Thầy Huỳnh Thanh Phú: Không nên áp dụng giải pháp "cào bằng" để tránh lãng phí nguồn ngân sách, chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn, học sinh nghèo.

Bộ Giáo dục sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK

Bộ Giáo dục sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

1. Đề xuất phương án mua sách cho học sinh nghèo mượn

Tại Hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đã giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án nhà nước mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn.
Thứ trưởng Thưởng thông tin, qua tính toán, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên này sẽ khoảng 3.500 tỷ đồng, hàng năm bổ sung khoảng 20%.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào với hai lý do như sau:
Thứ nhất, sách giáo khoa (hiện nay) là “tài liệu tham khảo”, nhưng thuộc dạng tài liệu đặc biệt, học sinh và giáo viên cần phải có nên đề xuất này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thuộc gia đình nghèo có sách giáo khoa để học tập.
Thứ hai, khi sách giáo khoa thuộc thư viện trường, học sinh được mượn đầu năm học, cuối năm học trả lại để mượn sách giáo khoa của năm học sau. Như vậy, một bộ sách giáo khoa sẽ được sử dụng qua nhiều thế hệ học sinh, không bị lãng phí.

Nhiều hiệu trưởng hiến kế để chống lãng phí khi chi 3.500 tỷ mua SGK cho HS mượn - Ảnh 1

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội).

Tuy nhiên, triển khai phương án này như thế nào vì thực tế học sinh các tỉnh miền núi, thuộc các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú đã có Nghị định 81/2021/NĐ-CP chu cấp gạo, tiền để ăn và học, sách giáo khoa được mượn ở thư viện trường. Và ở đâu cũng có người giàu, người nghèo, người có tiền hoặc không có tiền mua sách giáo khoa cho con.
"Học sinh nghèo, rất nghèo mới cần mượn sách giáo khoa của thư viện. Thực tế gia đình nào cũng muốn mua cho con một bộ sách giáo khoa. Thậm chí gia đình có điều kiện mua cho con hai bộ sách giáo khoa là chuyện dễ dàng, một bộ để ở trường, một bộ để ở nhà.
Vì vậy, tôi mong Bộ Tài chính và Chính phủ ủng hộ đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Mua sách giáo khoa trang bị cho các trường học, để học sinh nghèo có sách học tập", thầy Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh.
Cùng đánh giá về phương án dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện trường học để cho học sinh mượn, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một chính sách nhân văn, thấy được sự quan tâm đầu tư đối với ngành giáo dục và với các em học sinh.
“Việc nhà nước dự kiến bỏ ra 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn là một sự hỗ trợ cần thiết, ý nghĩa đối với tất cả học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc sử dụng sao cho phù hợp, không lãng phí kinh phí là vấn đề cần quan tâm.
Theo tôi, những gia đình có điều kiện, việc bỏ tiền mua bộ sách giáo khoa cho con là điều dễ dàng nên họ thường không có nhu cầu mượn sách. Trong khi đó, lại có nhiều phụ huynh kinh tế gia đình khó khăn, việc mua một bộ sách cũng gây áp lực cho họ. Vì thế, không nên áp dụng một giải pháp "cào bằng" để tránh lãng phí nguồn ngân sách.
Ví dụ, một số thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng thì phần lớn điều kiện của mỗi gia đình đều đáp ứng được việc mua một bộ sách giáo khoa cho con nhưng các gia đình ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo thì việc bỏ ra khoảng 500.000 nghìn đồng - 1 triệu đồng mua bộ sách giáo khoa rất khó. Ngân sách làm điều này rất hay nhưng phải tính toán và lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ, tránh lãng phí”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du nhấn mạnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo và chỉ là một "kênh" học tập. Trước đó, trong 2 năm đại dịch, học sinh đã được học trực tuyến, được tiếp xúc với nhiều phương tiện thông minh để tìm kiếm tài liệu, phục vụ học tập. Như vậy, hiện tại, chúng ta có thể trang bị sách điện tử ở các lớp học thông qua việc đầu tư cho mỗi lớp 1-2 máy vi tính để học sinh có thể truy cập sách điện tử ngay tại lớp.
“Ở những nơi vùng sâu, vùng xa không có internet thì sách giáo khoa có vai trò quan trọng, cần được trang bị đầy đủ, không được để thiếu. Đồng thời, nhà nước cũng cần quan tâm nhiều hơn, đưa nền công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đến những nơi đó để cải thiện và tạo sự công bằng trong tiếp cận kiến thức, giáo dục”, thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay.

Nhiều hiệu trưởng hiến kế để chống lãng phí khi chi 3.500 tỷ mua SGK cho HS mượn - Ảnh 2
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh, đối với sách giáo khoa phục vụ việc học tập của học sinh, đẹp chỉ là một yếu tố, người dân thích nhất là rẻ.
“Trước kia, một môn học chỉ có một cuốn, thiết kế đơn giản nhưng hiện nay một môn nhiều cuốn tập 1, tập 2, sách chuyên đề,..Chính vì vậy, giá thành bộ sách trở nên đắt hơn.
Theo tôi, để tiết kiệm và phù hợp với kinh tế của mọi gia đình, các nhà xuất bản nên thiết kế gọn lại trong một cuốn. Đồng thời, Chính phủ và các bộ ngành có thẩm quyền phải kiểm soát hoặc đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được quy định giá để phụ huynh dễ dàng tiếp cận.
Hơn nữa, các nhà xuất bản cũng nên thể hiện vai trò rõ hơn đối với xã hội. Nhà xuất bản có thể chiết khấu giá sách, giảm giá sách hoặc tặng một số lượng sách cho trường học để nhà trường hỗ trợ được các học sinh khó khăn”, thầy Phú kiến nghị.
Cùng đưa quan điểm về vấn đề này, thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Chà (Lai Châu) đánh giá, phương án mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn là chính sách tốt tuy nhiên không nên cào bằng vì như vậy sẽ dẫn tới lãng phí ngân sách và không hợp lý.
“Đây là chính sách tốt, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với giáo dục. Tuy nhiên triển khai như thế nào và quản lý sử dụng ra sao là một vấn đề cần quan tâm. Việc cho học sinh mượn thì mỗi năm sẽ phải thu lại sách về, công tác rất phức tạp, vì thực tế không phải học sinh nào cũng bảo quản được sách đặc biệt là các học sinh tiểu học.
Vì vậy, nếu lựa chọn cách "chống lãng phí" thì Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo mà cụ thể là các trường phổ thông phải khảo sát để tính toán nhu cầu thực sự cần, từ đó, có kế hoạch phân bổ ngân sách chi cho sách giáo khoa và có thể tạo điều kiện mua luôn cho các em học sinh khó khăn”, thầy Lê Đình Chuyền nói.

2. Rất nhân văn nhưng cần xác định con số, tránh tiêu cực

Phải quản lý như thế nào để những học sinh hoàn cảnh khó khăn có thể thuận lợi nhất mượn được sách giáo khoa phục vụ học tập. Còn nếu làm không tốt thì sẽ không mang được sách đến với đối tượng thực sự cần, có khi học sinh nhà nghèo không mượn được sách mà những người có điều kiện cuộc sống tốt, khá giả lại lợi dụng chính sách này để không phải chi tiền mua sách.
Phải xem xét đối tượng học sinh nào được mượn sách, có quy định chi tiết, cụ thể cho từng đối tượng, tạo điều kiện cho học sinh nghèo đều được tiếp cận sách giáo khoa.
Mỗi chính sách cần đi kèm những quy định rất cụ thể, cần có một khảo sát thực tế từ các địa phương để xem học sinh nào không đủ điều kiện mua sách và thực sự có nhu cầu mượn sách.
Phải làm rõ con số học sinh nghèo cần mượn sách là bao nhiêu thì việc thực hiện mới đảm bảo hiệu quả, công bằng, tránh lãng phí.
Thêm một vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm là việc quản lý chi tiêu, sử dụng ngân sách. Dùng ngân sách nhà nước để thực hiện một chính sách mà không quản lý được sẽ dẫn tới vấn đề tham ô, tiêu cực. Đây chính là một vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
3.500 tỷ đồng là một số tiền lớn, chính vì vậy càng phải thực hiện công khai, rõ ràng, từ tổ chức in ấn, phát hành sách, đơn vị đấu thầu,... Nếu không quản lý chặt chẽ, chi tiết, tổ chức đấu thầu không rõ ràng thì nguy cơ tiêu cực, tham nhũng lại xuất hiện.
“Chúng ta chưa thể quên vấn đề tham nhũng nhức nhối từ vụ Việt Á, ngay trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, phải gồng mình lên để chống chọi với dịch bệnh mà vẫn có nhiều người tham ô, tư lợi cá nhân.
Vì vậy, dù một chính sách nhân văn nhưng quan trọng là cách thức thực hiện để không xảy ra những vụ “Việt Á” trong giáo dục.
Thực hiện được chính sách này cũng là một bài toán khó, triển khai như thế nào thì cũng phải kèm theo những biện pháp chống tham nhũng. Còn nếu để xảy ra tham ô, lãng phí, chúng ta sẽ mất tiền, mất cán bộ và mất cả lòng tin của nhân dân”, ông Nguyễn Bá Thuyền trăn trở.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, trích ngân sách mua sách giáo khoa cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn là một chính sách tốt. Nhưng điều quan trọng là phải xác định đúng đối tượng có nhu cầu mượn sách, dành sách cho số học sinh gia đình nghèo, không đủ điều kiện tài chính để mua.

Nhiều hiệu trưởng hiến kế để chống lãng phí khi chi 3.500 tỷ mua SGK cho HS mượn - Ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tuy nhiên, khi chúng ta đang thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi trường học, mỗi địa phương có sự lựa chọn riêng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xác định mua những bộ sách giáo khoa nào để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu, tránh xảy ra tình trạng thừa, lãng phí hoặc sách không được dùng đến.
Vậy cần phải giải quyết các vấn đề như: những đối tượng nào được mượn sách? Mua bộ sách nào? Mua như thế nào? Cơ chế thực hiện ra sao? Trong quá trình triển khai thực hiện phải thực sự công khai, minh bạch ở từng địa phương.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, cần có thống kê cụ thể, ở địa phương này có bao nhiêu học sinh hoàn cảnh khó khăn, cần chi số tiền bao nhiêu, mua bộ sách nào,....
Việc mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo để các em có sách học tập là vô cùng cần thiết, nhưng cũng cần có một cơ chế thực hiện đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, công khai, tránh tình trạng xảy ra tiêu cực hay lãng phí.

> Hơn 1000 tác giả trình độ tiến sĩ đã tham gia biên soạn sách giáo khoa mới

> Quyết định về học phí năm học mới TPHCM sẽ có khi nào?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp