Trúng tuyển ba trường đại học nhưng Thư, 18 tuổi, bỏ nhập học để đi làm spa, tính dùng hơn trăm triệu học phí và ăn ở dự kiến để kinh doanh riêng.
Ba trường đại học ở TP HCM mà Thư trúng tuyển gồm Công nghiệp, Nguyễn Tất Thành (ngành Công nghiệp thực phẩm) và Đại học Mở (ngành Marketing). Nữ sinh nói khi đặt nguyện vọng em không suy nghĩ nhiều, chọn những ngành quen thuộc như bạn bè. Trong thời gian đợi kết quả, Thư mới tìm hiểu kỹ hơn. Nữ sinh mông lung khi biết một số anh chị tốt nghiệp đại học rồi đi làm công, lương ba cọc ba đồng, chen chúc ở thành phố.
"Em tự hỏi mình sẽ làm gì sau bốn năm nữa", Thư nhớ lại. Sau suy nghĩ, nữ sinh thuyết phục bố mẹ cho đi làm ở spa. Theo Thư, chi phí 4 năm đại học cũng tốn mấy trăm triệu cả học phí và ăn ở nên em chọn học nghề nhanh rồi dùng tiền đó kinh doanh riêng, làm chủ.
"Có lẽ đỗ dễ dàng nên em thấy bỏ cũng bình thường", Thư nói.
Thư nằm trong hơn 118.000 thí sinh (gần 20%) trúng tuyển đại học đợt 1 nhưng bỏ nhập học. Trên các hội nhóm, diễn đàn học sinh, sinh viên, một số người dùng cho hay đạt 26-27 điểm, vào được trường top trên nhưng vẫn từ bỏ.
Trước đó, hơn 340.000 trong số một triệu học sinh tốt nghiệp THPT bỏ từ khâu đăng ký xét tuyển. Sau tuyển sinh đợt 1, chỉ 49,7% thí sinh tốt nghiệp chọn vào đại học. Các chuyên gia nhìn nhận nhiều người trẻ có tính toán thực tế hơn về con đường lập nghiệp.
Theo khảo sát trên VnExpress từ 31/7, lý do lớn nhất khiến thí sinh bỏ xét tuyển đại học là học phí cao so với thu nhập. Gần một nửa trong số hơn 2.200 người tham gia chọn lý do này. 23% xác định chọn vào cao đẳng, trung cấp nghề thay vì học đại học từ sớm. Một số khác bỏ xét tuyển do có kế hoạch du học hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT thấp.
Hồi tháng 3, nhiều trường THPT ở huyện Nam Đàn, Tương Dương (Nghệ An) cho biết có lớp học 100% bỏ xét tuyển, học sinh xác định đi xuất khẩu lao động hoặc học nghề để phụ giúp gia đình. Theo các hiệu trưởng, lý do là nhiều em sức học hạn chế, có em chịu áp lực về học phí đại học.
Quách Thị Thanh Tâm, cựu học sinh trường THPT Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, cũng băn khoăn về học phí. Tâm đạt 27 điểm ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) theo điểm thi tốt nghiệp THPT và trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Du lịch của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Nhà ở huyện miền núi khó khăn, bố mẹ làm nông, không dư dả để lo cho Tâm ăn học hàng chục triệu đồng mỗi năm ở thủ đô. Sau khi tính toán ngược xuôi, Tâm không làm thủ tục nhập học.
"Trường thông báo tạm thu 15 triệu đồng. Dự kiến học phí khoảng 20 triệu đồng một năm và hàng năm có tăng. Em nghĩ không thể theo học được", Tâm nói.
Đầu tháng 9, Tâm nhập học ngành Ngôn ngữ Trung, trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Việt Nhật ở Bắc Ninh. Học phí và các khoản đóng góp khoảng 18 triệu đồng một năm, không chênh lệch nhiều so với học phí đại học.
"Nhưng chi phí sinh hoạt ở Bắc Ninh cũng đỡ hơn Hà Nội. Chưa kể, thời gian chỉ 3 năm thay vì 4 năm nên em nghĩ mình có thể xoay được", Tâm chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công thương TP HCM, ở đa số trường hàng năm đều có khoảng 5-15% sinh viên trúng tuyển nhưng không nhập học. Một trong những lý do là thí sinh không trúng tuyển vào ngành mình mong muốn.
Về việc chỉ hơn 60% học sinh tốt nghiệp chọn xét tuyển vào đại học, ông Sơn nhìn nhận là điều "bình thường, không cần lo lắng". Các em có nhiều ngã rẽ như cao đẳng, học nghề ở doanh nghiệp, xuất khẩu lao động, du học, đi làm.
"Thậm chí điều này còn có phần tích cực vì thí sinh xác định được năng lực và nhu cầu của mình, tránh trường hợp học không nổi hoặc giữa chừng rồi bỏ, lãng phí thời gian, nguồn lực của bản thân, gia đình và xã hội", ông Sơn nói.
Mặt khác, ông cho rằng định kiến về học nghề đã giảm so với trước đây, nhiều học sinh mạnh dạn lựa chọn để rút ngắn thời gian học, học phí rẻ.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, đánh giá nhiều học sinh đã biết lựa chọn định hướng phù hợp thay vì đặt nặng ánh nhìn của xã hội. Từ đầu năm đến nay, trường tuyển được hơn 800 sinh viên, đạt 80% chỉ tiêu.
TS Phúc cho biết khoảng 15% tân sinh viên là học sinh giỏi ở phổ thông, không xét tuyển đại học mà đăng ký sớm vào trường để nhận học bổng 50% học phí kỳ I. Ngoài ra, một số em trúng nhiều trường đại học nhưng cũng chuyển sang học nghề.
Hiện chi phí học nghề khoảng 10 triệu đồng một năm, trong 2-3 năm. Còn học phí đại học dự kiến 20-60 triệu đồng một năm, tùy ngành, trường. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2021, lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng kiếm khoảng 7 triệu đồng một tháng, còn đại học trở lên là 9,2 triệu đồng - không chênh lệch nhiều. Một số trường nghề cho biết với những ngành hot, học viên có thể nhận lương 10-15 triệu đồng một tháng.
Hoàng Phương, 18 tuổi, ở Bình Định, đã làm việc cho nhà máy chế biến giấy ở quê được hai tháng. Nữ sinh nói quyết định không xét tuyển đại học bởi đến lớp 12 cũng không biết mình thích hay muốn theo nghề gì.
"Em lo có học tiếp cũng không chắc xin được việc tốt nên không muốn phí tiền bạc, thời gian", Phương nói. Trước mắt, nữ sinh tính đi làm để tích lũy tiền, rồi học trang điểm, làm tóc.
Phương cũng như Thư và Tâm đều thấy hài lòng với lựa chọn của mình, cho biết sẽ cố gắng học hỏi các kỹ năng cần thiết để tìm việc sau này.
"Không học đại học có thể khiến em gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng em nghĩ điều này cũng không quá quan trọng nếu mình cố gắng, nỗ lực", Tâm nói. Theo học ngành Ngôn ngữ Trung, nữ sinh hy vọng có thể nhận việc trong các doanh nghiệp về xuất nhập khẩu.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, thực tế nhiều trường hợp đi làm một thời gian, nhận thấy nhu cầu công việc cần hoặc muốn nâng cấp bản thân đã quay lại trường đại học. Những thí sinh năm nay bỏ xét tuyển có thể chọn học liên thông hoặc vừa học vừa làm.
Theo VnExpress