Sự kiện: Đào tạo, Tin học, Tiếng anh
Tin liên quan:
Để phục vụ bán trú cho học sinh, giáo viên đã phải hi sinh nhiều thứ.
Tại ĐH Quốc gia TPHCM, số giảng viên từng học tập, sinh sống tại các nước bản ngữ tiếng Anh hoặc có chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh chỉ chiếm 13%
Giờ học tiếng Anh tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Thỉnh giảng là chính
Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 đa số sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ, tương đương với trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ đối với sinh viên không chuyên ngữ và bậc 5 đối với sinh viên chuyên ngữ, các trường ĐH cần một lượng giảng viên đông đảo vừa đạt chuẩn về năng lực tiếng Anh vừa giỏi chuyên môn. Nhưng thực tế, các trường rất khó tuyển nguồn giảng viên này nên hầu hết phải sử dụng giảng viên thỉnh giảng là chính.
Tại ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2009, 5 trường ĐH thành viên có gần 54.000 sinh viên nhưng chỉ có 184 giảng viên tiếng Anh, trong đó giảng viên cơ hữu chỉ có 53 người, chiếm chưa đến 30%. Trường ĐH Công nghệ Thông tin chỉ có 4 giảng viên tiếng Anh cơ hữu (5 thỉnh giảng), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: 10 cơ hữu (46 thỉnh giảng), Trường ĐH Bách khoa: 18 cơ hữu (44 thỉnh giảng)…
Một số trường ĐH đào tạo chương trình quốc tế thì nhân lực giảng viên tiếng Anh càng cấp bách hơn. Theo bà Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, xu hướng phổ biến hiện nay là sử dụng giảng viên bản ngữ nhưng rất khó tìm giảng viên bản ngữ có bằng cấp và chứng chỉ giảng dạy được công nhận, nếu có thì chi phí để mời lực lượng giảng viên này rất lớn.
Ông Bùi Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cũng cho rằng để dạy tiếng Anh hiệu quả thì cần nguồn giảng viên nước ngoài và giảng viên người Việt tốt nghiệp từ các nước nói tiếng Anh. Thế nhưng, để mời được nguồn giảng viên này thì trường phải cân nhắc đến năng lực tài chính và thực tế cũng không dễ để mời được họ. Tại ĐH Quốc gia TPHCM, số giảng viên từng học tập, sinh sống tại các nước bản ngữ tiếng Anh hoặc có chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh chỉ chiếm 13%.
Đào tạo thêm tiếng anh chuyên ngành
Đề án cũng yêu cầu triển khai chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ một số môn cơ bản, chuyên ngành và chuyên sâu ở một số ngành trọng điểm năm cuối bậc ĐH, bắt đầu với khoảng 20% sinh viên và tăng dần tỉ lệ hằng năm.
Tuy nhiên, đại diện các trường cho biết thực tế giảng viên chuyên ngành thường không thông thạo ngoại ngữ, còn giảng viên ngoại ngữ lại không thông thạo chuyên ngành. Do vậy, giảng viên giỏi tiếng Anh đã thiếu mà vừa giỏi tiếng Anh vừa có chuyên môn lại càng ít hơn.
Đại diện Trường ĐH Hà Nội cho biết sau khi triển khai giảng dạy tiếng Anh ở 6 chuyên ngành, khó khăn nhất chính là việc tuyển giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Do đặc thù công việc nên công sức của giảng viên phải bỏ ra nhiều trong khi thù lao theo giờ giảng không cao mà sự thu hút của thị trường quá lớn. Một giảng viên dạy chuyên ngành kế toán bằng tiếng Anh tại Khoa Quản trị kinh doanh và Du lịch của Trường ĐH Hà Nội có chứng chỉ hành nghề của Tổ chức ACCA (Anh) có thể dễ dàng có thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng khi làm kiểm toán cho công ty nước ngoài, trong khi dạy ở trường ĐH chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng.
Cần hỗ trợ đào tạo
Đại diện các trường cho rằng Đề án ngoại ngữ 2020 cần hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Ngoài các khóa học trong nước, cần có các khóa học ngoại ngữ ngắn hoặc dài hạn tại nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tiến hành tập huấn giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ cho giảng viên dạy tiếng Anh… Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích như trao học bổng đào tạo nâng cao trình độ tại nước ngoài cùng cam kết làm việc cho trường nhưng căn bản và bền vững nhất vẫn là tăng thù lao giờ dạy thông qua chính sách học phí linh hoạt.
Thông tin anh ngữ, tiếng anh cho người đi làm,
Kenhtuyensinh (dantri)