Sự kiện Hot: TUYEN SINH 2012 - DIEM THI DAI HOC - DIEM CHUAN DAI HOC
Tin liên quan
Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), giáo dục nước ta, trong đó có giáo dục đại học đã phát triển nhanh chóng, nhưng đang bất cập trước yêu cầu phát triển. Sự ách tắc, chất lượng thấp trong giáo dục nghề nghiệp đại học cần phải cơ cấu lại. Giáo dục đại học ở nước ta như đường đi bị thắt cổ chai, như dòng chảy bị tắc nghẹn, khó liên thông trong toàn hệ thống. Cần thực sự tạo ra một xã hội học tập
Luật Giáo dục đại học cần tháo gỡ, mở đường để thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo góp phần đột phá đào tạo nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Nhiều nội dung cụ thể cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đưa vào Luật Giáo dục đại học. Nhưng để mở đường cho thời kỳ phát triển cần cơ cấu lại hệ thống; tổ chức sắp xếp lại cơ sở giáo dục đại học và đổi mới hẳn cơ chế quản lý giáo dục đại học cả tầm vĩ mô và vi mô.
1. Cần phải cơ cấu lại giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục.
Hệ thống giáo dục quốc dân nhất là giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học được quy định trong luật pháp và thực tiễn ở nước ta quá phức tạp. Sự phức tạp này dẫn đến sự ách tắc, trì trệ, kém hiệu quả cho người học và cả xã hội. Cuộc sống đang đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực đa dạng về trình độ, cơ cấu và liên thông giữa các cấp học, nhưng việc chia tách hệ thống rời rạc, thiếu sự liên thông, làm cho người học, người làm khó tiếp tục học tập suốt đời, phù hợp với điều kiện của từng đối tượng để vươn tới đỉnh cao.
Luật Giáo dục năm 1998, năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta gồm: giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; giáo dục đại học và sau đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ. Năm 2006, Luật Dạy nghề quy định ba trình độ đào tạo trong dạy nghề là sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Như vậy giáo dục nghề nghiệp bị xé lẻ thành trung cấp chuyên nghiệp riêng, dạy nghề riêng. Dạy nghề trình độ cao đẳng lại không được coi là một trình độ của đại học trong dự thảo Luật Giáo dục đại học. Liệu chúng ta có thêm một luật về trung học chuyên nghiệp không? Nếu có thì giáo dục nghề nghiệp ở nước ta đã cắt khúc lại càng xé nhỏ.
Do đó phải cơ cấu lại giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thành một và coi đây là giải pháp đột phá đào tạo nguồn nhân lực hiện nay. Luật Giáo dục đại học cần quan tâm đến tính liên thông đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong cả hệ thống. Các nước có nền kinh tế phát triển có các đại học cộng đồng, đại học ở các địa phương và thực hiện đào tạo liên thông trình độ nghề nghiệp từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học cả chính quy và giáo dục thường xuyên. Cơ cấu và cách thức tổ chức này tạo điều kiện để thỏa mãn nhu cầu học cho các đối tượng đang học hoặc đang đi làm. Các trường trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề có thể đứng độc lập hoặc nằm ngay trong các cơ sở đại học, cao đẳng với các chương trình liên thông mềm dẻo.
Cơ cấu lại hệ thống sẽ có điều kiện và sức mạnh tổng hợp để đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và học, thi cử, kiểm tra theo chuẩn quốc gia. Nhân xây dựng Luật Giáo dục đại học cần cơ cấu lại giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để thực hiện phân luồng trong giáo dục phổ thông sau trung học sơ sở và trung học phổ thông với sự liên thông trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Giáo dục nghề nghiệp theo nghĩa rộng là hệ thống đa cấp, nhiều trình độ từ thấp đến cao, từ sơ cấp đến đại học. Thực chất giáo dục đại học về cơ bản cũng là giáo dục nghề. Như vậy, cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta theo hướng hiện đại gồm: giáo dục tiền học đường; giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp đến đại học. Cơ cấu lại giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta liên quan đến dự thảo Luật Giáo dục đại học. Đây là bước đột phá để tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, kết nối theo các chương trình chuẩn mềm dẻo. Đây là biện pháp tích cực để giải quyết việc phân luồng và liên thông trong toàn hệ thống giáo dục đang bị ngưng trệ hiện nay.
Giải pháp này cũng là bước đột phá để thực hiện chủ trương nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong việc thực hiện CNH, HĐH, hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. 2. Tổ chức, phân hạng cơ sở giáo dục đại học theo trình độ và chất lượng đào tạo.Hiện tại cơ sở giáo dục đại học đang mở ra ồ ạt cả công lập và ngoài công lập dẫn tới sự xuống cấp về chất lượng, khi nguồn lực nhỏ lại bị phân tán. Cần tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học để phân tầng, phân loại các cơ sở giáo dục đại học theo cơ cấu và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế tri thức. Vấn đề phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học là hạt nhân của hệ thống giáo dục đại học. Đây là nơi đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, kể cả việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trước đây nước ta đã có trường đại học và là nơi bồi đắp nguyên khí quốc gia. Ngày nay trường đại học phải là nơi đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, giành được độc lập chúng ta bắt tay ngay vào việc xây dựng nền giáo dục cách mạng.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, các trường đại học đầu tiên được thành lập ở miền Bắc gồm: Đại học Y, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp, Đại học Nông Lâm, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế - Tài chính (nay là Đại học Kinh tế quốc dân). Đây cũng là 6 trường đại học trọng điểm quốc gia sau này. Từ 6 trường đại học ban đầu đã lan tỏa thành nhiều trường đại học ở miền Bắc và là cơ sở cho việc sát nhập, hình thành các trường, viện đại học ở miền Nam sau ngày giải phóng năm 1975. Trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986, nước ta đã phát triển nhiều loại mô hình tổ chức đại học theo cách quản lý khác nhau. Cả nước có hai đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ba đại học vùng (Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế), 16 trường đại học trọng điểm (có cả 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng). Hiện tại năm học 2010 - 2011, cả nước có 202 trường đại học (kể cả các trường đại học thành viên trong 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng), trong đó có 149 trường đại học công lập, 53 trường đại học ngoài công lập. Tổng số trường cao đẳng có 218 trường (trong đó 190 trường cao đẳng công lập, 28 trường cao đẳng ngoài công lập).
Trong số 420 trường đại học, cao đẳng đã hình thành nhiều mô hình tổ chức, hoạt động và quản lý khác nhau. Trường đại học thuộc trung ương, địa phương, thuộc các bộ, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn, đại học công lập, tư thục... Một số cơ sở đào tạo thuộc các bộ, ngành được đặt tên là học viện, nhưng thực chất là trường đại học. Hiện tại cách phân chia đại học nặng về tiêu chí quản lý hành chính, chưa hướng tới phân tầng đại học theo chất lượng gắn với cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực.
Mô hình cơ sở giáo dục đại học có mô hình hai cấp (trường trong đại học) đối với các trường đào tạo đa lĩnh vực như hai đại học quốc gia và đại học vùng còn lại theo mô hình quản lý cũ, trong trường có khoa và bộ môn. Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học đang hình thành mô hình tổ chức hai cấp, không đặt tên trường trong trường mà gọi là viện đào tạo đại học trong trường đại học, các viện có con dấu riêng và bắt đầu tự chủ. Luật Giáo dục đại học nên thống nhất gọi chung các học viện, viện đào tạo đại học là trường đại học.
Trường trong trường là mô hình trường đại học tổng hợp, một xu hướng đào tạo cơ cấu nguồn nhân lực đa lĩnh vực, đa ngành trong các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới và khu vực đang xâm nhập vào hệ thống giáo dục ở nước ta. Tuy nhiên, mô hình tổ chức đại học các nước có bộ máy gọn nhẹ không trở thành một cơ quan trung gian. Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự cạnh tranh về chất lượng và hiệu quả. Đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Do đó việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học cần dựa vào tiêu chí chất lượng. Để nước ta nhanh chóng có các cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp, danh tiếng, có thương hiệu được xếp hạng ở quốc gia, khu vực và quốc tế, cần có tiêu chí đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học.
Nhà nước, xã hội và bản thân cơ sở giáo dục đại học cần tập trung đầu tư đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao, được ưu tiên đầu tư và mọi cơ sở giáo dục đại học đều phải có trách nhiệm đào tạo nguồn lực có chất lượng theo các trình độ đào tạo. Nhà nước, xã hội và các cơ sở giáo dục đại học phải đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo và công khai, minh bạch hàng năm để người học lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với năng lực và khả năng của mình. Phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo chất lượng gắn liền với việc phân loại đầu vào và đầu ra của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Có thể sau kỳ thi tốt nghiệp giáo dục phổ thông là kỳ thi tuyển giáo dục nghề nghiệp quốc gia. Học sinh đạt điểm cao và đoạt giải quốc gia, quốc tế sẽ vào đại học, học sinh đạt điểm thấp vào cao đẳng, điểm ít và không thi sẽ vào học trung cấp hoặc sơ cấp nghề.
Việc phân loại đầu ra của hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng phải sàng lọc để tạo áp lực cho học sinh, sinh viên học tập nâng cao chất lượng, không để tình trạng đầu vào bao nhiêu khi ra đều tốt nghiệp. Sự sàng lọc này cần có sàn dưới là trình độ cao đẳng, trung cấp. Khi sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp có thể được kéo dài trong thời hạn quy định để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Không để học sinh theo học bỏ dở, không có bằng cấp được chứng nhận.
Thời gian đào tạo giáo dục nghề nghiệp cần rút ngắn theo xu hướng hiện nay của thế giới. Đây cũng được xem là một giải pháp đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta. Chương trình giáo dục nghề nghiệp cần tăng thực hành, giảm lý thuyết, giảm trùng lắp. Thống nhất các môn học bắt buộc để đảm bảo liên thông chương trình đào tạo trong hệ thống, mở rộng các môn tự chọn để đảm bảo tính mềm dẻo của chương trình. Tùy theo từng trường và từng ngành đào tạo, đại học có thể thực hiện theo chương trình 3 năm rưỡi, cao đẳng 2 năm, trung học từ một đến một năm rưỡi, trình độ cơ cấp học dưới một năm tùy theo ngành nghề và trình độ đầu vào.
Khi ban hành Luật Giáo dục đại học cần nghiên cứu sửa đổi thời gian đào tạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp, không nên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề hiện hành. Để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết Đại hội XI, cần rà soát lại những điều khoản Luật hiện hành không còn phù hợp. Cần có chương trình bổ túc văn hóa, học thường xuyên phù hợp để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và chưa tốt nghiệp trung học phổ thông khi đi học nghề sơ cấp, trung cấp được học các môn cơ bản để tốt nghiệp trung học phổ thông và có thể học cao hơn khi có điều kiện. Nghiên cứu đổi mới thời gian, cách thức đào tạo giáo dục thường xuyên, tại chức, từ xa để đáp ứng nhu cầu quy mô giáo dục đại học đang quá tải và thực sự tạo ra một xã hội học tập.
Cách phân loại học sinh vào học và tốt nghiệp ra trường được xã hội công nhận cả trình độ cao như thạc sỹ, tiến sỹ là một loại tiêu chí phân tầng chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Thông thường cơ sở giáo dục chất lượng cao sẽ thu hút nhiều học sinh giỏi vào học. Cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao còn thể hiện ở đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, số lượng tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư, những học giả có tài năng trong và ngoài nước tìm kiếm đến học tập và làm việc tại trường trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế... Cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thể hiện ở chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập mang tính độc lập, đặc thù của trường và được các cơ sở giáo dục khác sử dụng.
Cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao phải là nơi tin cậy của xã hội về tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ được xã hội chấp nhận, nơi đạt các giải thưởng cao về các công trình khoa học, công nghệ được công bố. Gần như các cơ sở giáo dục chất lượng cao là nơi có cơ sở vật chất được đầu tư với sự đóng góp đáng kể của Nhà nước, các nhà tài trợ, cựu sinh viên vì đây là nơi rèn đúc nhân tài và sự thành đạt của những người được đào tạo.
Những tiêu chí trong phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo chất lượng được cụ thể hóa đưa vào Luật Giáo dục đại học hướng vào chất lượng mà cả xã hội đang mong đợi. Như vậy, phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo chất lượng không chỉ để Nhà nước có chính sách đầu tư mà còn để các cơ sở đào tạo tự phấn đấu, đầu tư, cạnh tranh vì chất lượng và danh tiếng của mình.
Bạn có thể đặt câu hỏi liên quan đến luat giao duc dai hoc,Tuyển sinh 2012,hoặc đặt câu hỏi để được tư vấn những thắc mắc của bạntại ô bên dưới:
Những chủ đề đang được quan tâm:
DIEM THI - DIEM THI DAI HOC 2012 - DIEM THI DAI HOC - XEM DIEM THI
DIEM CHUAN - DIEM CHUAN DAI HOC - DIEM CHUAN DAI HOC 2012
TUYEN SINH - TUYỂN SINH - CHI TIEU TUYEN SINH 2012
Kênh Tuyển Sinh
(Theo: vtc)