Những thay đổi mới nhất về chính sách visa du học Anh
Cục di trú và biên giới Anh thông báo một số thay đổi trong chính sách xin visa du học Anh, áp dụng cho các hồ sơ xin visa du học nộp sau ngày 6/4/2015, cụ thể:
- Thay đổi yêu cầu về tiếng Anh, theo đó, sinh viên đăng ký học dự bị đại học và cao đẳng không trực thuộc đại học sẽ phải thi kì thi IELTS dành riêng cho việc xin visa du học tại Anh. Kì thi này được gọi là IELTS UKVI mà điểm khác biệt với kì thi IELTS thông thường là: lệ phí thi gấp đôi thi thường, đăng kí thí online và thi dưới sự giám sát của Camera. Yêu cầu chung là thí sinh cần đạt 4,5 IELTS KUVI là tối tiểu. Nếu không đạt, thí sinh có thể thi PTE A (PearsonTest of English) đạt tương đương 4.5 IELTS và nộp cùng chứng chỉ IELTS UKVI trong hồ xin visa. Sinh viên đăng kí học cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ có thể dùng bất kì chứng chỉ tiếng Anh nào, PTEA hoặc IELTS.
- Yêu cầu sinh viên mua bảo hiểm ytế(trước đây dược miễn), trị giá 150 bảng Anh, cho khóa học được cấp visa du học. Mỗi lần xin gia hạn visa, sinh viên đều phải mua bảo hiểm này để được cấp visa.
- Không dán visa cho toàn bộ khóa học từ Việt Nam mà chỉ cấp thẻ nhập cư vào Anh và sinh viên sẽ nhận thẻ thường trú tại Anh trong vòng 10 ngày đầu đến Anh.
Lý do bị từ chối visa du học Anh và những câu hỏi thường gặp
Như vậy, với các thay đổi trên, du học sinh Anh sẽ cần thận trọng hơn trong việc đăng kí thi tiếng Anh tại IELTS UKVi. Vì nếu chỉ cần đăng kí sai một chi tiết, bạn sẽ phải đăng kí lại và trả lại một lần chi phí (khoảng 7 triệu). Kết quả thi IELTS UKVi hiện nay mới chỉ được công nhận cho việc xin visa du học Anh. Sinh viên có điểm IELTS UKVi muốn du học ở nước khác cần kiểm tra với trường mình dự kiến học xem trường có chấp nhận điểm thi này không. Bạn cũng sẻ phải nộp tiền bảo hiểm ytế, vốn trước kia được miễn…Tuy nhiên, theo Cục di trú và biên giới Anh, những thay đổi trên nhằm đảm bảo an ninh, quản lý sinh viên tốt hơn và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho sinh viên.
Lý do khiến bạn bị từ chối visa du học Anh là gì?
Hằng năm, trung tâm thị thực hồ sơ Anh vẫn cấp trên 3.000 Visa cho học sinh, sinh viên Việt. Thế nhưng số lượng Visa bị từ chối cũng không phải là ít, nguyên nhân chính là các bạn vẫn chưa thật sự nắm vững các quy định của trung tâm thị thực đề ra.
Hồ sơ xin Visa du học Anh không tốt: Đây là lỗi cơ bản nhất, thường xảy ra ở các trường hợp “nước đến chân mới nhảy”. Bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ trước ngày nhập học ít nhất là 3 tháng tránh trường hợp việc xét Visa kéo dài hơn mong đợi, sẽ ảnh hưởng tới việc học và tâm lý xin Visa. Việc chuẩn bị hồ sơ xin Visa sớm sẽ giúp bạn có thời gian chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết mà trung tâm thị thực đề ra.
Nhiều bạn rớt Visa do không chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như: Bằng cấp, bảng điểm, chứng chỉ IELTS hay đơn giản là thông tin trên thư xác nhận nhập học (CAS) không chính xác. Điều này chứng tỏ bạn không có sự chuẩn bị kỹ càng và gây mất thời gian cho các chuyên viên tiếp nhận hồ sơ thị thực Anh quốc.
Lỗi chứng minh tài chính không đạt yêu cầu: Yếu tố này rất quan trọng cho việc xin Visa, bạn cần phải chứng minh với trung tâm thị thực Anh là gia đình bạn có kinh tế đủ chi trả cho suốt quá trình học tập của bạn. Các lỗi căn bản thường thấy như sổ tiết kiệm mở chưa đủ, xác nhận số dư ngân hàng trước ngày nộp hồ sơ Visa quá một tháng và được cấp khi tài khoản tiết kiệm chưa đủ ít nhất 28 ngày. Ngoài ra, tài khoản tiết kiệm dùng để xin Visa phải do học sinh hoặc phụ huynh học sinh đứng tên mới có giá trị chứng minh tài chính. Tài khoản tiết kiệm mở bằng vàng, chứng khoán hay giá trị cổ phiếu cũng không có giá trị chứng minh tài chính.
Phỏng vấn xin Visa du học Anh: Du học sinh đăng ký xin Visa Anh phải trải qua các cuộc phỏng vấn bởi Cục Biên giới Anh (UK Border Agency – UKBA). Bạn cần phải trung thực trong phỏng vấn, bày tỏ được nguyện vọng du học chính đáng và phải trải qua các bài kiểm tra tiếng Anh đàm thoại cơ bản. Những sinh viên không thể đến phỏng vấn cũng sẽ bị từ chối nếu không đưa được lý do chính đáng.
Khi tham gia phỏng vấn nếu không chuẩn bị rõ các thông tin về khóa học, trường học, nhà ở tại Anh, thông tin sai lệch hoặc trả lời phỏng vấn như học thuộc lòng, bạn có thể bị từ chối Visa. Các câu hỏi phỏng vấn thường xoay quanh những vấn đề đơn giản như: Thông tin học sinh, mục tiêu học tập và khả năng đáp ứng yêu cầu về tài chính khi du học tại Anh. Mục tiêu của cuộc phỏng vấn nhằm kiểm tra tính trung thực của học sinhvà khả năng tiếng Anh có đủ đáp ứng Luật Di trú.
Một số lỗi thường gặp khác khi bị từ chối cấp visa du học Anh như:
- Nộp hồ sơ muộn.
- Giấy nhập học hoặc ngày bắt đầu khóa học đã hết hạn.
- Không cung cấp giấy tờ gốc hoặc nộp sai giấy tờ.
- Thông tin trên giấy tờ bị sai lệch.
- Dùng thư nhập học cũ hoặc đã quá hạn.
- Thời gian khóa học vượt quá quy chuẩn thông thường.
- Người bảo trợ không đủ tư cách.
- Nguồn chứng minh tài chính không đủ.
- Đơn vị bảo trợ (trường) không xác nhận được khóa học của sinh viên phù hợp với quá trình học tập trước đó.
- Không có thư xác nhận của bố mẹ đồng ý cho con đi học (với học sinh dưới 18 tuổi).
- Không cung cấp đầy đủ lịch sử du lịch hoặc nhập cảnh.
- Ảnh thẻ quá 6 tháng.
- Không có giấy chứng nhận không nhiễm bệnh lao phổi.
Một số câu hỏi phỏng vấn visa du học Anh thường gặp
1.Tại sao bạn lại chọn trường đại học này và bạn đã tìm thấy nó như thế nào?
Để chuẩn bị cho câu hỏi này, bạn có thể vào trang web của trường mà bạn chọn, ghi những thông tin về trường, đặc biệt những thông tin về xếp hạng của trường trên thế giới, các cơ sở nghiên cứu, thông tin giảng viên,… và trình bày những hiểu biết của bạn về trường (có tiện ích gì cho sinh viên theo học, cơ sở vật chất, chế độ học bổng,…)
Câu trả lời có thể như sau: “Trường Đại học này xếp hạng cao nhất trong lĩnh vực mà tôi đang có ý định theo học. Tôi được biết về trường này khi đang tìm thông tin trên mạng và đã truy cập vào trang web chính thức của trường để tìm hiểu thông tin và tôi thật sự ấn tượng bởi thông tin về các khoa chuyên ngành và chương trình đào tạo. Nó gần như giống với những gì tôi mong muốn được học.”
2.Tại sao bạn lại chọn du học Anh mà không học trong nước?
Bạn nên nhấn mạnh đến chất lượng đào tạo giáo dục ở Anh và xếp hạng của nó trên thế giới. Nếu chuyên ngành học của bạn không có ở trong nước (như học vẽ truyện tranh chẳng hạn) thì bạn nên trình bày rõ rang. Còn nếu trong nước có đào tạo chuyên ngành đó, hãy nhấn mạnh đến sự khác biệt về chất lượng giáo dục và cấu trúc khóa học ở Việt Nam và Anh. Cần nhất là bạn phải thuyết phục người phỏng vấn rằng khóa học ở Anh sẽ làm tăng giá trị hồ sơ của bạn. Nếu có thể dẫn ra những nghiên cứu về ngành học của bạn thì càng tốt.
“Nước Anh luôn là trung tâm giáo dục xuất sắc, đặc biệt là trong lĩnh vực … (ngành bạn muốn theo học) và cung cấp nền giáo dục chất lượng, đề cao việc thu nhận kiến thức bằng thực hành, vì vậy đây rõ ràng là một lựa chọn hợp lý.
3.Tại sao bạn lại chọn chuyên ngành này? Nó có liên quan đến ngành học của bạn trước đây không?
Bạn nên trình bày rõ ràng kế hoạch tương lai sau khi hoàn thành khóa học. Hãy chuẩn bị câu trả lời thật tốt và làm rõ các vấn đề như: tại sao bạn lại quan tâm đến ngành này? (vì đam mê, sở thích,…), bạn sẽ làm gì với những kiến thức học được ở Anh?, nếu không liên quan đến ngành học trước thì tại sao bạn lại quyết định chuyển ngành?,…
4. Bạn có dự định làm việc ở Anh sau khi khóa học kết thúc?
Người phỏng vấn muốn biết liệu bạn có sẵn sàng quay trở về sau khi học xong hay không. Bạn nên tham khảo kỹ thông tin về chính sách nhập cư của Anh và trình bày thật cẩn thận và rõ ràng. Nếu muốn ở lại Anh, hãy nêu ra những điều kiện mà bạn đáp ứng đầy đủ theo chính sách nhập cư. Còn nếu không, bạn có thể trình bày về kế hoạch trở về nước của mình.
5. Bạn có kế hoạch gì khi học xong?
Người phỏng vấn muốn biết kế hoạch tương lai của bạn, nhưng sâu xa hơn là muốn kiểm tra liệu bạn có nghiêm túc với ngành học mà mình theo đuổi. Bạn nên thể hiện rõ điều này
“Khi học xong ngành kinh tế, tôi sẽ trở về nước, xin vào làm ở một công ty có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và học hỏi kỹ năng thực tế. Tôi muốn mở một công ty riêng nên sẽ tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm. Hiện tôi đang nhắm đến làm việc tại công ty A…”
6. Bạn dự tính mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền sau khi tốt nghiệp?
Nếu trước đó bạn đề cập đến việc sẽ quay trở về nước thì câu trả lời tốt nhất nên đưa ra con số theo Việt Nam đồng. Đừng đưa ra một con số không thực tế. Hãy nghiên cứu mức lương của ngành đó tại Việt Nam, mức lương của một số du học sinh về nước và tham khảo số tiền mà cựu học sinh trường đại học đó kiếm được và đưa ra con số chính xác dựa trên những số liệu này.
“Khởi đầu của một nhân viên trong ngành kinh tế ở nước tôi thường từ 5 – 7 triệu Việt Nam đồng. Vì tôi muốn lập một công ty riêng nên tôi sẽ cố gắng đẩy mức lương của mình lên khoảng 15 triệu/tháng. Dựa vào khả năng và sự chăm chỉ, tôi tin mức lương còn có thể cao hơn nữa”.
7. Bạn sẽ ở đâu khi du học tại Anh?
Bạn nên tìm chỗ ở trước khi sang Anh và nhớ chính xác địa chỉ này. Điều đó sẽ chứng tỏ bạn có tìm hiểu và lên kế hoạch cho việc du học. Vì vậy hãy chuẩn bị hoàn tất những việc này trước khi xin visa.
8. Người tài trợ cho việc học của bạn là ai? Họ sẽ tài trợ bao nhiêu?
Họ muốn kiểm tra và xác minh nguồn tài trợ của bạn, vì vậy bạn nên cung cấp đầy đủ thông tin và khớp với những gì bạn đã chuẩn bị trong hồ sơ. Nếu có giấy chứng minh tài chính thì tốt hơn nên mang theo. Còn nếu bạn được học bổng thì cũng nên xin giấy xác nhận mức học bổng từ tổ chức đó để chứng minh cho người phỏng vấn. Còn nếu bạn du học tự túc, bạn hãy trình bày rõ chức vụ của ba (mẹ) trong cơ quan làm việc, thu nhập hàng tháng, tài khoản ngân hàng,…
9. Bạn có người thân nào ở Anh không?
Hãy trung thực và khôn khéo khi gặp câu hỏi này. Nếu bạn có người thân ở Anh nhưng khá xa nơi bạn theo học hoặc họ hàng xa, có thể không cần đề cập nhiều về họ. Nếu bạn có họ hàng lưu trú bất hợp pháp hay quá hạn visa ở Anh thì đây sẽ là một bất lợi.
10. Triển vọng nghề nghiệp của bạn?
Bạn nên trả lời câu này một cách rõ ràng và nhấn mạnh ngành học này có vị thế như thế nào ở Việt Nam.
“Tôi chắc chắn rằng với nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh của Việt Nam (có thể đưa ra số liệu phát triển cụ thể), cơ hội sẽ rộng mở cho tôi phát triển công ty của mình. Những kiến thức tôi học được ở Anh chính là chìa khóa cho tôi thành lập và mở rộng công ty và có thể trong tương lai sẽ giúp tôi liên kết với các công ty khác ở Anh hoặc của nước khác”.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, visa du học Anh, học bổng du học Anh việc làm thêm khi chọn du học Anh có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các dịch vụ tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.