Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi.
Theo quy trình tạo ra một đoạn video từ gương mặt nhân tạo được thuê của diễn viên, chỉ sau vài phút, một đoạn băng hoàn chỉnh đã được tạo ra không khác gì hình ảnh thật tại trường quay.
"Với công nghệ trí tuệ nhân tạo, có thể hợp tác với các KOL, người nổi tiếng để tạo ra các MC ảo, người mẫu ảo giúp công việc sản xuất, kinh doanh trở nên thuận tiện hơn rất nhiều" - ông Hồ Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Vbee, cho biết.
Cũng cung cấp các dịch vụ trên môi trường số, dự án khởi nghiệp ReaVol hướng tới việc hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung với các công cụ văn bản, hình ảnh, âm thanh, đồ họa hình ảnh… chia sẻ tác phẩm của mình đến gần hơn với người dùng. Qua đó, các tác giả trẻ có thể thu lợi nhuận từ việc sáng tác trên các nền tảng này.
"Mỗi sản phẩm sẽ được gắn mã NFT giúp bảo vệ quyền tác giả và xác lập bản quyền khai thác trên môi trường số" - ông Tống Văn Huy, thành viên sáng lập dự án khởi nghiệp ReaVol, chia sẻ.
Hồ Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Vbee chia sẻ về quan điểm khởi nghiệp số hậu COVID-19
FoodHub - một startup công nghệ cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho thực phẩm sạch, Nguyễn Xuân Vinh - sáng lập FoodHub cho hay, ứng dụng giúp kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp thực phẩm sạch (các cửa hàng, siêu thị, trang trại). Người mua chỉ cần lên ứng dụng, đặt mua sản phẩm mình cần và chỉ sau 2 giờ, sản phẩm sẽ được giao tới tận nhà. Cũng theo người sáng lập FoodHub, nếu như trước dịch, ứng dụng này chỉ có 18.000 lượt người dùng thì chỉ sau 2 tuần giãn cách xã hội, lượng người dùng ứng dụng đã tăng thêm 7.000 người- tốc độ tăng trưởng chưa từng có trước đây. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn nhiều, lên tới 200, 300%. Thậm chí có những thời điểm, FoodHub lọt top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên các kho ứng dụng.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với xu thế và bối cảnh chống dịch. Khả năng sở hữu công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tinh gọn, tiết kiệm chính là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với nền dân số tri thức trẻ cùng động lực từ việc thúc đẩy kinh tế số, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết: "Các bạn Tech start-up của Việt Nam biết ứng dụng những công nghệ mới và đưa ra những mô hình kinh doanh sáng tạo. Nhiều bạn trẻ đã có những giải pháp được các tập đoàn, các quỹ đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đầu tư vào. Chứng tỏ trí tuệ Việt Nam có thể giải quyết được những bài toán khu vực và toàn cầu".
Đại dịch COVID-19 được giới chuyên gia nhận định như một phép thử khả năng "sinh tồn" của hầu hết các ngành, doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, có gần 60 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám này, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn phát triển và trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo quý 1 được Nextrans - Quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc công bố, trong 3 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 16 thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam với tổng giá trị các khoản đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tăng 50% so với mức 100 triệu USD trong quý 1/2020.
Một tín hiệu khả quan cho thấy, thống kê những tháng đầu năm nay số lượng doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký lớn tăng mạnh, cụ thể: số doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 10 - 20 tỷ đồng tăng gần 25%; doanh nghiệp có vốn đăng ký 20 - 50 tỷ đồng tăng gần 17%; doanh nghiệp có vốn đăng ký 50 - 100 tỷ đồng hơn 36%; và doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng tăng gần 53%.
Sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp đang dần được cải thiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
> Trở thành bậc thầy đàm phán chỉ với 7 tuyệt chiêu sau đây
> Làm thế nào để xây dựng các mối quan hệ trong công ty mới?
Theo VTV