Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Minh họa: Bắt buộc phải kiểm định đối với Đại học
Ngày 4-11, thảo luận dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH), nhiều ĐBQH cho rằng, cần buộc các trường đại học kiểm định chất lượng và công bố kết quả kiểm định.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho rằng, để quản lý được chất lượng đại học thì các trường phải được kiểm định độc lập. Kết quả kiểm định phải được công khai. Ngay cả với các trường đại học liên kết với nước ngoài cũng phải công khai các điều kiện để đảm bảo chất lượng, cũng như công khai thu chi.
“Việc kiểm định phải là yêu cầu bắt buộc và công khai thông tin về chất lượng các trường”, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đồng tình. Ông Thường đề xuất thành lập một cơ sở dữ liệu về luận văn, luận án và công khai trên mạng để chấm dứt tình trạng sao chép.
Theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), nếu được thông qua, Luật GDĐH sẽ có hiệu lực từ 1-1-2013, nên từ bây giờ phải rà soát lại các trường, nếu trường nào không đảm bảo cơ sở vật chất phải sắp xếp lại. “Nếu để đến khi luật có hiệu lực trường nào không đủ điều kiện bị giải thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh viên, gây xáo trộn xã hội”, ông Hà nói.
ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) cho rằng, cần quy định chi tiết hơn về cơ cấu giảng viên cơ hữu, yêu cầu các trường phải có 2/3 giảng viên chính thức. Theo ông, quy định như hiện nay rất lỏng lẻo, nhiều trường thiếu giảng viên nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh, dẫn đến chất lượng yếu kém.
“Phải có một quy hoạch tổng thể về giáo dục. Quốc hội cần Chính phủ trình bản quy hoạch đó để làm căn cứ xem xét, tránh tình trạng mở trường ồ ạt mà không đảm bảo chất lượng, đặc biệt với các hệ đào tạo dân lập, tại chức. Tâm lý sính bằng cấp, khiến xã hội chạy theo tấm bằng đại học”, ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) nói.
Bức tranh đào tạo đại học được ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đánh giá là “nhà nhà, người người làm đại học”. “Liệu tới đây 63 tỉnh – thành phố có thành lập 63 đại học hay không?”, ông đặt câu hỏi.
Nên để các trường tự chủ
Một số ĐB đề nghị cần nghiên cứu cơ chế giao quyền tự chủ cho các trường, tạo điều kiện để họ bứt phá về chất lượng đào tạo. ĐB Hoàng Hữu Phước (TPHCM) cho rằng, hiện nay đời sống của người thầy rất khó khăn, “không có thầy nào sống được bằng nghề giáo”.
Để việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học có kết quả, đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, cần mạnh dạn thay đổi cơ chế học phí. “Các trường được tự chủ tài chính, lấy thu bù chi, tích lũy hợp lý thì mới có thể nâng cao chất lượng tương xứng. Đồng thời, cũng nên để các trường được tự chủ về tổ chức, nhân sự, chương trình học…”, ĐB Ngân kiến nghị.
ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cho rằng, trước mắt chỉ nên giao cho một số trường ĐH mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.