Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyen sinh 2012
Tin liên quan:
Một giờ thực hành ngoại ngữ của sinh viên Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc
Với hơn 1.000 tiết học tiếng Anh, lẽ ra sau khi tốt nghiệp đại học, một sinh viên "có thể sử dụng ngoại ngữ này linh hoạt và hiệu quả phục vụ các mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn" (trình độ C1). Song trên thực tế, rất nhiều người đã bỏ lỡ các cơ hội việc làm vì tiếng Anh quá kém.
Học nhiều vẫn kém
Việc dạy và học tiếng Anh trong các trường ĐH, theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đang là nỗi bức xúc của dư luận xã hội, khi học sinh, sinh viên học nhiều mà hiệu quả không xứng với thời gian, nỗ lực và đầu tư xã hội. Lý giải tình trạng này, ông Hùng đưa ra nhiều nguyên nhân. Trước hết là bởi ngoại ngữ vẫn đang được dạy như một môn học kiến thức chứ không phải kỹ năng, giáo viên vẫn là trung tâm của quá trình dạy và học. Ông Hùng nêu lên một thực tế: Trong cả 5 tiết học tiếng Anh của sinh viên ĐH, hầu như chỉ có thầy nói, trò nghe. Mỗi sinh viên chỉ có 15 phút làm bài tập ngữ pháp trước khi giảng viên đưa ra đáp án rồi chuyển sang phần học khác. Đây là một quy trình ngược khi giảng viên dạy quá nhiều mà bỏ qua phần tự luyện của người học, tập trung vào kiến thức hơn là kỹ năng. Trong khi "học ngoại ngữ như tập võ, sinh viên không thể xem thầy cô dạy mà có thể nói tiếng Anh được".
Đặc biệt, việc dạy và học vẫn phục vụ cho thi cử là chính, trong khi thi cuối cấp và thi vào ĐH vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch. Học sinh, sinh viên chưa có văn hóa tự học, tự giác, thầy "bảo", cô "dặn", khoa "bắt", trường "dọa" thì mới chịu học. Về phía đội ngũ giáo viên, năng lực tiếng Anh còn thấp, giáo viên từ nhiều nguồn và nhiều người không có nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, việc thi và kiểm tra mỗi nơi một kiểu, không có chuẩn thống nhất...
Những bất cập nói trên dẫn đến kết quả là đa số sinh viên ra trường vẫn không nói được tiếng Anh trong khi bậc phổ thông được thiết kế tới 900 tiết học, bậc ĐH có tới 200 tiết. Lẽ ra, theo khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu, với hơn 1.000 tiết học đó, một sinh viên có thể đạt mức chuẩn C1 (bậc 5/6), hay tương đương 550 điểm TOEFL.
Với quyết tâm đào tạo được một lực lượng lao động trẻ Việt Nam có đủ năng lực ngoại ngữ để tự tin làm việc trong môi trường cạnh tranh cả ở trong nước và quốc tế, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tới năm 2020. Đề án đặt ra mục tiêu, đối với ngành học không chuyên ngữ, sau khi tốt nghiệp, sinh viên phải đạt trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu. Đối với ngành chuyên ngữ, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng phải đạt bậc 4, tốt nghiệp đại học phải đạt bậc 5, đồng thời được đào tạo ngoại ngữ thứ 2 đạt trình độ bậc 3...
Còn nhiều thách thức
Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu của đề án. Trong đó chú trọng việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo dạy bằng ngoại ngữ một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành và môn tự chọn ở một số ngành trọng điểm. Bộ đề nghị từ năm 2012-2013, các trường tiến hành với một số ngành ưu tiên như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, du lịch, quản trị kinh doanh...
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, những thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu là không nhỏ. Trước hết, đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn C1. Họ cần được chuẩn bị để chuyển vai từ người thầy sang làm huấn luyện viên tổ chức quá trình học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, bảo đảm thu nhập và đời sống cho giáo viên cũng là vấn đề nhiều người nhắc tới.
Lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội cho biết: Do đặc thù công việc, việc soạn bài, giảng bài của nhóm giáo viên dạy chuyên ngành ngoại ngữ mất nhiều thời gian, công sức, mà thù lao theo giờ giảng không cao, do học phí không thể tăng hơn mức quy định. Lãnh đạo này đưa ra ví dụ, một giáo viên dạy chuyên ngành kế toán bằng tiếng Anh có thể dễ dàng có thu nhập 2.000 USD/tháng khi làm việc cho công ty kiểm toán nước ngoài như KPMG hay Ernst&Young, trong khi dạy ở trường ĐH chỉ nhận được 4-5 triệu đồng/tháng. Còn có một nghịch lý cần giải quyết: giáo viên chuyên ngành không thông thạo ngoại ngữ, còn giáo viên ngoại ngữ lại không thông thạo chuyên ngành. Hướng giải quyết mà ĐH Hà Nội mong muốn là tuyển được giáo viên chuyên ngành giỏi ngoại ngữ, song song với đào tạo chuyên ngành cho những giáo viên ngoại ngữ có nguyện vọng mở rộng kiến thức.
Phó Hiệu trưởng Vũ Ngọc Pi của Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) cũng chia sẻ một giải pháp đã có hiệu quả rõ rệt trong nâng cao năng lực tiếng Anh cho cả giáo viên và sinh viên, đó là triển khai các chương trình tiên tiến. Ông Pi cho biết, riêng việc thuê giáo viên nước ngoài đã tạo ra không khí giao lưu rất tốt. Nhiều giáo viên trong nước không giỏi tiếng Anh bằng sinh viên chương trình tiên tiến nên họ càng có động lực cố gắng. Nhà trường cũng khuyến khích giảng viên khi trả thù lao 250-270 nghìn đồng/tiết dạy bằng tiếng Anh, còn dạy tiếng Việt là 100 nghìn/tiết. Phó Hiệu trưởng Vũ Ngọc Pi cho biết thêm, để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã giảm từ 90 sinh viên/lớp tiếng Anh xuống 50-80 sinh viên/lớp và chỉ yên tâm khi giảm xuống 25-50 sinh viên/lớp. Năm nay nhà trường còn giảm 30% chỉ tiêu tuyển sinh để nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện các trường vẫn đang tiếp tục đề xuất các giải pháp cho đề án ngoại ngữ 2020 để xây dựng kế hoạch hoạt động cho những năm sắp tới. Dự kiến, trong nửa đầu năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ bắt đầu khảo sát năng lực đội ngũ giảng viên để có kế hoạch bồi dưỡng, chỉ đạo một số trường ĐH, CĐ có điều kiện thành lập khoa ngoại ngữ, bên cạnh việc xây dựng chính sách khuyến khích thu hút người tham gia dạy ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo.
Tiếng anh, ngoại ngử, tiếng anh cho người đi làm, trung tâm anh ngữ, thi tiếng anh
Kenhtuyensinh (hanoimoi)