lập nhóm thảo luận bằng tiếng Anh.

 

So sánh với thời điểm hiện tại, thầy Khanh cho rằng: “Các em mới chỉ học lớp 12 nhưng làm quen đến những nội dung như đại hội Đảng, kinh tế đất nước... Kiến thức này khá khó, khô với lứa tuổi các em, khiến các em khó phát triển kỹ năng giao tiếp ngay tại lớp. Chúng ta thử đặt câu hỏi, vì sao chỉ dành hai tiết học tại trung tâm ngoại ngữ, các em có thể nói được tiếng Anh khi kết thúc tiết học. Bởi lẽ nội dung gắn bó với cuộc sống xung quanh, không quá khô và khó, phù hợp với lứa tuổi các em. Học ngoại ngữ cũng như học tiếng mẹ đẻ, cần học từ đơn giản trước, rồi đến phức tạp. Và hơn hết, chúng tôi mong muốn có một lộ trình giáo trình đơn giản, gần gũi, gắn kết theo một trình tự nhất định, phù hợp hơn với các em”.


Tiếng anh thiếu nhi, Tiếng anh du học, Tiếng anh thiếu niên

Đăng ký nhận thông tin Tiếng anh, ngoại ngữ khác qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh