Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012DIEM THI DAI HOC - ĐIỂM CHUẨN

Tin liên quan:

>> Tuyển sinh lớp 6 tại Tp.HCM

>> Thi tuyển đầu cấp tại TP HCM"

>> Tuyển sinh lớp 6, trường “xịn” hút hết học sinh giỏi?


Để được vào lớp 10 các trường ngoài công lập tại TP.HCM, học sinh phải canh ngày nộp hồ sơ, đăng ký sớm, tham gia khảo sát, chờ hồ sơ được lọc, đóng tiền học hè…

Những năm gần đây, khi chất lượng của một số trường ngoài công lập được khẳng định, việc xét tuyển không chỉ đơn giản là nộp hồ sơ là sẽ có chỗ học.

 

Trường dân lập tuyển sinh lớp 10, Trường ngoài công lập tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh, dân lập, ngoài công lập

Nhiều vòng tuyển chọn

Từ đầu tháng 6, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) thông báo điều kiện để xét tuyển vào lớp 10 phải có học lực khá trở lên và xem xét điểm trung bình môn toán, lý, hóa, sinh, văn, Anh văn.

Trong đó, trường này cũng lưu ý học sinh phải có nguyện vọng và quyết tâm vào đại học khối A, A1, B.

Trường THPT Trương Vĩnh Ký (Q.11) yêu cầu học sinh xét tuyển vào lớp 10 phải đạt học sinh khá cuối năm học lớp 9, đồng thời môn văn và tiếng Anh phải đạt điểm trung bình cuối năm từ 6 điểm trở lên, và môn toán trên 6,5 điểm.

Anh Tấn Thành (quê ở Tây Ninh) vẫn lo lắng dù đã nộp xong hồ sơ cho cháu vào đầu tháng 6: “Mặc dù hồ sơ đạt yêu cầu, nhưng vào đầu năm học, trường sẽ lọc hồ sơ thêm một lần nữa. Tôi cũng lo nếu nhiều học sinh có học lực giỏi thì hồ sơ cháu tôi sẽ bị loại”.

Trường THPT Thái Bình (Q.Tân Bình) yêu cầu học sinh phải đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt khi nộp hồ sơ vào trường.

Trường Hồng Đức (Q.Tân Phú) cũng yêu cầu môn toán, văn, tiếng Anh phải có điểm trung bình cuối năm lớp 9 từ 6 điểm trở lên.

Ông Nguyễn Bá Bình - phụ trách tuyển sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký - cho biết: "Những năm gần đây, chỉ tiêu của trường giữ nguyên trong khi hồ sơ nộp vào tăng lên theo từng năm. Như năm 2011, do số hồ sơ nộp vào trường cao hơn chỉ tiêu nên nhà trường phải tổ chức khảo sát để chọn lọc một lần nữa".

Học hè để “giữ chỗ”

Do khó khăn trong việc mở rộng cơ sở, xây dựng thêm phòng học, nhiều trường ngoài công lập hầu như giữ nguyên chỉ tiêu qua các năm. Và những trường được đánh giá “có tiếng” thì hồ sơ nộp vào mỗi năm một tăng nên khâu lọc hồ sơ ngày càng kỹ hơn.

Hầu hết các trường ngoài công lập đều mở lớp học hè từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8. Ngoài lý do cho học sinh làm quen với môi trường học tập mới, nhiều trường còn nhằm mục đích đánh giá học lực học sinh trước khi lọc hồ sơ thêm một vòng nữa vào đầu năm học mới.

Cũng vì vậy, phụ huynh muốn con em có cơ hội được nhận vào trường thường đăng ký học hè để “giữ chỗ” vào đầu năm học.

Chỉ trong vòng 4 ngày (từ 6 - 10.6), Trường THPT Nguyễn Khuyến đã nhận hơn 2.000 hồ sơ xin vào học hè trước khi vào lớp 10. Dự kiến, sĩ số mỗi lớp hè của trường này lên đến 52 học sinh, trong đó gần một nửa là hồ sơ của học sinh ở TP.HCM.

Chị Huỳnh Thị Kim Lang, phụ huynh có con học tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) chia sẻ: “Con bé nhà tôi là học sinh giỏi 4 năm liền ở trường. Mặc dù đã cho con đăng ký thi vào lớp 10 cả hệ chuyên và thường nhưng tôi vẫn thấy lo. Vì thế tôi đã canh ngày nộp hồ sơ ở một trường ngoài công lập vào học hè để "giữ chỗ" cho con”.

Theo chị Kim Lang, mặc dù cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 đều đăng ký vào những trường công, nhưng chị không hy vọng sẽ cho con học ở trường thuộc nguyện vọng 3.

“Tôi thấy môi trường học tập rất quan trọng. Cho dù là trường công lập, nếu học sinh ở đó có nhiều thành phần quậy phá, lười học… sẽ làm ảnh hưởng đến con mình. Tôi vẫn muốn con mình học ở một trường ngoài công lập có tiếng nếu thi rớt nguyện vọng 1, 2”, chị Kim Lang giải thích.

Hiện nay, học phí học hè dành cho học sinh chuẩn bị lên lớp 10 ở các trường ngoài công lập là từ 2 - 3 triệu đồng/khóa nếu học 2 buổi/ngày, 6 - 9 triệu đồng/khóa nếu học nội trú.

Đánh giá về chất lượng giảng dạy ở các trường ngoài công lập, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết các trường ngoài công lập đã xây dựng kế hoạch và có biện pháp chuyên môn phù hợp với đặc điểm của từng trường, hoàn thành kế hoạch theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Sở GD-ĐT.

Để tăng chất lượng giáo dục, nhiều trường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng phòng thực hành… hay tổ chức tăng tiết, tổ chức cho học sinh học nội trú, ôn luyện thêm vào ban đêm. Ngoài ra, một số trường còn tổ chức được các hoạt động ngoại khóa, du khảo, định hướng nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống…

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, giữa các trường ngoài công lập hiện nay còn sự phân hóa. Trong khi một số trường được phụ huynh "ưu ái" thì nhiều trường có chất lượng đầu vào không đồng đều, điều kiện cơ sở vật chất, các hoạt động giáo dục và dịch vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu của học sinh, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu suất đào tạo.

** Bạn có thể để lại thắc mắc về tuyển sinh 2012, câu hỏi hoặc ý kiến tại ô bên dưới


(Theo: Laodong)