Khi trẻ không nghe lời, cha mẹ thường được khuyên nên đặt ra một số quy tắc ngay từ khi còn nhỏ để việc dạy dỗ dễ dàng hơn.
Có rất nhiều điều để dạy trẻ, nhưng những nguyên tắc sau đây là vô cùng cần thiết
Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau trong quá trình trưởng thành của trẻ. Khi trẻ không nghe lời, cha mẹ thường được khuyên nên đặt ra một số quy tắc ngay từ khi còn nhỏ để việc dạy dỗ dễ dàng hơn.
Quy tắc 1: Phép lịch sự cơ bản - Chào hỏi
Đây là phép lịch sự cơ bản nhất. Bố mẹ nên dạy trẻ kỹ năng chào hỏi đúng cách ngay từ nhỏ. Dạy chào hỏi, trẻ sẽ nhận thức được đó là hành động bình thường cần có khi gặp người khác và sẽ thực hiện một cách thoải mái, tự nhiên. Một đứa trẻ lễ phép luôn nhận được sự quý mến.
Quy tắc 2: Quy tắc ứng xử nơi công cộng
Ở nơi công cộng, bản thân bố mẹ cũng rất khó chịu khi nghe thấy những đứa trẻ hò hét ầm ĩ hoặc quậy phá "không phép tắc". Phải dạy cho trẻ chính xác điều nên và không nên làm ở nơi công cộng. Một đứa trẻ có khuôn phép, biết quy tắc được đánh giá là nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình.
Quy tắc 3: Giao tiếp với bố mẹ
Trẻ em có rất nhiều bí mật riêng mà bố mẹ không biết, trong đó có nhiều thứ ngoài sức tưởng tượng của người lớn. Bởi vậy, đòi hỏi cha mẹ phải biết cách giao tiếp và đồng hành cùng con, để chúng nói ra. Làm được như vậy mới có thể giúp con khi cần thiết, tránh việc đáng tiếc xảy ra.
Quy tắc 4: Trung thực
Luôn nói cho trẻ biết sự trung thực là một đức tính quý, vì vậy không được đánh mất đức tính này. Trẻ nói dối là khởi đầu cho việc đánh mất lòng tin vào người lớn. Khi nói dối trở thành một thói quen, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sau.
Quy tắc thứ 5: Không trễ giờ
Tính đúng giờ nên được rèn từ khi còn nhỏ, thà đợi người khác một lúc còn hơn để người khác đợi mình. Đúng giờ thường là một thước đo thành công rất quan trọng. Hãy cho trẻ hiểu, đừng coi người khác chờ đợi là điều hiển nhiên. Không có nhiều thứ được coi là đương nhiên trên thế giới này.
Quy tắc thứ 6: Chấp nhận sai lầm
Dạy con nếu làm sai điều gì đó nên coi là bình thường bởi ai cũng mắc sai lầm trong cuộc đời. Việc dũng cảm thừa nhận sai lầm mới là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Nếu trẻ mắc lỗi, hãy giải thích con sai ở đâu, sai như thế nào và nhắc con nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi thực sự chân thành khi trẻ nhận ra lỗi lầm của mình và mong muốn được sửa đổi.
Quy tắc 7: Trân trọng thức ăn
Thức ăn không chỉ đơn thuần là đồ ăn để sinh tồn, mà nó còn là sự lao động vất vả của con người. Biết quý trọng thức ăn là một đức tính rất cần thiết để rèn luyện cho trẻ nhỏ. Phải dạy trẻ biết trân trọng công sức của người lao động, như vậy mới hình thành thói quen tốt. Thậm chí nếu không ăn hết, bữa sau trẻ phải nhịn đói vì đã hết tiêu chuẩn trong một ngày. Muốn vậy, người nấu ăn cũng nên cân nhắc về số lượng thực phẩm trong gia đình, tránh nấu quá nhiều trong khi các thành viên chỉ ăn được lượng nhỏ.
Quy tắc 8: Cố gắng hết sức
Đừng trông mong người khác giúp đỡ mình, nếu muốn gì đó, tốt nhất là bản thân tự cố gắng có được. Alber Eistein từng nói "Đừng phấn đấu để mình thành công mà hãy phấn đấu để mình có giá trị". Hãy dạy con là một con người có giá trị, bằng cách nỗ lực hết mình, khẳng định năng lực bản thân trong học tập và công việc khác.
Quy tắc 9: Vị tha, khoan dung
Khoan dung là đức tính cao quý tốt đẹp của con người. Sự khoan dung không chỉ dạy trẻ vấn đề ngọn là quên đi nỗi bực dọc đang gánh chịu, mà phải hiểu cái gốc của tha thứ để nhận được sự dễ chịu trong tâm hồn. Lòng bao dung chỉ thực sự có được khi trẻ biết cách tha thứ cho người khác và bản thân mình.
Quy tắc 10: Không gì quan trọng hơn tính mạng
Khi gặp nguy hiểm có thể bỏ mọi nguyên tắc, không có nguyên tắc nào quan trọng hơn tính mạng. Có người thấy những điều này nói thì dễ nhưng trẻ làm mới khó. Điều quan trọng là những quy tắc này không chỉ dành cho trẻ em, mà cả người lớn chúng ta cũng cần làm gương, trẻ sẽ dần ý thức được.
Theo VnExpress