Sự kiện: Đào tạo, Ngoại Ngữ, Tin học, Chứng chỉ
Tin liên quan:
TP.HCM phấn đấu đến năm học 2012-2013, mỗi trường tiểu học sẽ có một giáo viên bản ngữ dạy tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Do số học sinh quá đông, cơ sở vật chất của các trường không đảm bảo nên đến nay chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA) trong các trường tiểu học tại TP.HCM vẫn không thoát khỏi cái bóng thí điểm.
Đi trước liệu có về sau?
Năm học 1998-1999, chương trình TCTA áp dụng đầu tiên tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1) với gần 100 học sinh (HS). Đến nay, đã có 68.597 HS ở 195 trong tổng số hơn 400 trường đang được theo học. Nhận định về chương trình này, lãnh đạo ngành GD nói: "TCTA đã đáp ứng được một bộ phận HS tiểu học có nhu cầu học tiếng Anh, đào tạo cho các em có năng khiếu ngoại ngữ và trau dồi các kỹ năng nghe nói đọc viết". Nhiều chuyên gia giáo dục cũng đánh giá đây là chương trình hay và đi trước thời đại. Ngay chương trình thí điểm dạy tiếng Anh lớp 3 của Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2010 cũng sau chương trình TCTA của TP.HCM cả chục năm. Chính vì vậy, ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT - tự hào cho rằng các nước Đông Nam Á chưa nước nào làm được và họ đang tìm cách tiếp cận với chương trình của TP.HCM.
Vấn đề đặt ra là dẫu hơn 10 năm nhưng chương trình TCTA dường như chỉ phát triển về số lượng người học chứ không có biến chuyển về chất. Trong khoảng thời gian đó, TP cũng mở thêm nhiều chương trình tiếng Anh khác khiến bức tranh dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học khá rối rắm. Từ ưu thế của người đi trước, nếu không cân nhắc và điều chỉnh, tiếng Anh ở bậc tiểu học tại TP.HCM có thể sẽ phát triển không như mong đợi.
Quá tải
Hầu hết lãnh đạo các trường tiểu học hiện đang áp dụng chương trình này đều khẳng định quá tải về sĩ số là nguyên nhân khiến chương trình TCTA cứ mãi là thí điểm.
Bà Lê Thị Minh Loan, Trưởng phòng GD Q.9, thông tin: "Để lớp TCTA hiệu quả, sĩ số của lớp đó tối đa là 35 HS. Trong khi đó, sĩ số trung bình/lớp của các trường tiểu học hiện nay là 45 HS. Do vậy trường nào muốn tổ chức cũng phải tính toán thật kỹ lưỡng vì nếu mở thêm một lớp TCTA sẽ đẩy sĩ số những lớp còn lại lên cao thêm". Còn ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng GD Q.Tân Phú, cũng cho hay: "Từ chỗ thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số luôn ở con số trên 40 HS/lớp nên khó lòng thực hiện đại trà. Có nhiều trường, nhiều phụ huynh rất muốn thực hiện mà phòng không thể giải quyết do mở một lớp TCTA thì nhà trường phải dồn HS sang lớp khác vì số phòng học đã cố định".
Vì vậy, sau 12 năm thí điểm, mỗi trường trung bình có 2 lớp/khối, mỗi quận chỉ có khoảng một nửa số trường thực hiện.
Mỗi trường một giáo viên bản ngữ
Về lộ trình phát triển của chương trình TATC, ông Lê Ngọc Điệp cho biết: “Phía Sở GD-ĐT phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 30-40% HS tiểu học theo chương trình này. Dù chương trình TCTA có nhiều ưu điểm, nhưng chúng tôi sẽ không áp dụng đại trà bởi nhiều nguyên nhân như thiếu cơ sở vật chất, giáo viên... Ngoài ra, đây là chương trình dành cho những HS yêu thích, không thể áp dụng cho toàn thể HS của TP.HCM được”. Ông Điệp khẳng định đến năm 2020, TP.HCM sẽ bỏ chương trình tiếng Anh tự chọn. Để phát triển việc dạy và học tiếng Anh trên địa bàn, Sở cũng có đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông.
Theo đề án này, HS sẽ được học tiếng Anh 8 tiết/tuần từ lớp 1 đến lớp 12. Sau mỗi cấp lớp, HS sẽ thi và được Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge cấp chứng chỉ theo chuẩn quốc tế. Kể từ năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT được hợp đồng với giáo viên bản ngữ cho các trường tiểu học, đảm bảo mỗi trường tiểu học có một giáo viên.
Tuyển sinh, Thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Đăng ký để nhận thông tin về các khoá đào tạo tiếng Anh du học,
ngoại ngữ giao tiếp, kinh nghiệm học tiếng Anh từ các trung tâm Anh ngữ hàng đầu
Kênh Tuyển Sinh (thanhnien)