Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

hiep_hoi_truong_dan_lap

Thí sinh dự thi ĐH. Theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ; đến năm 2020,

tỷ lệ sinh viên các trường ngoài công lập phải đạt 40%. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Hiệp hội Trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam vừa có công văn số 59 gửi Bộ Chính trị kiến nghị 3 nội dung liên quan đến dự thảo đề án Luật Giáo dục Đại học đang trình Quốc hội xem xét. Cụ thể là quyền tự chủ của các trường ĐH; vai trò của hội đồng trường trong trường ĐH công và cơ chế lợi nhuận của các trường ĐH ngoài công lập.

 

Theo kế hoạch, ngày 2/11, Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Giáo dục ĐH để Quốc hội cho ý kiến.

 

Trong công văn gửi Bộ Chính trị - Hiệp hội nêu quan điểm, hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu khi trao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Tuy nhiên, không nên thành lập ồ ạt tổ chức này ở tất cả các trường ĐH, mà trước hết cần thành lập trước ở những trường đã hội đủ 2 điều kiện sau:

 

Thứ nhất, đã thực hiện được đủ năng lực để được nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm của trường.

 

Thứ hai, đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường được thể hiện qua vai trò của các đại diện của mình trong hội đồng trường.

 

Hiệp hội cũng đồng nhất cho rằng, cơ cấu thành viên của hội đồng trường phải thể hiện tính cộng đồng thật sự của chủ sở hữu. Do đó, số lượng các thành viên "ngoài trường" trong hội đồng trường phải chiếm đa số.

 

Trong khi đó, tại buổi họp báo chiều 26/10 khi giới thiệu dự luật, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng hội đồng trường thành lập mà không hoạt động được là do hiệu trưởng nằm ngoài tổ chức này. Do đó, dự thảo đã quy định cụ thể chủ tịch hội đồng trường cũng chính là hiệu trưởng.

 

Hội đồng trường sẽ hoạt động dưới sự giám sát của các thành viên nên không có chuyện hiệu trưởng lộng quyền; đồng thời sẽ không có tình trạng người đứng đầu "vừa đá bóng vừa thổi còi" - Thứ trưởng nói.

 

Về cơ chế lợi nhuận, hiệp hội cho rằng, nhà nước chưa có qui định hệ thống tiên chí rõ ràng để xác định thế nào là phi lợi nhuận, thế nào là vì lợi nhuận. Dù đã có nhiều chủ trương khuyến khích ưu đãi các trường phi lợi nhuận được nêu ra trong các văn bản đã ban hành đều chưa thành hiện thực.

 

Do đó, hiệp hội kiến nghị: Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực để có cơ chế chính sách phù hợp...

 

Mặt khác, Nhà nước phải có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH không vì lợi nhuận. Cần xây dựng và sớm ban hành quy chế trường ĐH không vì lợi nhuận và ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cơ sở giáo dục ĐH không vì lợi nhuận.

 

Cùng với đó, chỉ những cơ sở giáo dục ĐH chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng - được nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận thì mới được quyền hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: giaoduc.edu.vn)