Việc các trường đại học đổi tên trường gốc thành tên của những nhà tài trợ lớn bỗng trở thành một trào lưu nhằm vinh danh sự đóng góp của họ. Trào lưu này hiện đang phổ biến từ Mỹ và hiện giờ là tại Anh.

Hệ thống Colleges tại Đại học Oxford qua lời kể của cựu du học sinh

Hệ thống Colleges tại Đại học Oxford qua lời kể của cựu du học sinh

Lắng nghe những chia sẻ của 2 cựu du học sinh về hộ thống colleges của Đại học Oxford nước Anh.

Linacre College vốn được đặt tên theo học giả Thomas Linacre, người sáng lập Royal College of Physicians, trường đào tạo bác sĩ lâu đời ở Anh, đồng thời là nhà văn nổi tiếng thời Phục Hưng.

Sau khi ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sovico, do Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện, để nhận khoản tài trợ từ thiện với tổng giá trị lên đến 155 triệu bảng Anh, Linacre College thuộc ĐH Oxford thông báo sẽ đổi tên thành "Thao College".

Đây là cách làm được nhiều trường thành viên của ĐH Oxford cũng như các đại học ở Mỹ áp dụng nhằm vinh danh nhà tài trợ lớn.

Nhiều trường thuộc ĐH Oxford đổi tên theo nhà tài trợ - Ảnh 1

Nhiều đơn vị thành viên của ĐH Oxford được đổi tên sau khi nhận tài trợ

1. Các trường hợp đổi tên tại ĐH Oxford

Tháng 5/2019, Oxford thành lập college thứ 39 nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở ngày càng tăng cho sinh viên sau đại học. Đơn vị này tạo ra cộng đồng hỗ trợ việc sinh hoạt, học tập cho những người theo đuổi nghiên cứu liên ngành nhằm giải quyết các vấn đề được đặt ra cho thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, tế bào.

Theo Financial Times, sau khi thành lập, trường được tạm đặt tên là Park College. Cuối tháng 6/2020, Park College đổi tên thành Reuben College nhằm tôn vinh sự hỗ trợ từ hai doanh nhân David và Simon Reuben.

Quỹ Reuben của hai anh em này quyên tặng trường 80 triệu bảng Anh. Thực tế, gia đình Reuben không có người theo học tại ĐH Oxford nhưng bắt đầu tài trợ cho trường từ hơn 10 năm trước thông qua quỹ học bổng dành cho sinh viên nghèo. Trong số 80 triệu bảng Anh tặng Reuben College, 17 triệu bảng được trích ra cho vào quỹ học bổng này.

Wolfson College của ĐH Oxford cũng được đổi tên nhằm ghi nhận sự hỗ trợ của doanh nhân Isaac Wolfson trong việc tài trợ xây dựng trường.

Lúc mới thành lập năm 1965, Wolfson College có tên là Iffley song không có tòa nhà riêng. Chỉ sau khi nhận hỗ trợ từ quỹ Wolfson và quỹ Ford vào cuối năm 1966, trường mới có tòa nhà cùng cơ sở vật chất riêng.

Tháng 10/1994, Rewley House, cộng đồng đầu tiên dành cho sinh viên hệ vừa học vừa làm, được đổi tên thành Kellogg College nhằm tôn vinh nhà tư bản người Mỹ Will Keith Kellogg vì quỹ của ông đã hỗ trợ cho ĐH Oxford trong nhiều thập kỷ trước đó.

Ngoài ra, một số trường khác thuộc ĐH Oxford được đặt tên theo nhà tài trợ, người bảo trợ hoặc nhà sáng lập như Nuffield College, Balliol College, Mansfield College, Merton College.

Nhiều trường thuộc ĐH Oxford đổi tên theo nhà tài trợ - Ảnh 2

ĐH Brown ở Mỹ được đổi tên theo người đã quyên tặng cho trường 5.000 USD. 

2. Nhiều đại học ở Mỹ đổi tên theo nhà tài trợ

Ngoài các đơn vị thành viên của ĐH Oxford được đổi tên sau khi nhận khoản tài trợ lớn, không ít đại học trên thế giới cũng thay tên nhằm vinh danh nhà hảo tâm đóng góp nhiều vào việc xây dựng, phát triển trường.

ĐH Agnes Scott (Georgia, Mỹ) là trường tư thục khai phóng dành riêng cho nữ sinh, đào tạo hệ đại học và sau đại học. Trường được thành lập năm 1889 với tên gọi Decatur Female Seminary. 

Năm 1890, trường được đổi tên thành Viện Agnes Scott nhằm vinh danh mẹ của doanh nhân, nhà quân sự George Washington Scott - người tài trợ chính cho trường. Đến năm 1906, trường đổi thành ĐH Agnes Scott và giữ tên này cho đến ngày nay.

ĐH Baruch (trường công lập có tên chính thức là ĐH Bernard M. Baruch ở New York, Mỹ) nằm trong hệ thống ĐH thành phố New York (CUNY). Lúc mới thành lập (năm 1919), trường có tên là trường Kinh doanh và Quản trị Hành chính, thuộc City College of New York (CCNY).

Năm 1953, trường đổi tên thành trường Kinh doanh Baruch nhằm vinh danh Bernard Baruch, cựu sinh viên của CCNY, chuyên gia tài chính nổi tiếng, cố vấn của hai tổng thống Mỹ. Cho đến khi qua đời năm 1965, ông Baruch quyên tặng trường số tiền lên đến 9 triệu USD.

Năm 1961, Luật Giáo dục bang New York thành lập hệ thống ĐH thành phố New York (CUNY). Năm 1968, trường Kinh doanh Baruch tách ra thành ĐH Baruch, một trường độc lập trong hệ thống CUNY.

ĐH Brown, đại học lâu đời thứ bảy ở Mỹ, được thành lập năm 1764 với tên gọi ĐH Rhode Island. Gia đình Brown đóng góp quan trọng vào sự ra đời của trường này.

Sau đó, họ tiếp tục góp phần thúc đẩy trường chuyển đến Providence, xây dựng tòa nhà đầu tiên, tạo dựng vốn đầu tư cho trường. Năm 1803, trường quyết định sẽ đổi tên theo người quyên góp 5.000 USD trong thời hạn một năm.

Thủ quỹ Nicholas Brown Jr. (cựu sinh viên khóa 1786) hưởng ứng lời kêu gọi đó. Một năm sau, ĐH Rhode Island chính thức đổi tên thành ĐH Brown. Tổng cộng, Nicholas Brown Jr. quyên tặng trường khoảng 160.000 USD.

Một đại học khác ở Mỹ là Bucknell cũng được đổi tên nhằm ghi ân người đã tài trợ cho trường. Ngôi trường này được thành lập năm 1846 với tên gọi ĐH Lewisburg.

Năm 1881, trường đối mặt tình hình tài chính tồi tệ do chịu ảnh hưởng từ cuộc Nội chiến Mỹ và phải nhờ đến sự giúp đỡ của doanh nhân William Bucknell (cũng là thành viên hội đồng trường).

Với khoản quyên góp 50.000 USD (tương đương 1.340.000 USD theo giá trị ngày nay), ĐH Lewisburg vượt qua khó khăn. Năm 1886, các thành viên trong hội đồng trường bỏ phiếu, đồng thuận đổi tên trường thành ĐH Bucknell nhằm vinh danh nhà từ thiện này.

Tương tự, ĐH Colby (Maine, Mỹ) cũng được đổi tên theo Gardner Colby sau khi được ông hỗ trợ để vượt qua khó khăn tài chính trong thời kỳ Nội chiến.

Ban đầu, trường có tên Viện Thần học và Văn học Maine trước khi đổi thành ĐH Waterville.

Năm 1884, ĐH Indiana Asbury (Indiana, Mỹ), đổi tên thành ĐH DePauw theo tên doanh nhân Washington Charles DePauw - người đã tài trợ cho trường hơn 600.000 USD qua nhiều thời kỳ.

> Tìm hiểu về chương trình thực tập hưởng lương tại Đức

> Chia sẻ hành trình học tập của cô nàng Cao Bằng giành học bổng của Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc

Theo Zing news