Peer pressure đang ngày càng phổ biến đối với thế hệ trẻ. Vấn đề này vô hình chung tạo thêm gánh nặng trong tâm trí người trẻ và khiến họ ngày càng thu mình. Vậy “Peer Pressure” là gì? Liệu đây thực sự chỉ là vấn đề của “trẻ con”? Làm cách nào để vượt qua chúng? Kênh Tuyển sinh sẽ mang câu trả lời đến cho bạn qua bài viết này.

Chọn ngành: Người hướng nội có thể theo đuổi ngành học nào?

Chọn ngành: Người hướng nội có thể theo đuổi ngành học nào?

Người hướng nội thường ít giao tiếp, ngại ngoại giao. Vậy đâu là những công việc bạn có thể làm độc lập cá nhân mà vẫn thể hiện năng lực của mình.

1. “Peer Pressure” là gì? Có thật rằng đó chỉ là vấn đề của trẻ con?

“Peer Pressure”, được dịch là áp lực đồng trang lứa, một thuật ngữ thường được sử dụng trong giáo dục và tâm lý học. Hội chứng tâm lý này khiến chúng ta không ngừng tự so sánh bản thân với những người bạn trong cùng một nhóm xã hội như cùng tuổi, cùng công ty, cùng lĩnh vực hoạt động,... và có sự tự điều chỉnh thái độ, hành vi sao cho phù hợp với chuẩn mực của nhóm này. Hoặc tệ hơn là có những cảm xúc tiêu cực, độc hại khi đối diện với những điều bạn cho là “thành tựu” của người khác mà bạn sẽ chẳng thể nào chạm tới.

Áp lực đồng trang lứa tuy chỉ là khái niệm mới xuất hiện trong những năm gần đây, song trên thực tế hiệu ứng tâm lý này đã tồn tại từ rất rất lâu trước đây. Ta có thể thường gặp những biểu hiện của peer pressure qua những câu nói hằng ngày như:

  • Bằng tuổi mình mà sao họ giỏi thế? Còn mình thì….
  • Chung một trường đại học, sao họ đã được nhận mức lương nghìn đô trong khi mình vẫn đang chật vật thực tập nhỉ?
  • Con nhà chị mới bằng bé nhà em mà đã có IELTS 8.0 rồi ư? Như nhà em chẳng biết bao giờ mới đạt điểm đó được.

Áp lực đồng trang lứa và cách khắc phục - Ảnh 1

Áp lực đồng trang lứa khiến người trẻ trở nên mệt mỏi hơn bao giờ hết

Peer pressure thực chất sẽ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường biểu hiện rõ ràng nhất sẽ ở độ tuổi thanh thiếu niên - độ tuổi phải cạnh tranh về điểm số, thành tích và vị trí làm việc. Xu hướng “nhìn người rồi soi lại mình”, tự so sánh đã trở thành thói quen của chúng ta, từ ngày nhỏ cho đến khi trưởng thành. Những “so sánh âm thầm” khiến chúng ta dễ gia tăng các cảm giác tiêu cực như buồn sầu, tự ti, mặc cảm, chán nản hoặc tệ hơn là lo lắng và ghen tị. 

Đối với trẻ em, chúng sẽ gặp peer pressure về điểm số, sự nổi bật trong lớp học, ...

Đối với học sinh - sinh viên, các vấn đề gây áp lực đồng trang lứa như thành tích học tập, kinh nghiệm việc làm,...

Đối với người đi làm, áp lực ấy lại lớn lên gấp bội khi đồng nghiệp mua nhà mua xe, khoe tài khoản tiết kiệm, danh mục đầu tư, thành tích con cái,....

Nhìn chung, mọi người, mọi độ tuổi và giới tính đều có khả năng là 'con mồi' của peer pressure.

2. Những nguyên nhân khiến Peer Pressure tồn tại

Có nhiều nguyên nhân khiến cho Peer Pressure tồn tại. Trong bài viết này, Kênh Tuyển Sinh tổng hợp được 5 nguyên nhân chủ yếu khiến cho hiệu ứng áp lực đồng trang lứa đang ngày càng gia tăng.

2.1. Văn hóa đề cao chủ nghĩa tập thể

Khác với các nước phương Tây đề cao tính cá nhân, nền văn hóa Á Đông coi trọng tính tập thể và điều này đã ăn sâu bén rễ qua hàng thế kỷ. Những người sống và được nuôi dạy trong văn hóa phương Đông thường dễ hình thành việc so sánh xã hội. Việc này cũng rất dễ hiểu khi họ muốn xác định bản thân về mặt quan hệ hay đánh giá vị trí của một người.

Chủ nghĩa tập thể thường đề cao thứ bậc, vị trí, điểm số,... và điều này thôi thúc cá nhân từng người phải có sự so sánh bản thân với người khác. 

Trên thực tế, cụm từ “con nhà người ta” là một khái niệm lạ lẫm đối với văn hóa phương Tây. Thế nhưng dường như tại Châu Á, không một quốc gia nào trong khu vực này không xuất hiện cụm từ trên trong văn hóa giao tiếp hằng ngày. Sự so sánh thiệt hơn ngay từ nhỏ khiến các cô cậu học sinh phải ám ảnh và có những quyết định bồng bột trong mớ cảm xúc tiêu cực.

Áp lực đồng trang lứa và cách khắc phục - Ảnh 2

Văn hóa Á Đông và sự so sánh khập khiễng về "con nhà người ta"

2.2. Khao khát được hòa nhập với tập thể

Cụm từ “bị cô lập” luôn là cái đích mà không một ai mong muốn. Trên thực tế, ngược về hàng nghìn năm, khi ấy con người chỉ mới xuất hiện trong thế giới tiền sử. Việc tách ra riêng lẻ đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị thú dữ tiêu diệt nhanh hơn. Để được sống, bạn buộc phải học cách trở thành một phần của cộng đồng “bầy người”, và từ đó thì khao khát ấy dần trở thành bản năng của mỗi cá nhân. Bản năng này trở thành tiêu điểm để số đông “bắt bài” cũng như dễ dàng lèo lái mạch tư duy của từng cá nhân vốn có thêm đôi chút sự khác biệt. Với mong muốn được tập thể công nhận, từng người sẽ có thái độ và hành vi được điều chỉnh sao cho phù hợp với hệ giá trị mà nhóm tạo ra.

2.3. Các chuẩn mực xã hội được đặt ra

Các chuẩn mực xã hội thường là những suy nghĩ, hành vi, cảm xúc được tập thể chấp nhận và mong đợi bởi họ cho rằng chúng là đúng đắn. Những chuẩn mực này sẽ được phổ biến trong tập thể thông qua các thành viên cách trực tiếp và gián tiếp.

Dễ thấy có thể nhắc đến là cụm từ “30 tuổi đầu mà chưa cưới là ế”. Khi cộng đồng có phần lớn những cặp đôi tiến đến hôn nhân trước 30 tuổi, những chàng trai cô gái còn lẻ bóng ở tuổi này sẽ mang một cái mác rằng là “ế”, “không ai thèm lấy”. Khi mà 30 tuổi là dấu mốc mà đa số mọi người cho rằng là thời điểm phải có tất cả từ sự nghiệp đến gia đình. Nhưng trên thực tế, họ đang có một tình yêu thật đẹp mà chưa muốn tiến đến hôn nhân hoặc còn chưa tìm được người phù hợp. Việc gắn mác và đàm tiếu khiến những người độc thân trên dưới 30 tuổi phải “quáng quàng” đưa ra một quyết định trọng đại trong đời nhưng có phần không mấy ưng ý và dễ hối hận.

2.4. Sự lên ngôi của mạng xã hội

Bạn đang có một ngày thật đẹp. Và điều đó được duy trì cho đến khi bạn lướt mạng xã hội. Thật không khó để các tiêu đề nhanh nhản trên các mặt báo đập vào mắt bạn. Rằng là “Nữ sinh cấp 2 đạt mốc IELTS 8.0”, “Sinh viên trường X đạt được học bổng toàn phần để du học”, hay “GenZ khởi nghiệp, hàng tháng kiếm hơn tỷ đồng”,... Bạn ngán ngẩm và chuyển sang xem cập nhật hằng ngày của bạn bè thì đã thấy người bạn nào đó khoe có việc lương cao, kết hôn sinh con, mua nhà mua đất,.... Càng xem, bạn càng cảm thấy ngưỡng mộ người khác và thất vọng về bản thân một cách trầm trọng. Thế nhưng không thể ngừng lại được việc tiếp tục lướt mạng xã hội.

Social Media là cầu nối giúp con người có thể gắn kết và thể hiện bản thân. Nhưng một phần nào đó, khi mạng xã hội quá phát triển, việc đang tải những dấu mốc hay thành công của bản thân lại vô tình làm người khác gia tăng áp lực. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những người thường xuyên kiểm tra mạng xã hội sẽ có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn 2.7 lần người bình thường. Việc nhìn thấy thành công của người khác gia tăng cảm giác đố kị và tiêu cực ở các cá nhân

3. Làm sao để thoát khỏi áp lực đồng trang lứa?

Peer Pressure có thể trở nên bớt đáng sợ hơn khi có cách giải quyết đúng đắn. Đây thực tế là một hiệu ứng tâm lý và chỉ cần thay đổi những hành vi, suy nghĩ tích cực thì loại hiệu ứng này sẽ giảm bớt nguy cơ trở thành bệnh. Áp lực đồng trang lứa cũng là động lực tuyệt vời để thúc đẩy bạn trở nên hoàn thiện hơn khi bạn biết cách khắc phục và khai thác những mặt tốt của chúng. Dưới đây là một số cách để có thể khắc phục khi gặp phải tình trạng áp lực đồng trang lứa.

3.1. Tập trung nhiều vào phát triển bản thân

Khoảng những năm 2011, từ khóa “YOLO” được hình thành và trở thành biểu ngữ của rất nhiều người. YOLO, tức là “You only live once” - Bạn chỉ sống một lần duy nhất. Đúng vậy, bạn chỉ sống một lần, và bạn cần biết yêu thương, trân trọng bản thân mình nhiều nhất có thể. 

Thật tệ khi bạn chỉ là khánh giả nhìn ngắm thành công của người khác. Thay vào đó, bạn hãy tập trung phát triển những khía cạnh khác của bản thân. Chấp nhận nhìn thấy những mặt chưa tốt để sửa đổi và tập trung phát triển các mặt đã mạnh càng thêm xuất sắc.  Đừng để bản thân quá dễ bị phụ thuộc vào đánh giá của người khác. Bạn là chính bạn và là duy nhất. 

3.2. Đặt mục tiêu cụ thể và thực hiện chúng

Bạn cần có một kế hoạch sống với những mục tiêu rõ ràng. Khi có những mục tiêu, dù lớn hay nhỏ, hãy thực hiện chúng ngay lập tức. Đừng trì hoãn và đừng than vãn. Chỉ khi thực sự tập trung vào mục tiêu của bản thân, bạn sẽ nhận ra bạn chẳng có thời gian lắng nghe những lời đàm tiếu của người khác.

3.3. Hãy cố gắng nhưng đừng cố chấp

Mọi thứ đều có giới hạn và bản thân bạn cũng vậy. Bạn cần biết ranh giới của bản thân ở đâu và cố gắng truyền đạt cho những người xung quanh bạn. Nhìn vào và đi theo thành công của người khác sẽ không thật sự đưa bạn đến đích vì mỗi người là một cá thể độc lập và không ai là giống nhau hoàn toàn. Bạn cần cố gắng hoàn thành các mục tiêu của bản thân nhưng hãy phân bố chúng hợp lý và linh hoạt thay đổi. Việc bạn quá cố chấp cho một mục tiêu không phù hợp với bản thân sẽ khiến bạn đánh mất nhiều hơn là có được. Khi cảm thấy đuối sức, hãy dừng lại kịp lúc hoặc lắng nghe lời khuyên của những người có hiểu biết khách quan để có sự điều chỉnh hợp lý.

3.4. Sẽ luôn có sự lựa chọn dành cho bạn

Không ai có quyền ép buộc chúng ta phải giống một hình mẫu nào. Hãy nhớ rằng bạn luôn có quyền quyết định đối với chính bạn.Bạn mua đôi giày ấy bởi đơn giản bạn thích nó, chứng không phải vì thấy ai ai cũng có đôi giày như vậy nên bạn cũng phải sở hữu chúng cho giống mọi người. 

 Áp lực đồng trang lứa và cách khắc phục - Ảnh 3

"Tôi không mua đôi giày này vì ai ai cũng có nó. Tôi mua nó vì đơn giản là tôi thực sự thích nó!"

Cố ép mình cho một điều gì đó không phù hợp sẽ khiến bạn kiệt sức và luôn dậm chân tại chỗ. Thay vào đó, lựa chọn và quyết định những điều bản thân cảm thấy phù hợp sẽ tạo thêm động lực cho bạn có được thành công.

3.5. Người khác cũng có lựa chọn của riêng họ

Lựa chọn của người khác không xây nên trên quan điểm của bạn. Nếu không đồng quan điểm, hãy tôn trọng họ. Thật nực cười khi vội đánh giá ai đó kém ngoại ngữ vì học không giỏi tiếng Anh giống bạn. Có thể chỉ là tiếng Anh không phù hợp với họ, và khi đặt họ ở ngôn ngữ khác, như tiếng Nhật chẳng hạn, họ thông thạo hơn hẳn bạn thì sao? Đừng quy chụp bất kỳ ai cả vì mỗi người là riêng biệt và tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình.

Trên đây là bài viết về áp lực đồng trang lứa. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc sẽ được cung cấp thêm những kiến thức mới và có nhiều hơn những góc nhìn khác.

> Sinh viên sau ra trường cần lưu ý gì để có công việc thích hợp? 

> Trước tuổi 30, bạn cần sở hữu những kỹ năng mềm nào? 

Thanh Phương - Kênh Tuyển Sinh